Công an xã có đủ trình độ điều tra, lấy lời khai?

27/05/2015 14:49
Ngọc Quang
(GDVN) - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp – bà Lê Thị Nga nếu giao cho công an xã quyền điều tra thì đầu vào của họ phải là lực lượng chuyên trách.

Sáng nay (27/5), Quốc hội đã nghe báo về dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Nội dung mà nhiều Đại biểu Quốc hội còn ý kiến khác nhau hiện nay là điều 43 quy định về trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp – ông Nguyễn Văn Hiện cho biết, vấn đề này vẫn có hai loại ý kiến khác nhau:

Loại ý kiến không đồng ý đề nghị bỏ điều này, vì trên thực tế, Công an xã (lực lượng này chiếm đa số so với Công an phường, thị trấn, đồn Công an) là lực lượng bán chuyên trách, trình độ của Công an xã vẫn còn nhiều hạn chế, chưa được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ điều tra.

Việc giao thêm một số hoạt động điều tra ban đầu cho Công an xã sẽ vượt quá khả năng của Công an xã, dễ dẫn đến việc làm sai lệch trong điều tra vụ án hình sự, gây khó khăn cho Cơ quan điều tra chuyên trách hoặc làm bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội.

Công an xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) kiểm tra nhân, hộ khẩu tại các khu nhà trọ. Ảnh: Báo Đồng Nai.
Công an xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) kiểm tra nhân, hộ khẩu tại các khu nhà trọ. Ảnh: Báo Đồng Nai.

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp – bà Lê Thị Nga, công an xã là lực lượng bán chuyên trách, nghiệp vụ hạn chế, nếu cho điều tra sẽ không đảm bảo việc thu thập chứng cứ ban đầu, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ, bảo vệ vật chứng, bảo vệ hiện trường.

“Qua theo dõi, tôi nhận thấy công an xã khó đáp ứng được yêu cầu điều tra ban đầu. Thực tế chúng ta từng thấy, có những vụ công an xã dùng dép mà đánh gãy 4 xương sườn của người bị nghi phạm tội.

Do đó, nếu giao cho lực lượng này điều tra thì đầu vào của họ phải là lực lượng chuyên trách mới có thể đảm bảo được quyền con người, quyền công dân”, bà Nga phân tích.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Tấn Viễn - Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương cho biết, tại cuộc họp mới đây Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp cũng đề nghị không nên giao cho lực lượng công an xã điều tra, mà nên để cơ quan điều tra chuyên nghiệp tiến hành.​

Tuy nhiên, cũng có ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về trách nhiệm và sự phân biệt trách nhiệm giữa Công an phường, thị trấn, đồn Công an với trách nhiệm của Công an xã.

Trên thực tế nhiều trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an là cơ quan trực tiếp và đầu tiên tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

Việc giao các cơ quan này việc tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển cho Cơ quan điều tra chuyên trách, phối hợp với Cơ quan điều tra trong hoạt động điều tra hình sự là phù hợp, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Những ý kiến này cho rằng thẩm quyền của Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an chỉ nên xác định ở một số loại tội phạm nhất định, mà không nên mở ra đối với mọi loại tội phạm.

Bên cạnh đó, tờ trình của Chính phủ cho biết, trong quá trình xây dựng dự án Luật, có hai loại ý kiến khác nhau về bổ sung các cơ quan có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra: Kiểm ngư, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và cơ quan Thuế.

Theo ông Hiện, vẫn còn ý kiến khác nhau trong cơ quan thẩm tra dự án luật.

Theo đó, một số ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định của pháp luật hiện hành về các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra vì cho rằng, hoạt động của các cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước chủ yếu làm việc tại trụ sở cơ quan, kiểm tra vụ việc trên giấy tờ, tài liệu, khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì có thể chuyển ngay hồ sơ cho Cơ quan điều tra chuyên trách.

Với cơ quan Kiểm ngư, mặc dù có địa bàn hoạt động trên biển nhưng trên địa bàn này cũng có lực lượng Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng.

Một số ý kiến nhất trí với đề nghị bổ sung các cơ quan trên được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Bởi vì đây là những cơ quan thuộc các lĩnh vực đặc thù có số vụ vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng, phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Hiện nay, các cơ quan này chỉ có chức năng thanh tra các vụ việc và nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cho cơ quan điều tra chuyên trách. Trong nhiều trường hợp, hoạt động này không đủ sức ngăn chặn, xử lý và răn đe tội phạm.

Ý kiến này cho rằng việc giao thẩm quyền điều tra ban đầu sẽ giảm tải cho các Cơ quan điều tra chuyên trách. Riêng đối với cơ quan Kiểm ngư, thực tế cho thấy việc giao cơ quan này là cơ quan tiến hành một số hoạt động điều tra còn góp phần tăng cường vai trò quan trọng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Ngọc Quang