Công điện của Thủ tướng Chính phủ ứng phó khẩn cấp mưa lũ tại miền Trung

02/11/2016 06:54
Ngọc Quang
(GDVN) - Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện 1925/CĐ-TTg về việc ứng phó khẩn cấp mưa lũ tại miền Trung.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với gió đông trên cao, từ ngày 30 tháng 10 năm 2016 đến nay tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị tiếp tục xảy ra đợt mưa lớn, tổng lượng mưa phổ biến từ 200 - 300 mm, nhiều nơi ở Hà Tĩnh, Quảng Bình 400 - 500 mm, có nơi gần 900 mm, lũ thượng nguồn các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình lên nhanh, có nơi vượt mức báo động 3.

Nhiều địa phương đang phải tập trung khắc phục hậu quả đợt mưa lũ trung tuần tháng 10 vừa qua tiếp tục bị ngập sâu, chia cắt, nhất là tại các vùng thấp trũng, khu vực ven sông suối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và sinh hoạt của người dân.

Miền Trung đang phải hứng chịu những hậu quả nặng nề từ mưa lũ và rất cần sự chung tay giúp đỡ của nhân dân cả nước. ảnh: vtc news.
Miền Trung đang phải hứng chịu những hậu quả nặng nề từ mưa lũ và rất cần sự chung tay giúp đỡ của nhân dân cả nước. ảnh: vtc news.

Hiện nay, không khí lạnh đang tiếp tục tăng cường xuống nước ta, tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên có khả năng tiếp tục có mưa to đến rất to, nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét ở vùng núi, ngập lụt ở vùng thấp trũng trong những ngày tới.

Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia sẻ khó khăn với chính quyền và nhân dân các địa phương vùng ngập lũ. Để chủ động ứng phó với mưa lũ, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân, khắc phục nhanh hậu quả sau khi lũ rút, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó theo cấp báo động theo phương châm “bốn tại chỗ”, trong đó tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

- Rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi các vùng nguy hiểm có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở, vùng bị ngập sâu chia cắt đến nơi an toàn.

- Huy động phương tiện, lực lượng, bằng mọi biện pháp tiếp cận những khu dân cư bị ngập sâu, chia cắt để tổ chức cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân, đảm bảo không để người dân nào bị đói, khát.

- Cử lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông, hướng dẫn việc đi lại an toàn qua các bến đò, các ngầm, tràn, tuyến đường giao thông bị ngập sâu, khu vực nước chảy xiết.

- Tổ chức kiểm tra an toàn các hồ chứa, giám sát việc vận hành xả nước đón lũ và vận hành xả lũ, đảm bảo an toàn đập và hạ du các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện, đặc biệt là các hồ chứa đã đầy hoặc gần đầy nước, các đập xung yếu.

- Tùy theo tình hình mưa lũ cụ thể tại từng khu vực, chủ động quyết định việc cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

2. Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng tìm kiếm cứu nạn, các lực lượng quân đội, công an trên địa bàn sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ thực hiện việc sơ tán nhân dân, cứu nạn, cứu hộ theo đề nghị của địa phương.

3. Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương chỉ đạo theo dõi sát diễn biến mưa lũ, phối hợp với các địa phương vận hành chủ động, an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, không để tình trạng xả lũ bất ngờ, lũ chồng lũ, góp phần giảm lũ cho hạ du.

4. Bộ Công Thương chỉ đạo vận hành an toàn hệ thống lưới điện, chuẩn bị đủ nguồn lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, kiểm soát chặt chẽ giá cả các mặt hàng thiết yếu, không để tình trạng lợi dụng mưa lũ tăng giá. 

5. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư tại các khu vực xung yếu, nhất là các khu vực đã xảy ra sự cố trong đợt mưa lũ giữa tháng 10 vừa qua để kịp thời triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, tập trung khắc phục nhanh các tuyến giao thông chính bị sự cố, sạt lở ngay sau khi lũ rút, nhất là trên tuyến quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh và tuyến đường sắt bắc nam. 

6. Bộ Y tế chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở và các đơn vị liên quan cung cấp đủ cơ số thuốc chữa bệnh, đảm bảo việc khám chữa bệnh kịp thời cho nhân dân vùng ngập lũ; hướng dẫn, hỗ trợ địa phương và nhân dân bảo đảm vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh ngay sau khi lũ rút, không để phát sinh dịch bệnh.

7. Các Bộ, ngành liên quan theo chức năng và nhiệm vụ được giao chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sẵn sàng giúp đỡ địa phương khi có yêu cầu, hỗ trợ địa phương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống và phục hồi sản xuất.

8. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia tiếp tục theo dõi diễn biến của mưa, lũ, dự báo và cung cấp thông tin kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo và thông báo cho nhân dân biết để chủ động phòng, tránh.

9. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài thông tin Duyên Hải và các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến mưa lũ, tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động phòng tránh, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa và khu vực ven sông, suối.

10. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức thường trực theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ; chỉ đạo, đôn đốc các các Bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các biện pháp ứng phó; kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các tình huống cấp bách, vượt thẩm quyền.

Ngọc Quang