Cục trưởng chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt nói hồ sơ Panama là không chính thức

11/05/2016 13:28
QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)
(GDVN) - "Hiện tại, chúng ta chưa thể kiểm chứng được những thông tin trong hồ sơ này khách quan hay không khách quan?", ông Phạm Trọng Đạt nói.

LTS: Hồ sơ Panama vừa được công bố dưới dạng cơ sở dữ liệu có thể tìm kiếm tại địa chỉ offshoreleaks.icij.org bởi Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ), có 189 cá nhân, tổ chức có liên quan đến từ khóa Việt Nam.

Trong danh sách này có nhiều doanh nhân nổi tiếng trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, ngân hàng...

Đại diện cơ quan chuyên trách Việt Nam cho rằng, sẽ xin ý kiến Chính phủ trong việc xác minh, làm rõ thông tin nếu tài liệu trên đảm bảo tính khác quan.


Để tìm hiểu thêm vấn đề này, hôm 10/5, phóng viên Báo điện tử đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh Tra Chính phủ, ông Phạm Trọng Đạt.

PV: Quan điểm của ông như thế nào trước thông tin “189 cá nhân, tổ chức liên quan đến Việt Nam có tên trong Hồ sơ Panama”?

Cục trưởng Phạm Trọng Đạt: Đây là những thông tin qua mạng, không chính thức.

Hiện tại, chúng ta chưa thể kiểm chứng được những thông tin trong hồ sơ này khách quan hay không khách quan?. Do đó hiện tại, chúng tôi chưa thể kết luận được điều gì?.

Mặt khác, muốn xác minh cá nhân, tổ chức có dấu hiệu vi phạm trốn thuế, rửa tiền phải có bằng chứng cụ thể và sự vào cuộc của cơ quan điều tra.

Cục trưởng Cục chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt (ảnh của Báo Lao động).
Cục trưởng Cục chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt (ảnh của Báo Lao động).

Khách quan mà nói, đây cũng có thể coi là những thông tin mang tính chất tham khảo. Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo.

Trường hợp được sự đồng ý, thì việc xác minh, xử lý thông tin trên cần sự phối hợp của rất nhiều bên, trong đó phải kết hợp các mối quan hệ quốc tế. Còn việc xử lý thông tin trong nước chỉ là một phần nhỏ trong quá trình điều tra.

Trường hợp nếu xác định hồ sơ Panama là có căn cứ, đảm bảo tính khách quan thì việc xử lý vi phạm (nếu có) cũng không hề đơn giản. Bởi lẽ, để phán xét hành vi đó có phạm tội hay không, phải căn cứ vào luật pháp của từng nước.

Có khả năng, những người có chức vụ ở Việt Nam đứng đằng sau các hành vi trốn thuế, rửa tiền…? 

Cục trưởng Phạm Trọng Đạt:  Đó là do suy nghĩ, nhận thức của từng người. Bởi lẽ, hiện tại chúng ta chưa có cơ sở kết luận điều này.

Hàng loạt nhân vật tiếng tăm từ hàng chục quốc gia trên thế giới được nhắc tên trong “Hồ sơ Panama”. Ảnh: eoinhiggins
Hàng loạt nhân vật tiếng tăm từ hàng chục quốc gia trên thế giới được nhắc tên trong “Hồ sơ Panama”. Ảnh: eoinhiggins

Mặt khác, chưa hẳn cứ có tên trong hồ sơ Panama là vi phạm pháp luật. Do đó, chưa thể kết luận họ là tội phạm được.

Tôi xin nhắc lại, muốn kết luận được người đó có hành vi vi phạm, phải xem xét các hành vi đó có phù hợp với pháp luật của chúng ta hay không, mới có thể xử lý được.

Trường hợp, xác định tổ chức, cá nhân chuyển tiền sang Panama có thu nhập “chìm”, hoặc có dấu hiệu tham nhũng liên quan tới người có chức vụ, thì xử lý thế nào?

Cục trưởng Phạm Trọng Đạt: Thực tế cho thấy, Việt Nam chưa có văn bản nào quy định cụ thể về cơ chế kiểm soát thu nhập của người có chức vụ.

Mặt khác, các bản kê khai tài sản mới dừng ở mức độ kê khai để cho có, còn việc xác minh, giải trình về tài sản, thu nhập mà họ có được vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Do đó, ngay cả việc xác định đồng tiền đó có dấu hiệu vi phạm thì việc xử lý cũng không hề đơn giản.

QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)