Cùng một thời điểm, Bắc Giang xảy ra hai vụ án oan chấn động dư luận?

08/11/2013 13:39
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - Cùng thời gian truy tố, tuyên án ông Nguyễn Thanh Chấn, các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang còn “dính” tới vụ bê bối khác khi truy tố oan cho 8 công dân mà những người này sau đó đã tố cáo họ đã bị tra tấn, nhục hình, ép cung trong thời gian bị giam giữ.

Chiều ngày 6/11/2013, Tòa án nhân dân tối cao đã đưa ra xét xử theo trình tự tái thẩm vụ án giết người xảy ra hơn 10 năm trước tại thôn Me, xã Nghĩa Chung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Theo đó, Hội đồng tái thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm về tội giết người của ông Nguyễn Thanh Chấn.

Ngày về đẫm nước mắt của ông Nguyễn Thanh Chấn
Ngày về đẫm nước mắt của ông Nguyễn Thanh Chấn

Như vậy, sau hơn 10 năm ở tù ông Chấn đã chính thức được các cơ quan chức năng tiến hành các công việc giải oan...

Ép người vô tội phải nhận tội?

Trước đó, trả lời câu hỏi của luật sư Biền (người đã bào chữa cho ông Chấn tại những phiên xét xử cách đây 10 năm) cũng như nhiều người khác, ông Chấn cho biết ông đã bị các điều tra viên dọa dẫm, đánh đập, mớm và ép cung khiến ông quá sợ hãi nên buộc phải nhận đã giết người.

Ngoài ra, ông Chấn còn cáo buộc những điều tra viên này đã ép ông…làm "diễn viên", bắt ông phải miêu tả lại quá trình gây án mà kịch bản và đạo diễn do chính các điều tra viên viết và chỉ đạo.

“Họ bắt tôi tập cái nọ cái kia, lấy một cái giả làm cái dao để học đâm, đâm bên phải, bên trái… rồi họ cho thằng Quang giả làm cô Hoan (nạn nhân) để tôi tập bế lên đặt xuống, họ cũng bắt tôi học thuộc cách thức gây án do họ nói cho, tôi cứ răm rắp làm theo. Vì tôi sợ!” - ông Chấn cho biết.

Ông Chấn kể, sau khi ông đã khá thuộc bài và thành thạo các động tác, ông được yêu cầu thực nghiệm điều tra trong một căn nhà mượn tạm, diễn lại những cảnh đã tập để camera quay lại. “Tôi vốn chậm chạp nên cứ bị quên, phải diễn đi diễn lại nhiều lần để họ quay” - ông Chấn nói.

Vụ việc của ông Chấn đang gây phẫn nộ trong dư luận. Nhiều người cảm thấy vô cùng khó hiểu khi mà một vụ án có sự tham gia của nhiều cơ quan tố tụng như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án mà lại để xảy ra việc động trời, ngang trái đến như vậy. Tuy nhiên ở Bắc Giang, còn có một vụ án oan khác mà ít người biết đến cũng “kinh hoàng” không kém vụ của ông Chấn.

Truy tố oan 8 người, một người chết

Nguồn tin trên tờ báo Người Lao Động, cùng thời gian truy tố, tuyên án ông Nguyễn Thanh Chấn, các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang còn “dính” tới vụ bê bối khác khi truy tố oan cho 8 công dân mà những người này sau đó đã tố cáo họ đã bị tra tấn, nhục hình, ép cung trong thời gian bị giam giữ.

Ông Dương Phúc Thịnh (trái), 1 trong các bị cáo của vụ trộm cổ vật, tại buổi xin lỗi của VKSND tỉnh Bắc Giang ngày 23-7-2008.
Ông Dương Phúc Thịnh (trái), 1 trong các bị cáo của vụ trộm cổ vật, tại buổi xin lỗi của VKSND tỉnh Bắc Giang ngày 23-7-2008.

8 công dân ấy bị cáo buộc gây ra hàng loạt vụ trộm cắp tượng, cổ vật trong nhiều đình, chùa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong khoảng thời gian từ tháng 6-2001 đến tháng 7-2003.

Trong đó, ông Nguyễn Quý Đoan (tức tiểu Thích Đạo Sơn) là người bị khởi tố, bắt tạm giam đầu tiên. Sau đó, Đoan đã khai nhận tham gia 7 vụ trộm cắp và “xì” ra “đồng bọn”.

Trong suốt thời gian bị tạm giam hơn 2 năm trời và trải qua 4 phiên tòa, không đủ chứng cứ để buộc tội những người bị truy tố, 8 bị can đã được đình chỉ điều tra, xác định bị làm oan.

Đặc biệt, trước khi được giải oan, bị can Phan Hữu Hường - một nhà sư - đã chết trong trại tạm giam Kế (tỉnh Bắc Giang) và sau đó được kết luận là do bị bệnh. Trong các phiên xét xử công khai, 7 bị can còn lại đều nhất loạt tố cáo rằng họ bị tra tấn, nhục hình, ép cung trong thời gian bị giam giữ.

Tới phiên tòa lần thứ 4 diễn ra vào tháng 6-2006, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã phải tuyên cả 8 bị cáo trong vụ việc này đều vô tội và trả tự do ngay tại tòa.

Vậy nhưng phải tới tháng tháng 7-2008, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Bắc Giang mới bắt đầu tổ chức “xóa án tích” cho ông Dương Phúc Thịnh, 1 trong các bị cáo của vụ trộm cổ vật, tại nơi cư trú (quận Ba Đình, Hà Nội) và sau đó lần lượt với những công dân khác.

Tại buổi công khai xin lỗi ông Thịnh ngày 23-7-2008, Phó viện trưởng VKSND tỉnh Bắc Giang -Vũ Mạnh Thắng khẳng định, việc khởi tố oan sai là do sơ suất của cơ quan thực thi pháp luật của cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang nói chung và VKSND tỉnh Bắc Giang nói riêng. Thiếu sót này đã gây ra tổn thất về tinh thần và vật chất với ông Thịnh.

Trước khi xảy ra vụ việc, ông Dương Phúc Thịnh đang là một nghệ nhân làm cây cảnh, cuộc sống gia đình sung túc. Sau hơn 1.000 ngày bị khởi tố oan, ông trở về gia đình với hai bàn tay trắng và nỗi ám ảnh trong những ngày bị giam giữ. Tuy vậy, suốt một thời gian dài VKSND tỉnh Bắc Giang “cò kè bớt một thêm hai” khi tính toán các khoản bồi thường cho ông Thịnh và các công dân khác.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, sáng 5-11, một chuyên gia tư pháp nhận định việc điều tra, truy tố, xét xử ông Nguyễn Thanh Chấn (thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) với tội danh “Giết người” và truy tố oan cho 8 công dân trong vụ “trộm cắp cổ vật” diễn ra trong cùng khoảng thời gian từ 2001-2003.

Vị chuyên gia tư pháp này cũng nhận định, để xảy ra nhiều vụ án oán đã cho thấy năng lực của các cơ quan tố tụng, xét xử tỉnh Bắc Giang thời gian này có vấn đề và cần thiết phải xem xét, xử lý trách nhiệm cá nhân cụ thể.

VIẾT CƯỜNG