ĐB Đinh Xuân Thảo: Tiền huy động vẫn chảy vào, vậy nó đang nằm ở đâu?

22/05/2013 14:28
Mai Nguyễn
(GDVN) - ĐBQH đã truy vấn rằng nguồn tiền huy động vẫn “chảy” vào ngân hàng, nhưng doanh nghiệp lại không tiếp cận được vốn. Vậy nguồn tiền đang nằm ở đâu?
Thảo luận tổ sáng 22/5 về lĩnh vực kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 2012 và những tháng đầu 2013, các ĐB đã tập trung nêu vấn đề về tình hình nợ xấu cũng như những con số thống kê công bố chưa thực sự chuẩn. 

ĐB Đinh Xuân Thảo
ĐB Đinh Xuân Thảo


Phản ánh về những con số thống kê được cung cấp, ĐBQH Nguyễn Phi Thường cho rằng báo cáo chưa thực sự ăn khớp, dự toán quá thấp so với con số quyết toán. Bên cạnh đó mức vượt thu lại chủ yếu dựa vào dầu thô, tăng vay nợ để tăng thu. Đây là một điều bất thường. DN thực sự khó khăn nhưng lại bị thu quá nhiều.

Đánh giá cao một số kết quả Chính phủ đã đạt được trong thời gian qua, tuy nhiên ĐB Bùi Thị An lại đưa ra nhận định việc điều hành kinh tế vĩ mô vẫn “còn nhiều lúng túng”.

Đặc biệt bà An cũng cho rằng các con số đánh giá Chính phủ đưa ra cũng chưa thực sự ăn khớp, chưa thống nhất. Bà đề nghị những con số về nợ xấu, nợ công, tình hình thất nghiệp cần kiểm tra lại để “đánh giá chuẩn tình hình”. Nếu bắt bệnh không đúng sẽ không bốc thuốc được đúng bệnh.

Để có được những con số chuẩn xác, bà An mạnh dạn đề nghị cơ quan Tổng Cục thống kê nên thuộc Quốc hội.

Cùng chung nhận định bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, ĐB Nguyễn Hồng Sơn dẫn ví dụ doanh nghiệp bị phá sản, đóng cửa ngày một nhiều. Ngay cả NQ 13 cũng chưa thực sự đi vào cuộc sống, mức tác động chưa đủ mạnh. Những tháng còn lại của năm sẽ càng nhiều khó khăn hơn nữa.

“Thuế TNDN chỉ có thể hỗ trợ những DN làm ăn có lãi. Dù điều này rất cần nhưng cái chính vẫn phải là tháo gỡ khó khăn cho DN có nguy cơ phá sản. Tồn đọng BĐS nếu không có giải pháp cho họ thì sẽ không có tiền thu thuế. Chính phủ thành lập cơ quan có trách nhiệm, thường xuyên nắm bắt tình hình và phải hoạt động hàng tuần chứ không phải định kỳ mỗi tháng một lần” – ĐB Sơn đề nghị.

Dù tình hình khó khăn rất lớn như vậy, nhưng theo ĐB Trần Thị Quốc Khánh, các báo cáo lại nói vẫn khả quan, kinh tế tăng trưởng, lạm phát ổn định là xa rời thực tế. Cần nhìn thẳng vào vấn đề để bắt và chữa bệnh.
“Dù đã ba lần kiến nghị tại 3 kỳ họp khác nhau. Đến nay cũng đã trải qua 5 kỳ họp mà tôi vẫn chưa biết (và vẫn muốn biết) chính xác nợ xấu nó nằm ở đâu? ở DN nào? Phải biết chính xác vị trí mới tìm cách hiến kế được”.

ĐB Đinh Xuân Thảo thì phản ánh, trong một kỳ họp TVQH vừa qua có đặt vấn đề tín dụng với một người. Nhưng người ta bảo tiền tuy có nhưng NH lại không dám cho vay vì thấy không tin tưởng.

“Mặc dù lãi suất đã hạ nhiều, nguồn tiền huy động vẫn chảy” vào NH nhưng DN lại khó tiếp cận được vốn vay. Vậy vấn đề đặt ra là tiền đi đâu? Với tình cảnh này nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2013 sẽ cực kỳ khó khăn” – ông Thảo nêu vấn đề.

Bên cạnh những bất cập về tín dụng, ông cũng cho rằng người “tư lệnh” ngành phải làm rõ thực trạng giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn.

Trước nhiều ý kiến phản ánh về nợ xấu trong thời gian qua. ĐB Phạm Huy Hùng có bài phát biểu kiểu như “thanh minh” về vấn đề này.

Ông cho rằng lãi suất từ năm 2011 đến nay liên tục giảm khiến mặt bằng lãi suất thấp hơn cả năm 2007 (thời điểm trước khi xảy ra khủng hoảng). Không phải ngân hàng không muốn cho vay mà vì sức mua giảm, hàng tồn kho lớn. Trên thực tế thời gian qua nhiều NHTM còn giảm lãi suất để hút khách, nhưng vẫn không thể tăng trưởng được tín dụng.

Ông Hùng thừa nhân “một bộ phận” có nhu cầu vay. Nhưng xét thấy mức độ rủi ro cao, không có khả năng thu hồi vốn nên không dám cho vay.

“Nếu cứ “bơm” tiền vào thì nợ xấu sẽ tăng lên”. Ngoài ra ông Hùng cũng khẳng định “nợ xấu không phải do NH tạo ra mà vì DN không trả được”

“Ông Hùng cho rằng lĩnh vực quản lý kinh doanh vàng đã đi vào “ổn định”, không còn cảnh đổ xô đi mua vàng. 

Kiến nghị về giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thời gian qua, theo ông Hùng giải pháp chính vẫn phải là kích cầu tiêu dùng, giải phóng hàng tồn kho để lấy lại niềm tin cho thị trường.

Mai Nguyễn