ĐB Quốc hội 'cáo buộc' nhiều trang tin đang làm những việc phạm pháp

10/06/2013 07:35
T.L (ghi)/PetroTimes
(GDVN) - Sự kiện các báo điện tử có nhiều loạt bài đấu tranh với nạn vi phạm bản quyền, bóc lột công sức người làm báo của 24h đã tạo ra một luồng dư luận lớn. Bên lề cuộc họp Quốc hội, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Hà Minh Huệ, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.
Đại biểu Quốc hội Hà Minh Huệ: Đạo văn, đạo nhạc xử lý được thì không có lý do gì không xử lý được nạn ăn cắp tin bài trên báo chí.
Đại biểu Quốc hội Hà Minh Huệ: Đạo văn, đạo nhạc xử lý được thì không có lý do gì không xử lý được nạn ăn cắp tin bài trên báo chí.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) vừa ban hành văn bản chấn chỉnh hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp. Đây được coi là kim chỉ nam để các tòa soạn báo điện tử chiến đấu và chiến thắng trong cuộc chiến giành lấy vị trí và giá trị xứng đáng trong xã hội.

Việc một loạt các tờ báo chính thống như PetroTimes, VTC News, Giáo dục Việt Nam, Kiến Thức, Tiền Phong, Tuổi trẻ, Dân trí... lên tiếng về những hành vi sử dụng tin bài trái phép của website 24h như là những động thái đầu tiên hưởng ứng "kim chỉ nam" do Bộ TT-TT vừa ban hành.

Đại biểu Hà Minh Huệ cho biết, văn bản này nêu rõ hoạt động của nhân viên trang tin điện tử như phóng viên báo chí là không tuân thủ đúng các quy định của pháp luật hiện hành về báo chí, về thông tin điện tử trên Internet.

Trong thời gian vừa qua có nhiều tổ chức, đơn vị phản ảnh đến Bộ TT-TT về việc nhân viên các trang thông tin điện tử tổng hợp như tham dự các cuộc họp báo, hội thảo và đưa tin như các cơ quan báo chí. Theo Bộ TT-TT, việc nhân viên của các đơn vị này tham gia các cuộc họp báo, hội nghị, hội thảo do các bộ, ngành... tổ chức để đưa tin như các cơ quan báo chí là không tuân thủ đúng các quy định của pháp luật hiện hành về báo chí, về thông tin điện tử trên Internet.

Đáng nói hơn, nhiều trang thông tin còn ngang nhiên copy tin bài các báo khác mà không xin phép, thậm chí xóa tên tác giả, thay tên nhân viên của mình vào và mặc nhiên coi đó là sản phẩm của trang tin. Đó là điều không thể chấp nhận được, nhất là trong bối cảnh vấn nạn bản quyền, tác quyền đang gây sốt dư luận.

Ông Hà Minh Huệ nhấn mạnh: Không có lí do gì nếu đạo nhạc, đạo văn, đạo thơ... tràn lan mà “đạo báo” lại được dung túng.

“Như chúng ta đã rõ, các trang thông tin điện tử tổng hợp của tổ chức, doanh nghiệp chỉ được cung cấp thông tin tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên cơ sở trích dẫn lại thông tin từ nguồn chính thức của các cơ quan Đảng và Nhà nước phù hợp với quy định pháp luật về báo chí, về bản quyền; không được bình luận. Như vậy, các trang tin điện tử không được hoạt động như các cơ quan báo chí.

Nếu nhân viên của họ hoạt động như những phóng viên chuyên nghiệp thì vô hình chúng đó là báo chí tư nhân, trong khi như bạn biết rồi, chúng ta không có cơ chế cho báo chí tư nhân” - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định.

“Không chỉ có tự động lấy bài vở mà không xin phép, nhiều nhân viên trang thông tin điện tử tổng hợp vẫn tự nhận mình là phóng viên, đi thu thập thông tin, viết bài. Hành động đó là phạm pháp.

Mà điều đáng lo ngại nhất, đó chính là độ chính xác trong thông tin và cách tiếp cận thông tin của “nhân viên - phóng viên” đó đưa lên. Các trang thông tin điện tử tổng hợp không có chức năng sản xuất và không có trách nhiệm thông tin.”

Ông Hà Minh Huệ tỏ ra lo ngại cho các tòa soạn báo điện tử khi vấn nạn này vẫn chưa có giải pháp căn cơ nào đủ mạnh. “Các cơ quan báo chí phải trả lương, nhuận bút cho phóng viên đã đành, họ còn mất thời gian đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ mới cho ra lò những sản phẩm đáp ứng được yêu cầu chính trị - xã hội.

Vậy mà chỉ 2-3 phút sau, hàng loạt trang thông tin điện tử tổng hợp đã ngang nhiên lấy về, thậm chí không đề nguồn trích dẫn hoặc trắng trợn hơn là “xào” lại nguyên bản.”

Ông Huệ cũng bày tỏ sự ủng hộ báo điện tử PetroTimes – đơn vị đầu tiên tuyên chiến mạnh mẽ với nạn “ăn cắp vặt” đang nở rộ trên internet. Ngay sau đó, đã có nhiều tờ báo chính thống VTC News, Giáo dục Việt Nam, Kiến Thức, Tiền Phong, Tuổi trẻ, Dân trí... cũng lên tiếng. Nhiều trang web chuyên "sống trên mồ hôi công sức người làm báo" như 24h, Vietbao... đã bị vạch mặt chỉ tên - đây là điều đáng mừng.

Vị đại biểu này cũng hy vọng các tòa soạn báo điện tử khác nói riêng và cộng đồng người làm báo chân chính nói chung tiếp tục sát cánh cùng nhau, sớm giải quyết dứt điểm tình trạng trên, từ đó trả lại vị trí và giá trị xứng đáng cho báo chí trong xã hội.

T.L (ghi)/PetroTimes