ĐBQH Dương Trung Quốc: "Chưa nên thông qua luật đất đai"

18/06/2013 07:10
Ngọc Quang
(GDVN) - Trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam, ĐB Dương Trung Quốc cho rằng chưa nên thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này, vì còn nhiều điểm cần phải thảo luận và điều chỉnh.

Thảo luận về Dự thảo luật đất đai (sửa đổi), nhiều ĐBQH thống nhất đất đai là sở hữu toàn dân, nhưng đề nghị bổ sung thêm khi thu hồi đất phải thực hiện “trưng mua” tài sản trên đất của người dân, vì đó tiền mồ hôi nước mắt mà người dân phải cực khổ mới làm ra được.

"Chưa nên thông qua luật đất đai"

Trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam, ĐB Dương Trung Quốc cho rằng chưa nên thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này, vì còn nhiều điểm cần phải thảo luận và điều chỉnh.

ĐB Dương Trung Quốc cho rằng chưa nên thông qua dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) tại thời điểm này.
ĐB Dương Trung Quốc cho rằng chưa nên thông qua dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) tại thời điểm này.

“Ngay từ năm 2003 tôi đã phát biểu rằng: Sở hữu đất đai toàn dân là một sở hữu vô hình; Quyền sử dụng của người dân là thực quyền; Quyền định đoạt thì lại thuộc các cơ quan nhà nước. Chúng ta thấy rằng, bao nhiêu năm qua các vụ khiếu nại, khiếu kiện về đất đai luôn đứng đầu ở mọi lĩnh vực.

Ngay ở dự thảo luật lần này, ý nói thu hồi cho các dự án kinh tế xã hội hay công cộng là tư tưởng tốt, nhưng điều quan trọng là địa phương có thực hiện đúng không hay sẽ tìm cách lợi dụng, nhân danh Đảng ủy địa phương và chính quyền để hiện thực hóa nhóm lợi ích nào đó?

Theo tôi, chí ít trong hoàn cảnh hiện nay, phải có một ủy ban của Quốc hội giám sát tất cả các dự án thuộc nhóm gọi là “công cộng” hay “phục vụ phát triển kinh tế xã hội” ở tất cả các địa phương thì sẽ phần nào kiểm soát được và loại trừ những vụ việc tiêu cực”, ông Quốc bày tỏ.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (tỉnh Lâm Đồng) đồng tình với quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhưng cũng nếu ra một thực tế khác là khi tiếp xúc cử tri thì đa số nhân dân đề nghị quyền sở hữu về đất ở.

“Trong báo cáo tổng hợp của chúng ta ở đây có nói đa số nhân dân đồng tình, nhưng theo tôi không phải như thế. Chúng ta viết như thế hơi chủ quan, bởi đa số nhân dân người ta muốn sở hữu về đất ở, chứ không phải như chúng ta tổng hợp đâu.

Chúng ta nói là đất đai là sở hữu toàn dân, nếu cần thiết chúng ta trưng cầu dân ý, xem nhân dân có đồng ý vấn đề này hay không? Bởi vì chúng ta xác định là sở hữu toàn dân thì người dân có quyền quyết định vấn đề này.

Tôi đề nghị nên xem lại vấn đề này, bởi vì khi người ta nói đến quyền sở hữu thì chỉ có 3 quyền: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Trong khi đó đất ở chúng ta giao cho nhân dân là sử dụng lâu dài, chúng ta trao cho thêm 8 quyền: chuyển đổi, sang nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng, cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Như vậy còn cao hơn quyền sở hữu, cũng như chỗ này cách gọi khác nhau thôi, người miền Bắc bảo đây là con lợn, người miền Nam bảo đây là con heo, nhưng thực chất nó là như thế, đúng không? Nó không có gì khác. Cho nên tôi đề nghị vấn đề này phải xem lại”, ĐB Thuyền nói.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền.

"Đề nghị xem xét lại các dự án kinh tế - xã hội”

Đối với vấn đề thu hồi đất an ninh, quốc phòng, vì lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng, tôi đồng tình, ĐB Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội cần phải có sự cân nhắc bởi vì rất nhiều ý kiến cho rằng trong thời gian vừa qua điều này tạo ra nhiều thiệt thòi cho người dân và tạo điều kiện cho tham nhũng phát triển.

“Chúng ta nói là dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhưng thực ra người dân rất thiệt và ở đây có một nhóm lợi

ĐB Nguyễn Thanh Thụy: Giá đất được quy định tại bảng giá đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành thường thấp hơn rất nhiều so với thị trường, chỉ bằng khoảng 40% giá thị trường. Cá biệt, tại thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chỉ bằng 18-30% giá thị trường. 

ích được hưởng. Khi chúng ta thu hồi đất cho dự án kinh tế - xã hội, ví dụ chúng ta thu đất nông nghiệp thì chúng ta quy hoạch khu dân cư, khi được quy hoạch người ta chỉ đóng 40% đất ở, sau đó người ta bán đất đó đi bằng 100% giá trị đất ở.

Rõ ràng là người dân rất thiệt và nhà nước cũng không được gì, nhưng chắc chắn cán bộ có chức, có quyền sẽ được hưởng lợi trong việc này, vì khoản chênh lệch rất lớn, cho nên tôi đề nghị xem lại các dự án kinh tế - xã hội”, ĐB Thuyền đề nghị.

ĐB Nguyễn Sĩ Cương (tỉnh Ninh Thuận) thì nhận định, thực tế ai ở vào hoàn cảnh bị thu hồi đất thì mới thấy sót xa thế nào và nêu lên một thực trạng: “Qua trao đổi, tiếp xúc với những người bị thu hồi đất, họ cho tôi biết là họ không phản đối chính sách của nhà nước, nhưng đáng buồn là nghìn m2 mà họ sử dụng cả chục năm khi được đền bù không mua nổi vài chục m2 của chủ đầu tư.

Ở các dự án ấy, cơ quan nhà nước thu hồi thì bảo cần thiết, nhưng không có ai hỏi dân là có thực sự cần thiết không, vì có ai quan tâm đến ý kiến của họ đâu”.

Còn ĐB Nguyễn Thanh Thụy (tỉnh Bình Định) thống nhất với quan điểm thu hồi đất được quy định tại dự thảo, vì đất đai là tài nguyên tư liệu sản xuất đặc biệt thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu, đồng thời đề nghị: “Đối với các trường hợp thu hồi đất có nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì nhà nước phải trưng mua.

Bởi nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của tổ chức và cá nhân thì nhà nước không thể thu hồi lại càng không thể coi đây là việc bồi thường tài sản gắn liền với đất là hệ quả của quyết định thu hồi đất. Điều này nó cũng phù hợp với quy định của Hiến pháp hiện hành và pháp luật về trưng mua đã được quy định tại Khoản 3, Điều 2 và Điều 13 của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản”.

Đồng quan điểm với ĐB Thụy, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nhận định: “Đối với tài sản gắn liền với đất như nhà ở, các công trình kiến trúc.

Đây là tài sản thuộc sở hữu của người dân, họ phải đổ mồ hôi, công sức và cả tính mạng để xây dựng lên, không phải sở hữu của Nhà nước như lâu nay chúng ta đã đánh đồng 2 làm 1 là thu hồi tất. Vậy, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ cơ sở pháp lý nào để chúng ta thu hồi cả tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của người dân.

Tại sao chúng ta không dùng cơ chế trưng mua hay cơ chế thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân về giá bồi thường đối với loại tài sản này. Nếu tiếp tục quy định thu hồi đất đối với loại tài sản này có vi hiến hay không?”.

Ngọc Quang