Đã có kết luận cá biển chết ở Thừa Thiên Huế

26/04/2016 18:46
HOÀNG TUẤN - BẢO SƯƠNG
(GDVN) - Nguyên nhân cá biển, cá nuôi chết không phải do dịch bệnh mà do một tác nhân cực mạnh - chất độc trong môi trường nước.

Chiều 26/4, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết đã có báo cáo kết quả phân tích mẫu nước tại những nơi phát hiện cá chết hàng loạt trong thời gian vừa qua.

Nước biển bị nhiễm kim loại nặng

Theo bản báo cáo “Về việc cá chết bất thường ở khu vực đầm phá và vùng ven biển Thừa Thiên - Huế”, từ ngày 15/4 đến ngày 22/4/2016, hiện tượng cá chết xuất hiện dọc bờ biển Thừa Thiên - Huế có lượng cá chết giảm dần từ Bắc xuống Nam.

Cơ quan chức năng khảo sát, lấy mẫu khu vực biển xã Quảng Công ngày 21/4. Ảnh: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Cơ quan chức năng khảo sát, lấy mẫu khu vực biển xã Quảng Công ngày 21/4. Ảnh: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Hiện tượng cá biển và cá nuôi chết bắt đầu tại vùng biển tỉnh Hà Tĩnh, giảm dần đến khu vực Vũng Chuối, Bắc chân đèo Hải Vân thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Như vậy, khả năng nguồn chất độc trong môi trường nước gây sự cố cá chết hàng loạt đã xuất hiện từ phía Bắc của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Báo cáo đã chỉ rõ các thông số như: Tổng hàm lượng nitơ tính theo amoni (NH4+-N), hàm lượng kim loại nặng crôm (Cr) vượt giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 10-MT:2015/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển cũng như QCVN 08 - MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.

Vậy nên có thể khẳng định nguyên nhân cá biển, cá nuôi chết không phải do dịch bệnh mà do một tác nhân cực mạnh - chất độc trong môi trường nước dẫn đến sự cố cá chết hàng loạt tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Hiện tượng cá chết bất thường này đã ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản; hoạt động kinh doanh -dịch vụ tại các bãi biển du lịch, giảm thu nhập của ngư dân và đã tác động mạnh đến đời sống nhân dân cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội

Nhanh chóng tìm cách khắc phục

Trước thực trạng này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có công văn yêu cầu các địa phương bị sự cố cá chết khẩn trương thu gom và xử lý theo quy định, không được để cá chết gây ô nhiễm môi trường; Thống kê thiệt hại trong hoạt động nuôi trồng và đánh bắt cũng như các hoạt động kinh tế liên quan của địa phương.

Cá nuôi lồng chết, trôi dạt trên đầm Lập An. Ảnh: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế
Cá nuôi lồng chết, trôi dạt trên đầm Lập An. Ảnh: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế

Việc cá chết bất thường đã khiến người dân địa phương rất hoang mang vì chưa có đầy đủ thông tin chính xác trong việc sử dụng các loại thủy sản trên thị trường. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đề nghị Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu và có hướng dẫn kịp thời giúp nhân dân sử dụng thủy sản khoa học, hợp lý nhằm ổn định thị trường và cuộc sống.

Trước đó ngày 22/4/2016, làm việc với đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế đã kiến nghị cần phải khẩn trương khảo sát nghiên cứu để xác định rõ nguyên nhân; sớm có hướng dẫn phương án lấy nước biển cấp cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản công nghiệp ven biển, đảm bảo không bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đưa ý kiến về việc Bộ cần có những đề xuất kịp thời với Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ cho ngư dân, các cơ sở kinh doanh - dịch vụ tại các bãi biển du lịch vùng ven biển của các tỉnh Bắc miền Trung chịu nhiều thiệt hại về kinh tế - xã hội do sự cố trên.

HOÀNG TUẤN - BẢO SƯƠNG