Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Dã tâm "thiên tử, thiên triều" và mâu thuẫn nội bộ lớn của Trung Quốc

15/08/2012 07:03
Hồng Chính Quang
(GDVN) – “Giới lãnh đạo Trung Quốc từ xưa đến nay đều có tư tưởng bành trướng. Ngay cả khi họ yếu nhất như Tưởng Giới Thạch khi chạy ra Đài Loan thì vẫn còn khát vọng muốn thực hiện “đường lưỡi bò”.
Không những là người rất am hiểu về ASEAN, ông Phạm Nguyên Long – nguyên nghiên cứu viên cao cấp của Viện Đông Nam Á – Viện Khoa học xã hội Việt Nam còn là người rất am hiểu về Trung Quốc. Báo Giáo dục Việt Nam xin tiếp tục giới thiệu những ý kiến của vị chuyên gia đã ngoài 80 tuổi này nhằm tìm lời giải đáp cho những hành động gây hấn vừa qua của Trung Quốc tại Biển Đông.

Mâu thuẫn nội bộ của Trung Quốc xuất phát từ đâu?

Lý giải cho những hành động vừa qua của Trung Quốc tại Biển Đông, ông Phạm Nguyên Long nói: “Tại sao Trung Quốc lại gây hấn tại Biển Đông dù biết bị ảnh hưởng, bị mất uy tín rất nặng nề? Đó là vì mâu thuẫn nội bộ của Trung Quốc. Trung Quốc vốn là một nước rất rộng lớn, khoảng cách Đông – Tây lên đến hàng nghìn km. Khu vực phía đông gồm những tỉnh giáp với biển thì kinh tế phát triển rất mạnh.

Tuy nhiên, khu vực phát triển tính từ bờ biển vào sâu trong nội địa chỉ khoảng 60 km. Còn vùng sau 60 km trải dài đến tận phía Tây được gọi là trung tây và cực tây. Nền kinh tế ở khu vực này phát triển rất chậm so với vùng duyên hải.

Mô hình kinh tế của cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai tại Trùng Khánh – nơi cách xa Bắc Kinh 2000 km là một mô hình thường được các học giả kinh tế gọi là mô hình Trùng Khánh. Ngược lại, ở khu vực ven biển lại có mô hình được gọi là mô hình Ô Khảm.

Theo đánh giá của một số nhà kinh tế học thế giới, mô hình Trùng Khánh muốn duy trì những nét tả khuynh của thời “Lá cờ hồng của Mao Trạch Đông”. Còn mô hình Ô Khảm là mô hình năng động và phái “tả khuynh” của Trung Quốc gọi là “cực hữu”. Thủ tướng Ôn Gia Bảo ủng hộ mô hình Ô Khảm và ông hô hào là phải cải tổ chính trị, chỉ có thế mới làm cho kinh tế Trung Quốc phát triển liên tục.

Bên trong Trung Quốc đang tồn tại nhiều mâu thuẫn khó dung hòa
Bên trong Trung Quốc đang tồn tại nhiều mâu thuẫn khó dung hòa

Những mâu thuẫn nội bộ thể hiện rất rõ về các mô hình phát triển kinh tế mặc dù mô hình Ô Khảm hay mô hình Trùng Khánh đều giương cao ngọn cờ “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Vậy phải chăng sự thống nhất chỉ là tạm thời mà sự bất đồng mới là cơ bản? ”. 
Theo ông Phạm Nguyên Long, “mâu thuẫn thứ hai là ngay bên trong quân đội Trung Quốc, giữa Lục quân và Hải quân. Hải quân thì muốn phát triển lực lượng ven biển và phát triển hải quân bành trướng đại dương trong đó có Biển Đông. Còn Lục quân thì muốn phát triển ở khu vực lục địa Trung Quốc với vùng biên giới gồm 22.100 km tiếp giáp với 14 nước. Ngoài ra còn phải tính đến Tân Cương, Tây Tạng vốn có rất nhiều vấn đề gây bất ổn về chính trị, an ninh. Hiện nay, lực lượng hải quân ủng hộ sự mở rộng hải quân ra khu vực biển còn các lực lượng quân đội khác thì không muốn. Đó chính là lý do tại sao có các học giả Trung Quốc phê phán đường lưỡi bò còn một số học giả mang quân hàm cấp tướng của Trung Quốc lại thể hiện tính hiếu chiến trên Biển Đông. 

HÌNH ĐỘC: CHUYỆN BẾP NÚC Ở TRƯỜNG SA
NHỮNG HÌNH ẢNH "NÓNG" NHẤT VỀ TRƯỜNG SA

TOÀN CẢNH TRƯỜNG SA - HOÀNG SA NHÌN TỪ ĐẤT LIỀN
BẤM VÀO ĐÂY XEM CHÙM ẢNH: CÔNG BỐ NHỮNG HÌNH ẢNH "KHÔNG THỂ KÌM NỔI" VỀ TRƯỜNG SA
AI CHƯA ĐẾN TRƯỜNG SA CẦN XEM 31 TẤM HÌNH NÀY


Ngoài ra còn có thể có một số mâu thuẫn khác nữa là chính quyền với quân đội, giữa phái “thanh niên” với phái “thái tử”. Nhưng khi bành trướng ra biển thì bên trong khu vực nội địa sẽ bị ảnh hưởng mạnh về kinh tế vì phải hy sinh kinh tế để chạy đua vũ trang thực thi ý đồ bành trướng đại dương. Nên các tỉnh ở sâu trong nội địa không thể chấp nhận được sự hy sinh này. Bởi thế mà có thể có sự bất đồng giữa chính quyền Trung ương với các địa phương”.

Những sự mất mát to lớn của Trung Quốc

Ông Phạm Nguyên Long phân tích: “Khi nội bộ lục đục thì nhà cầm quyền Bắc Kinh lại muốn đẩy những mâu thuẫn, những lục đục ấy ra ngoài, cụ thể ở đây là ra những vùng biển xung quanh với các nước khác. Họ uy hiếp các nước bên ngoài để ổn định tình thế cho đến trước khi diễn ra đại hội 18 của Đảng Cộng sản của Trung Quốc. Những hành động vừa qua của Trung Quốc trên Biển Đông chỉ là những hành động cấp tập phi lý nên bị nhân loại tiến bộ lên án, các nước láng giềng nghi ngờ, e ngại, lánh xa Trung Quốc. Do đó những hành động này khó có thể tiếp tục mãi được.

Trung Quốc thực hiện sức mạnh mềm bằng phát triển kinh tế, văn hóa trong suốt 20 năm vừa qua từ sau vụ Thiên An Môn - với một triết lý biên giới mềm, sức mạnh mềm. Từ đó đã có ảnh hưởng nhất định đến việc xây dựng quan hệ hữu nghị với nhiều nước trên thế giới, nhất là với các nước Đông Nam Á.

Với những hành động gây hấn tại Biển Đông và những vùng biển xung quanh khiến cho sức mạnh mềm đã bị giới hạn và thậm chí mất tác dụng. Khi Trung Quốc gây hấn một cách ngang ngược trên Biển Đông thì nhiều nước trên thế giới bắt đầu dè chừng nhất là các nước mà trước đây Trung Quốc đã tỏ ra rất hào phóng với họ ví dụ như châu Phi. Đó là một mất mát rất lớn của Trung Quốc”. 
Chính phủ Mỹ cũng đã phải công nhận cách ứng xử của Việt Nam với Trung Quốc hết sức đáng trân trọng
Chính phủ Mỹ cũng đã phải công nhận cách ứng xử của Việt Nam với Trung Quốc hết sức đáng trân trọng
“Chúng ta nói chúng ta thể hiện thiện chí với Trung Quốc và mong muốn hòa bình. Vậy việc thực hiện hòa bình trong ứng xử với Trung Quốc cần phải được thể hiện như thế nào? Trước hết hãy nghĩ đến Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi: “Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy trí nhân để thay cường bạo”. Chỉ có đại nghĩa và trí nhân mới giải quyết một cách đúng đắn nhất vấn đề trong tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với Trung Quốc. Và nhân dân Trung Quốc cũng thấu hiểu thiện chí của chúng ta, nhân dân tiến bộ trên thế giới cũng cảm thông được tinh thần “thấu tình đạt lý” của chúng ta. Vì vậy, chúng ta vẫn giữ 16 chữ vàng, 4 tốt mà chính Trung Quốc đề ra để kiên quyết duy trì phương sách thương lượng hòa bình giải quyết mọi bất đồng, tranh chấp bằng phương pháp hòa bình không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực.
"Trước cách ứng xử đầy thiện chí của chúng ta với Trung Quốc, chính phủ Mỹ cũng đã phải công nhận cách ứng xử của Việt Nam hết sức đáng trân trọng. Thậm chí, cách ứng xử của Việt Nam còn có tính chất dắt dẫn cả khu vực. Mình càng tỏ ra thiện chí bao nhiêu thì mình càng được các nước trên thế giới ủng hộ bấy nhiêu. Chúng ta đang thể hiện lương tri của thời đại: hòa bình, hợp tác, hữu nghị, phát triển. Và đó cũng là sức mạnh của thời đại”, ông Long nói.

Tư tưởng bành trướng của Trung Quốc là hết sức lạc hậu

Nói về tư tưởng bành trướng đại dương của nhà cầm quyền Bắc Kinh, ông Long cho biết: “Hành động đơn lẻ của Trung Quốc không phải là đơn lẻ về tư tưởng mà là đơn lẻ về số lượng nước tham gia, đơn lẻ về bộ phận người Trung Quốc hiếu chiến. Những hành động gây hấn của Trung Quốc không có đồng minh tham gia. Tư tưởng bành trướng bá quyền nước lớn có phải thực là của toàn bộ nhân dân Trung Quốc hay không? Câu trả lời ở đây là không phải. 

Có nhiều học giả cho rằng, những hành động vừa qua của Trung Quốc thể hiện sức mạnh bành trướng đại dương, bá quyền nước lớn nhưng nó chỉ thể hiện trong một tập đoàn lãnh đạo nào đó ở Trung Quốc. Và phải lưu ý rằng ngay cả khi họ yếu nhất như thế lực của Tưởng Giới Thạch khi chạy ra Đài Loan thì vẫn còn khát vọng muốn thực hiện “đường lưỡi bò”. 

Tư tưởng bành trướng của một số người cầm quyền Trung Quốc luôn nuôi dưỡng tư tưởng “thiên tử, thiên triều và thiên hạ”, họ khát vọng là lãnh tụ thế giới. Còn nhân dân Trung Quốc thì không như vậy. 

Nhưng đó lại là một tư tưởng hết sức lạc hậu với thời đại: bành trướng theo kiểu chiếm đất, dùng tiền mua chuộc người cầm đầu để lũng đoạn chính trị. Mà có mua chuộc cũng không thể thành công được. Từ thất bại của Mỹ ở miền Nam Việt Nam đã nói lên điều đó. Ngày nay, vấn đề độc lập dân tộc, tự do của một dân tộc là lương tri của thời đại. Những nhà nước quân phiệt cực quyền đã bị sụp đổ thì tư tưởng bành trướng đại dương sao mà chẳng sụp đổ. Điều đó cho thấy một bộ phận giới cầm quyền Trung Quốc đang đi ngược với xu hướng của thời đại và không thể không thất bại khi họ sẽ thất bại ngay trên mảnh đất Trung Quốc. 

Với tư tưởng bành trướng đại dương, một số người cầm quyền tại Trung Quốc vẫn phải nói đến hòa bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển để phù hợp với xu thế của thời đại. Nhưng những hành động cụ thể lại đi ngược thời đại như vậy, họ càng tự mâu thuẫn khiến các nước mất lòng tin. Và chính điều đó cho thấy thế lực cầm quyền cực đoan của Trung Quốc ngày càng trở nên lúng túng”. 

HÌNH ĐỘC: CHUYỆN BẾP NÚC Ở TRƯỜNG SA
NHỮNG HÌNH ẢNH "NÓNG" NHẤT VỀ TRƯỜNG SA

TOÀN CẢNH TRƯỜNG SA - HOÀNG SA NHÌN TỪ ĐẤT LIỀN
BẤM VÀO ĐÂY XEM CHÙM ẢNH: CÔNG BỐ NHỮNG HÌNH ẢNH "KHÔNG THỂ KÌM NỔI" VỀ TRƯỜNG SA
AI CHƯA ĐẾN TRƯỜNG SA CẦN XEM 31 TẤM HÌNH NÀY


Theo ông Phạm Nguyên Long dù sau Đại hội 18, tư tưởng bành trướng đại dương của một số người trong giới cầm quyền Trung Quốc vẫn chưa thay đổi hoàn toàn. Vì thế sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc như họ vẫn nói không phải là trở thành một cường quốc phát triển mạnh về quân sự, kinh tế, văn hóa mà phải trở thành lãnh tụ thế giới. Khát vọng của họ là thế cho nên nếu có thay đổi thì chỉ có mềm dịu đi một chút. Và dù trong trường hợp nào: cứng rắn hay mềm dẻo thì chúng ta cũng phải hết sức tỉnh táo, cảnh giác cao độ với những hành vi của Trung Quốc… 

(Còn nữa)
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Chính Quang