Đại đức Thích Đức Thiện nói về việc đốt vàng mã, ý nghĩa và tâm linh

03/02/2013 07:04
Thế Long-N.Huệ
(GDVN) - Đốt vàng mã để cúng gia tiên, từ lâu đã trở thành tín ngưỡng của hầu hết các tín đồ người Việt và ngày càng có xu hướng phát triển.

Đốt vàng mã để cúng gia tiên, từ lâu đã trở thành tín ngưỡng của hầu hết các tín đồ người Việt và ngày càng có xu hướng phát triển với phong phú các món đồ với quan niệm: “trần sao âm vậy”. Mặc dù trong đạo Phật chưa có kinh điển nào nói về việc đốt vàng mã cúng gia tiên.

Đại đức Thích Đức Thiện, Chánh văn phòng I, TW Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Đại đức Thích Đức Thiện, Chánh văn phòng I, TW Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam

Từ 01/9/2010, Nghị định về việc không cho đốt vàng mã nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử, văn hóa và các nơi công cộng khác đã chính thức có hiệu lực, tuy nhiên cho tới nay việc đốt vàng mã nơi công cộng vẫn diễn ra. Nói về việc đốt vàng mã trong các Phật tử, Đại đức Thích Đức Thiện, Chánh văn phòng I, TW Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã có buổi trò chuyện với PV Báo Giáo dục Việt Nam.

Nói về tâm linh người Việt, trả lời cho câu hỏi về việc ngày nay người dân ưa chuộng và mua sắm những sản phẩm vàng mã theo “mốt” thời thượng như: nhà lầu, xe hơi, điện thoại đời mới, trong khi đó những người quá cố của mình khi còn sống cũng chưa được hưởng thụ những thứ đó.

Đại đức cho biết: Đốt vàng mã từ lâu đã là một truyền thống và nét văn hóa của người Việt mà để từ bỏ một tín ngưỡng đã ăn sâu trong tiềm thức đó là không thể. Tuy nhiên, mỗi người dân Việt Nam khi tiến hành các nghi thức cúng bái cần hiểu được ý nghĩa thiết thực của việc đốt vàng mã sao cho văn minh và tiết kiệm nhất.

Đốt vàng mã từ lâu đã trở thành tâm linh của người Việt (ảnh:internet)
Đốt vàng mã từ lâu đã trở thành tâm linh của người Việt (ảnh:internet)

Đại đức cũng nói thêm: Tiết kiệm ở đây không chỉ cho riêng bản thân mình mà còn tiết kiệm cho chính người thân. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái như hiện nay thì việc tiết kiệm càng cần thiết trong từng hành động và việc làm của mỗi Phật tử. Vấn đề tâm linh, theo tôi nghĩ qua đó cũng được thể hiện một cách ý nghĩa và linh thiêng hơn.

Chùa Quán Sứ và rất nhiều ngôi chùa khác ở Việt Nam, hàng năm cứ tới những ngày lễ như Rằm Tháng giêng, Rằm Tháng bảy, Tết ông Công ông Táo… người dân lại đua nhau đổ về đó làm lễ cúng bái và đốt không biết bao nhiêu nào là tiền vàng rồi cả quần áo cho người âm. Bằng nhiều chính sách của Nhà nước và các biện pháp tuyên truyền, giáo dục mà Giáo hội Phật giáo đưa ra, việc đốt vàng mã tràn lan cũng phần nào được hạn chế. Điều đó thể hiện sự văn minh trong văn hóa người Việt ngày càng được nâng cao.

Phố Hàng Mã những ngày như dịp Tết ông Công ông Táo lúc nào cũng nhộn nhịp người qua lại mua sắm hàng mã.
Phố Hàng Mã những ngày như dịp Tết ông Công ông Táo lúc nào cũng nhộn nhịp người qua lại mua sắm hàng mã.

Đại đức chia sẻ: “Người Việt Nam rất trọng chữ hiếu. Ai cũng muốn cho người thân của mình dù đã sang một thế giới khác nhưng cũng sẽ được hưởng một cuộc sống sung túc. Tuy nhiên, mỗi người vẫn có thể thể hiện chữ “hiếu” với cha mẹ, tổ tiên của mình bằng cách viết những suy nghĩ của mình ra 1 tờ giấy trắng rồi bỏ lên bàn thờ. Đó cũng là một biện pháp”.

Đại đức nhấn mạnh: Tuy nhiên việc đốt vàng mã vẫn là truyền thống của người Việt nên vẫn cần được duy trì, nhưng phải đốt như thế nào để tiết kiệm và thể hiện nét văn minh người Việt thì đó là điều mỗi Phật tử nên làm. Hành động đó còn hướng tới một xã hội hiện đại và tránh những rủi ro xẩy ra như hỏa hoạn, làm mất vệ sinh công cộng.

Thế Long-N.Huệ