Đại tướng chỉ đạo viết báo tại mặt trận

21/06/2014 06:42
Diện Hứa/ theo Vĩnh Thạch
(GDVN) - " Các bài đó tôi chấp bút, nhưng tư tưởng, cái hồn của bài viết là của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp", bác Hoàng Xuân Tùy kể.

Hôm nay, 21/6/2014, kỷ niệm 89 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, Báo GDVN dẫn lại bài viết được đăng tải trên Báo QĐND thời điểm ngay sau chiến dịch Điện Biên phủ năm 1954 nhưng lại có liên quan đến nghề báo. Đó là các lời dặn dò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dành cho những người viết báo...Lời dặn của Người, đến nay, vẫn còn nguyên giá trị.

Báo Quân đội nhân dân tại mặt trận Điện Biên Phủ đăng nhiều bài bình luận của Chính Nghĩa, các bài bình luận của Chính Nghĩa không chỉ phản ánh tình hình ở mặt trận mà đề cập đến cả cục diện thế giới, toàn chiến trường Đông Dương, các chiến trường ở Việt Nam, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội nước ta, phân tích sâu sắc, âm mưu của địch, nhận định đúng đắn tình hình, dự đoán sự phát triển tình hình chính trị, quân sự trên các chiến trường Đông Dương, trong nước, trực tiếp là mặt trận Điện Biên Phủ rất chính xác.

Các bài bình luận của Chính Nghĩa do tác động to lớn, cán bộ, chiến sĩ ta hào hứng đọc, qua đó, mở rộng nhãn quan chiến lược, củng cố niềm tin, xác định đúng đắn quyết tâm chiến đấu.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (đứng, bên phải) trình bày với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bàn kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh: TTXVN.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (đứng, bên phải) trình bày với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bàn kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh: TTXVN.

Khi hỏi Chính Nghĩa là ai, sinh thời bác Trần Cư cho tôi biết: Đó là tên chung, người chấp bút nhiều nhất là đồng chí Hoàng Xuân Tùy. Nhân dịp tham gia làm cuốn lịch sử 50 năm báo Quân đội nhân dân, vào Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đến thăm xin tư liệu, hỏi chuyện bác Hoàng Xuân Tùy. Nhắc đến các bài viết mang tên Chính Nghĩa, bác Hoàng Xuân Tùy suy nghĩ một lúc rồi nói:

" Các bài đó tôi chấp bút, nhưng tư tưởng, cái hồn của bài viết là của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi vừa làm cán bộ tuyên huấn của bộ chỉ huy chiến dịch, vừa phụ trách báo Quân đội nhân dân tại mặt trận. Định kỳ, trong các cuộc giao ban, tôi báo cáo tình hình chung, tình hình tư tưởng bộ đội ta ở mặt trận với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng chỉ đạo viết báo tại mặt trận ảnh 2Trận Điện Biên Phủ và quy luật lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc VN

(GDVN) - Kháng chiến chống thực dân Pháp và chiến thắng Điện Biên Phủ là một bước kế thừa và phát triển tất cả những truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam..

Bàn xong định hướng công tác Đảng, công tác chính trị cho các đơn vị, các binh chủng, Đại tướng thường ngồi lại với riêng tôi, bàn các bài viết đăng báo. Mở đầu, Đại tướng điểm lại các nét chính của tình hình, nêu các vấn đề thời sự nhất, phân tích cán bộ, chiến sĩ ta ở mặt trận đang quan tâm điều gì. Đại tướng hỏi tôi có bổ xung gì không. Chỉ vài ba lần tôi nói thêm được vài điều, còn phần lớn, Đại tướng nêu đủ và rõ.

Đại tướng chỉ cho tôi chủ đề, nội dung, các ý nghĩa cần có trong một bài bình luận, đôi khi còn nhắc tôi các con số, các chi tiết cần đưa vào bài viết. Tôi xin ý kiến về bút danh, Đại tướng nói: "Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của ta là chính nghĩa, đánh thắng địch trong chiến dịch này là chính nghĩa. Nên ghi là Chính Nghĩa".

Trước khi được Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ phụ trách quân sự, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là một nhà báo. Ở Điện Biên Phủ, tôi học tập được rất nhiều ở Đại tướng về cách viết báo và làm báo.

Bài viết này lấy nguồn từ cuốn sách "Tòa soạn Tiền phương trong rừng Mường Phăng", nhà xuất bản Quân đội nhân dân.

Diện Hứa/ theo Vĩnh Thạch