Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động là biện pháp nâng cao năng suất

10/12/2014 09:00
Nguyễn Hoàng
(GDVN) - Trong mọi hoạt động sản xuất, phương tiện lao động và môi trường lao động là những yếu tố tác động trực tiếp có lợi hay bất lợi đối với người lao động.

Nhằm giúp người lao động tránh khỏi những ảnh hưởng của những yếu tố nguy hiểm có hại và tạo ra điều kiện làm việc thuận lợi nhằm đảm bảo sức khoẻ cho người lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phần góp phần thúc đẩy quá tŕnh phát triển chung của đất nước, việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động là một chính sách kinh tế -xã hội lớn của Đảng và Nhà nước, là một phần quan trọng, là bộ phận không thể tách rời của chiến lược phát triển kinh tế xă hội của nước ta.

Thực hiện tốt an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nhằm bảo đảm sức khỏe và tính mạng của người lao động, góp phần quan trọng vào việc phát triển sản xuất và đời sống xã hội. Đây là hoạt động mang ý nghĩa rộng lớn gắn với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn bảo hộ lao động với bảo vệ môi trường và văn hóa trong sản xuất.

Trước khi vào nhiệm vụ, công nhân của những đơn vị khai thác than luôn được nhắc nhở kỷ luật ATLĐ.
Trước khi vào nhiệm vụ, công nhân của những đơn vị khai thác than luôn được nhắc nhở kỷ luật ATLĐ.

Trong nền kinh tế thị trường, muốn duy trì và phát triển sản xuất, muốn cạnh tranh thì phải đảm bảo ATVSLĐ, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng, hiệu quả. Thực tế  cho thấy, khi tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) xảy ra, người lao động và thân nhân của họ không những bị mất mát về con người, suy giảm sức khỏe mà khả năng làm việc, thu nhập cũng bị giảm sút, dẫn đến đói nghèo và những đau đớn về thể xác, tinh thần.

Đối với người sử dụng lao động, khi TNLĐ xảy ra sẽ gây thiệt hại về chi phí sửa chữa máy móc, thiết bị, nhà xưởng; chi phí về y tế, giám định thương tật, BNN và bồi thường, trợ cấp cho người bị TNLĐ, BNN và thân nhân của họ; Uy tín của doanh nghiệp bị ảnh hưởng; Hoạt động sản xuất bị gián đoạn do phải ngừng việc để khắc phục hậu quả, điều tra nguyên nhân gây tai nạn, gây tâm lý lo lắng, căng thẳng cho cả người sử dụng lao động và người lao động, ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động, doanh thu của doanh nghiệp bị giảm sút, thậm chí có thể bị phá sản.

Vì vậy TNLĐ xảy ra là gây thiệt hại lớn về người và tài sản cũng như những mất mát về tinh thần rất khó bù đắp đối với nhiều gia đình và xã hội, đồng thời ảnh hưởng đến đời sống sức khỏe của cộng đồng. Mặt khác, năng suất lao động (NSLĐ) tỷ lệ giữa đầu vào và đầu ra, bao gồm các nguyên liệu, vật liệu đầu vào, nguồn nhân lực, vốn và các loại đầu vào đặc biệt. NSLĐ còn là thước đo khả năng của Công ty trong việc kết hợp hài hòa các loại đầu vào để đạt được tối đa hiệu quả.

Từng bước cải thiện môi trường làm việc, đảm bảo ATVSLĐ là nâng cao NSLĐ, khi vấn đề an toàn tại nơi làm việc được cải thiện, sự thiệt hại về nguyên vật liệu và các sự cố cũng như TNLĐ, BNN giảm xuống thì khối lượng sản phẩm tăng lên và chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao. Một khi việc bảo đảm ATVSLĐ đi vào thực chất và là hoạt động thường xuyên ở mỗi cơ sở thì những chương trình nhằm giải quyết vấn đề ATVSLĐ sẽ đạt được kết quả mong đợi và tích cực góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người lao động cũng như sự phát triển của xã hội.

Để hạn chế TNLĐ, BNN và đảm bảo ATVSLĐ cần nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là vai trò của người lao động trong việc tự bảo vệ mình và đồng nghiệp, tránh các nguy cơ dẫn đến TNLĐ, cũng như tăng cường các biện pháp phòng ngừa, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tổ chức huấn luyện, hướng dẫn, thông báo cho người lao động về những quy định, biện pháp làm việc an toàn, những TNLĐ cần đề phòng; trang bị đầy đủ các phương tiện kỹ thuật bảo hộ lao động.

Nguyễn Hoàng