Dân làng cổ Đường Lâm chẳng mấy ai sống dựa vào du lịch?

02/10/2013 14:11
Viết Cường
(GDVN) - "Nghề chính của người dân làng cổ Đường Lâm từ bao đời nay vẫn thế, đó là làm nông nghiệp. Du lịch cũng chỉ mới phát triển, thu nhập đem lại cho người dân nơi đây chẳng đáng là bao...", một người dân ở làng cổ Đường Lâm cho biết.

Sau 4 tháng kể từ lá đơn đầu tiên, hôm qua 25.9, người dân lại lần nữa viết đơn xin trả danh hiệu làng cổ Đường Lâm. Để tìm hiểu cặn kẽ sự việc trên, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có mặt tại địa phương này để tìm hiểu thực tế cuộc sống của người dân nơi đây.

Ngày mưa, làng cổ Đường Lâm buồn tênh vì vắng khách. Ngay trung tâm, khu vực trước cửa trụ sở UBND xã Đường Lâm lèo tèo vài ba quán trà, quán cơm cũng trong tình trạng ế ẩm vì thời tiết sụt sùi. Theo như lời ông T – chủ của một ngôi nhà cổ đã có từ thế kỷ 16 cho hay. Ở đây du khách chỉ bắt đầu đông từ tháng 10 trở ra, có nghĩa lúc hết mùa mưa, bình thường ngày thứ 7, chủ nhật thì có đông hơn chút ít.

Gửi xe đi một vòng quanh làng thăm các ngôi nhà cổ. Đường Lâm gồm 9 thôn là Mông Phụ, Cam Lâm, Cam Thịnh, Đoài Giáp, Đông Sàng, Hà Tân, Hưng Thịnh, Phụ Khang và Văn Miếu. Trong 9 thôn đó, thôn Mông Phụ là nơi còn lưu giữ, bảo tồn được nhiều nhất hệ thống các kiến trúc truyền thống như: cổng làng, nhà ở, đình, đền chùa, đường đi, giếng nước...

Một ngôi nhà cổ được xếp hạng di tích quốc gia tại làng cổ Đường Lâm (ảnh Viết Cường)
Một ngôi nhà cổ được xếp hạng di tích quốc gia tại làng cổ Đường Lâm (ảnh Viết Cường)

Hỏi về nguyên nhân khiến một số hộ dân đòi trả lại danh hiệu xảy ra mới đây, người dân quanh làng ngơ ngác vì “tưởng chuyện đó lâu rồi mà”.

Bà H, một người dân bản địa bán kẹo lạc, chè lam gần trụ sở UBND xã cho hay, “chắc do một số nhà xây dựng, bị dỡ bỏ nên họ bức xúc rồi kiện cáo thôi, chứ ở quê vẫn bình yên lắm”.    

Theo như lời bà H thì hiện tại, nghề chính của người dân Đường Lâm vẫn là nghề nông. “Gia đình tôi và những nhà ở làng ngày trước thì sinh nhai bằng trồng lúa, hoa màu và nghề mò cua, đánh cá. Giờ thuốc sâu, thuốc diệt cỏ phun nhiều, cá cũng chả còn mà bắt nên nghề chính vẫn là làm ruộng”, vừa nói, bà H vừa chỉ tay ra những đống rơm nằm la liệt quanh làng như để minh chứng cho ngành nghề chính của địa phương.

Từ ngày làng cổ Đường Lâm được công nhận là di tích, gia đình bà H mở thêm cửa hàng nho nhỏ trước cửa nhà, bán một số loại bánh kẹo lặt vặt cho du khách gọi là kiếm thêm thu nhập. Bà H cũng như nhiều gia đình ở đây, “chẳng nhờ vả” gì nhiều vào danh hiệu làng cổ.

“Được công nhận là di tích dân làng cũng mừng, còn nói về thu nhập như thế nào từ sau danh hiệu đó thì nói thật với chú là không có gì nhiều đâu”, bà H chia sẻ.

Nói về việc xây dựng ở làng sau ngày nhận danh hiệu năm 2005, bà H cùng một số người dân trong làng khá dửng dưng. Những người dân này cho biết, chỉ những nhà cổ thuộc diện di tích quốc gia mới bị quản lí chặt chẽ về việc xây dựng, những nhà khác không nằm trong diện này thì có phần thoải mái hơn.

“Cái gì cổ thì vẫn phải giữ gìn, bảo tồn, nhưng ở đây cũng giống như ở những nơi khác thôi, nhà nào có tiền thì xây nhà vệ sinh tự hoại, mua máy giặt, tủ lạnh. Mà mới đây chính quyền cũng cho xây nhà 2 tầng mái lướt rồi”, ông T – một người dân làng cổ nói.

Ngoài nghề chính là làm nông nghiệp, nhiều gia đình ở làng cổ Đường Lâm vẫn làm thêm một số loại bánh kẹo mang đặc trưng của địa phương để bán cho khách du lịch (Ảnh: Viết Cường)
Ngoài nghề chính là làm nông nghiệp, nhiều gia đình ở làng cổ Đường Lâm vẫn làm thêm một số loại bánh kẹo mang đặc trưng của địa phương để bán cho khách du lịch (Ảnh: Viết Cường)

Ở Đường Lâm, những gia đình có nhà cổ được công nhận là di tích quốc gia mỗi tháng đều có trợ cấp của chính quyền. “Nhà tôi là nhà cổ, giờ tiền tu sửa khi mối mọt, hỏng hóc thì chính quyền lo. Ngoài ra mỗi tháng cũng được hỗ trợ thêm hơn 300 nghìn đồng, chúng tôi có nhiệm vụ tiếp và giới thiệu cho du khách về căn nhà cổ của mình”, ông T, chủ một căn nhà cổ cho biết.

Cũng theo ông, hơn 300 nghìn đồng đó chẳng đáng là bao nhưng vì là dân làng cổ, nhà lại do ông cha để lại nên dù không có trợ cấp của chính quyền ông cũng vẫn giữ gìn, tu bổ rồi để lại cho con cháu sau này.

Ông T nói: “Vào mùa du lịch, có hôm phải tiếp đón khách mệt nhoài từ sáng đến tối. Hơn 5 chiếc quạt phải chạy hết công suất, rồi còn đèn điện… hơn 300 nghìn tiền hỗ trợ nhiều tháng chẳng đủ để trả tiền điện”.

Gia đình ông T cũng giống như nhiều gia đình khác ở Đường Lâm, ngoài việc tiếp đón khách du lịch vào thăm nhà, ông bà cũng tranh thủ bán thêm một số quà vặt đặc sản của làng.

“Gia đình giờ chủ yếu vẫn sống bằng nghề nông, nhà vẫn cấy mấy sào ruộng. Ở cái làng này có mấy ai giờ sống dựa vào du lịch. Vẫn đang trong quá trình xây dựng nên du lịch cũng chưa được phát triển lắm. Chuyện xây dựng, sửa sang nhà cửa của người dân chính quyền cũng đang tiến hành xem xét rồi, cái gì cũng cần phải có thời gian”, ông T nói.

Sau ngày nhận danh hiệu làng cổ, người dân Đường Lâm cũng đã không ít lần đòi trả lại danh hiệu vì quá phiền phức trong việc xây dựng. Việc giữ gìn và phát triển không gian làng cổ và ổn định đời sống cho người dân vẫn đang là bài toàn khó cho chính quyền nơi đây. Họ được gì và mất gì sau danh hiệu và nguyện vọng lớn nhất của người dân ra sao? Rất cần chính quyền địa phương bàn bạc kỹ lưỡng để có phương án cho phù hợp.

Ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng ban Quản lý di tích Đường Lâm - cho biết hội đồng thẩm định đã thông qua quy hoạch 1/2.000, và hiện đang trình Bộ VH-TT-DL xin thỏa thuận quy hoạch này. Song song với quy hoạch trên, Sơn Tây cũng đang trình quy định quản lý quy hoạch. Tháng 9 vừa rồi, quy định quản lý cũng đã được thông qua.
Viết Cường