Đắng lòng cảnh nghèo xác xơ, tạm bợ ở điểm trường lẻ Hồ Nhì Pá

22/05/2012 06:00
Thu Hòe
(GDVN) - Điểm trường lẻ Hồ Nhì Pá, Trường Tiểu học Xéo Dì Hồ (Lao Chải, Mù Cang Chải, Yên Bái) bao đời nay vẫn nghèo xác nghèo xơ, tạm bợ như thế này…
Điểm trường Hồ Nhì Pá là một trong 5 điểm trường lẻ của Trường Tiểu học Xéo Dì Hồ, xã Lao Chải, huyện mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Bao đời nay, học sinh bản Hồ Nhì Pá vẫn phải ngồi học trong những "lớp học" không ra lớp, xiêu vẹo, tạm bợ và mơ ước một ngày nào đó sẽ có được những phòng học kiên cố, khang trang hơn để học tập.
Đường lên Hồ Nhì Pá gập ghềnh, khúc khủy với độ cao chót vót khiến ai chưa một lần đến vùng cao sẽ không có đủ dũng khí và kiên nhẫn ngồi sau xe máy vượt qua chặng đường gần 10 km ấy. Theo chân thầy giáo Vũ Vương Sinh, chúng tôi tìm đến điểm trường lẻ Hồ Nhì Pá. Vượt qua đoạn đường xe máy chênh vênh, khúc khủy một bên là núi cao, một bên là vực thẳm, mặt đường gồ ghề đất đá, chúng tôi đến được điểm trường lẻ Hồ Nhì Pá, 1 trong 5 điểm trường lẻ nghèo nhất nhì của Trường Tiểu học Xéo Dì Hồ. Có đến tận nơi, tận mắt chứng kiến cảnh trường lớp siêu vẹo, tồi tàn, tạm bợ nơi đây mới hểu hết cái nghèo, cái thiếu thốn của giáo dục vùng cao Lao Chải. Có tận mắt chứng kiến cảnh ăn ở tạm bợ của giáo viên mới thấu được nỗi cơ cực, khổ tâm của những người thầy đang ngày đêm mệt mài "gieo chữ" nơi vùng cao. Thầy giáo Vũ Sinh Vương, phụ trách cơ sở điểm trường lẻ Hồ Nhì Pá có thâm niên công tác ở đây 18 năm cho biết: “Những phòng học tạm này được nhà trường và dân bản chung sức dựng lên cách đây 10 năm. Qua từng ấy thời gian với nắng, gió, mưa, bão, “trường” đã xuống cấp trầm trọng lắm rồi. Thầy trò ngồi dạy và học mà cứ nơm nớp nỗi lo sợ. Mỗi lần thiên tai đi qua, trường gần như là bị xóa sổ. Để có chỗ cho học sinh ngồi học, chúng tôi lại cùng nhau góp công, góp sức sang sửa. Chả biết đến khi nào học sinh ở Hồ Nhì Pá mới bớt khổ?…” Theo thông tin chúng tôi ghi nhận được, điểm trường lẻ Hồ Nhì Pá hiện đang là nơi học tập của 42 em học sinh cấp một, 21 em học sinh mầm non và có 4 giáo viên đang công tác giảng dạy. Nghèo nàn, tạm bợ, thiếu thốn, chật chội... là những từ người ta vẫn dùng để hình dung về cảnh trường lớp nơi điểm trường lẻ Hồ Nhì Pá.
Điểm trường lẻ Hồ Nhì Pá, Trường Tiểu học Hồ Nhì Pá
Điểm trường lẻ Hồ Nhì Pá, Trường Tiểu học Hồ Nhì Pá
Khu dành cho học sinh tiểu học
Khu dành cho học sinh tiểu học
Hình ảnh khiến chúng tôi thấy bị ám ảnh và day dứt nhất là những “phòng học không ra phòng” của điểm trường này. Phòng học tạm được dựng lên chỉ bởi vài mảnh gỗ, mảnh nứa ghép lại tạm bợ. Mùa đông gió lùa, mùa hè nắng hắt cháy da. Và những ngày mưa bão, cô trò chỉ còn biết bảo nhau nghỉ học ở nhà vì không biết lúc nào gió lốc sẽ cuốn phăng cái "lớp học" tạm bợ này đi mất. Lớp học chỉ nghèo nàn vài bộ bàn ghế cũ kỹ và tấm bảng treo tường.
Phòng học vỏn vọn chưa đầy 3 mét vuông nhưng 2 khối lớp chen chúc nhau ngồi học
Phòng học vỏn vọn chưa đầy 3 mét vuông nhưng 2 khối lớp chen chúc nhau ngồi học
Nhìn những hình ảnh này, ai không khỏi xót xa
Nhìn những hình ảnh này, ai không khỏi xót xa
Không có đủ lớp nên 41 học sinh cấp một phải chen chúc nhau học trong những không gian vô cùng chật hẹp. Một phòng học vỏn vọn có 3 mét vuông nhưng ít nhất có 2 lớp cùng ngồi học.
Thầy giáo Vũ Sinh Vượng
Thầy giáo Vũ Sinh Vượng
Thầy giáo Vũ Sinh Vượng tâm sự: "Trường lớp như thế này làm sao có thể đảm bảo chất lượng giảng dạy? Thầy trò chủ yếu dạy chay, học chay chứ làm gì có dụng cụ dạy học trực quan nào. Một giáo viên cùng lúc chịu trách nhiệm giảng dạy cho 2 lớp. Ở đây, dạy để các em biết chữ, đọc thông viết thạo đã là cả một sự cố gắng không mệt mỏi rồi…”
Khu dành cho học sinh mẫu giáo khiến người ta phải thổn thức, xót xa
Khu dành cho học sinh mẫu giáo khiến người ta phải thổn thức, xót xa
Toàn bộ lớp học chỉ có thế này
Toàn bộ lớp học chỉ có thế này
Đắng lòng nhất là hình ảnh lớp học dành cho khu mầm non. Có lẽ, chỉ ở Hồ Nhì Pá, “túp lều” này mới được định nghĩa là lớp học. Căn phòng tạm rộng khoảng 4-5 mét vuông được lắp ghép, che chắn bởi vài mảnh gỗ, phên nứa. Mái lợp pro xi măng, nền đất lổm nhổm. Điều khiến người ta nhận ra đây là một phòng học là nhờ có tấm bảng gỗ cũ nát được treo trên tường và vài miếng gỗ đóng tạm làm bàn ghế cho học sinh ngồi học. Không một đồ chơi, không một hình ảnh trang trí, không một dụng cụ hỗ trợ dạy và học..., những thứ người ta vẫn thường thấy ở các lớp mầm non.
Nhờ có tấm bảng này mà người ta nhận ra "túp lều" này là phòng học
Nhờ có tấm bảng này mà  người ta nhận ra "túp lều" này là phòng học
Học sinh ở Hồ Nhì Pá có thói quen nghỉ học theo mùa vụ và thời tiết. Và mỗi học sinh nghỉ học, giáo viên lại phải lặn lội vào tận bản, đến từng nhà làm công tác dân vận, mang các em trở lại lớp học. Người dân ở Hồ Nhì Pá quanh năm đầu tắt mặt tối, sống phụ thuộc vào nương lúa, nương ngô. Cuộc sống thiếu đói khiến họ không hình thành được ý thức về giáo dục. Việc người dân bản Hồ Nhì Pá bỏ tiền mua cho con sách vở, bút mực để đi học là chuyện chưa từng xảy ra. Học sinh đến lớp không có vở, không có bút, giáo viên lại phải bỏ tiền túi ra mua sắm sách vở, đồ dùng học tập cho các em. Giáo viên từ các vùng được điều chuyển lên Hồ Nhì Pá công tác đang phải ăn ở trong những điều kiện hết sức tạm bợ do không có nhà công vụ. Rời điểm trường lẻ Hồ Nhì Pá, chúng tôi đã phải chua xót mà thốt lên rằng: Nghèo quá! Khổ quá! Không biết đến khi nào, bản Hồ Nhì Pá mới có được một điểm trường khang trang kiên cố? Không biết đến bao giờ, những phòng học tạm như thế mới được xóa đi?...

Dự kiến cứ 2 - 3 tuần, Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức một chuyến đi thăm và tặng quà tới các em học sinh vùng cao. Báo rất mong  tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của quý bạn đọc trong thời gian tới.

 Mọi sự ủng hộ xin gửi về:

- Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn

Điểm nóng

Nhật ký Chí Viễn

Nhật ký Lớp học Hy vọng

Nhật ký Kim Bon

Nhật ký Pả Vi

"Bữa cơm có thịt" đến với Nậm Mười

Suối Giàng & "Bữa cơm có thịt"

Phẫu thuật miễn phí

 Video Clip

Thu Hòe