Đánh trống kêu oan, chặn kiệu quan và vây trụ sở

24/12/2016 06:35
Trương Khắc Trà
(GDVN) - Xét về mức độ, tính chất hành động “chặn kiệu quan” “đánh trống kêu oan” thời nay đã khác xưa nhiều...

LTS: Gần đây, nhiều câu chuyện người dân phải "kêu oan" trực tiếp với các lãnh đạo cấp cao để được giải quyết việc "hàm oan".

Từ những sự việc này, tác giả Trương Khắc Trà có sự liên tưởng đến cảnh trong các bộ phim cổ trang xưa, khi người dân thấp cổ bé họng phải đánh trống kêu oan.

Qua bài viết sau đây, tác giả muốn nhắn nhủ đến những người cán bộ nên quan tâm đến người dân hơn vì dân là gốc.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Triều Nguyễn, dưới thời Minh Mạng, nhà vua đã lập ra một cơ quan xử án tối cao của triều đình, gọi là Tam Pháp ty.

Đây là trụ sở phối hợp giữa ba cơ quan tư pháp là Bộ Hình (Tư pháp), Đô Sát viện (viện Giám sát) và Đại Lý tự (toà Phá án) để giải quyết thỏa đáng những điều khiếu nại của nhân dân.

Người dân có thể tới đây để đánh trống kêu oan, nộp đơn và xin được cứu xét theo thủ tục khẩn cấp.

Trong những bộ phim cổ trang Trung Hoa thường chiếu trên truyền hình Việt Nam, thi thoảng lại xuất hiện hình ảnh những người dân thấp cổ bé họng chặn đường quan lớn, mong được bày tỏ nỗi oan ức của mình.

Thời nay, người dân có nhiều hơn những diễn đàn để bày tỏ với cửa quan, đó là việc tiếp xúc với đại biểu dân cử, gửi đơn thư khiếu nại tố cáo đến cơ quan chức năng, thậm chí đến thẳng nhà quan để kêu cứu…

Tuy nhiên, thời nào cũng vậy, chuyện oan ức như một sai số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, ở trong chừng mực nào đó nếu không gây hậu quả nghiêm trọng, chuyện oan ức của người dân suy cho cùng có tồn tại cũng là điều hiển nhiên, bất kể quốc gia có nền hành chính hiện đại hay lạc hậu.

Xét về mức độ, tính chất hành động “chặn kiệu quan”, “đánh trống kêu oan” thời nay đều nghiêm trọng hơn thời trước trong khi bộ máy hành chính nhà nước, phương tiện công vụ hiện đại hơn, quan trí cũng cao hơn rất nhiều!

Thầy giáo trẻ Trần Thái Châu trình bày và gửi đơn cứu xét đến Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, ông Đinh La Thăng. (Ảnh: VnExpress.net)
Thầy giáo trẻ Trần Thái Châu trình bày và gửi đơn cứu xét đến Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, ông Đinh La Thăng. (Ảnh: VnExpress.net)

Trong buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Hoóc Môn, TP.HCM vừa qua, thầy giáo trẻ Trần Thái Châu đã gợi lại hình ảnh thường thấy trong phim cổ trang khi anh đề đạt trực tiếp với Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng về chuyện đi dạy không lương trong gần một năm rưỡi. Y chang như trong phim cổ trang, sự việc sau đó được xử lý rất nhanh!  

Cách đây chưa lâu, hai nữ sinh thuộc mái ấm Truyền Tin cho trẻ mồ côi ở quận Bình Tân cũng đã được làm thẻ căn cước để dự thi tốt nghiệp phổ thông, sau khi lời cầu cứu của các em được truyền tải đến Thành uỷ.

Trước đó, mái ấm này đã nỗ lực xin làm hộ khẩu tập thể, căn cứ để xác nhận quyền công dân cho các em mồ côi, trong vòng 20 năm nhưng bất lực.

Với chỉ đạo của ông Bí thư, ba ngày sau hai em đã có trong tay tấm thẻ căn cước!

Trường hợp của thầy giáo Châu và các em ở mái ấm tình thương nằm trong hàng chục nghìn vụ việc tố tụng liên quan đến quyết định hành chính không được giải quyết, còn tồn đọng trên cả nước trong 5 năm qua.

Dĩ nhiên, chẳng có vị lãnh đạo nào có thể chỉ đạo xử lý “nhỏ lẻ” tất cả các vụ việc hết ngày này qua tháng nọ, hơn thế việc làm “nhỏ lẻ” không phải là nhiệm vụ của lãnh đạo mà là công tác chuyên môn của hàng chục ngàn chuyên viên hành chính trong bộ máy hàng tháng hưởng lương từ tiền thuế.

Nhiều người tỏ ra “vui mừng”, “tin tưởng”… trước những sự việc được giải quyết theo đường “tiểu ngạch” kiểu ấy, nhưng giả dụ hàng ngàn nỗi oan vì lý do nào đó chưa thể mang đến công đường thì sao?

Đối với những vụ việc được lãnh đạo quan tâm, đích thân chỉ chỉ đạo xử lý có thể coi như “chuyện cổ tích” thời hiện đại, vì không phải ai cũng may mắn có được diễm phúc ấy.

Đánh trống kêu oan, chặn kiệu quan và vây trụ sở ảnh 2

Chính quyền nói gì về việc thầy giáo ở Kiên Giang kêu cứu vì bị chuyển trường?

Vấn đề đáng quan tâm ở đây là không thể mãi trông chờ vào “chuyện cổ tích” để đòi công lý.

Bởi ông Bụt trong chuyện cổ tích cũng chỉ là hư cấu những ước mong ngàn đời nay của giai tầng thấp cổ bé họng.

“Đánh trống kêu oan” là hành động được nhà cầm quyền phong kiến cho phép, được luật hóa, “chặn kiệu quan” tuy chỉ thấy trên phim và bị coi là phạm thượng nhưng ít khi đương sự bị chém đầu trừng phạt, họa hoằn lắm chỉ là bị quan lớn mắng mỏ vài điều thị uy là xong.

Còn chuyện vây trụ sở?

Hôm 14/12, do không chịu nổi ô nhiễm, người dân xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Tp Đà Nẵng đã “vây” Công ty CP Thép Dana - Ý (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) và Công ty CP Thép Dana - Úc (đường số 11B, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) để phản đối.

Ngay lập tức chính quyền hai quận, huyện này đã mở cuộc đối thoại với người dân để tháo gỡ vướng mắc, “tiếng trống” này đã đến tai nhà chức trách nhưng cũng cần phải thấy rằng tình trạng ô nhiễm môi trường do nhà máy thép không phải chỉ xảy ra hôm qua hôm nay!

Điều gì sẽ xảy ra nếu người dân tiếp tục “ngậm bồ hòn làm ngọt”? Liệu chính quyền có tự giác giải quyết hay là cục ấm ức ngày phình to?

Trước đó, tại Hà Tĩnh, sáng 5/12, đám đông cư dân địa phương đưa khoảng 30 ô tô ra dừng, chặn đầu cầu Bến Thủy 1 (phía huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) rồi kéo ra trạm thu phí Bến Thủy (phía TP Vinh, tỉnh Nghệ An) để đối thoại, yêu cầu “thu phí đúng luật”...

Khó có thể thống kê hết những vụ việc tương tự như thế xảy ra tại hàng chục tỉnh, thành trên cả nước, phần lớn xuất phát từ bức xúc do ô nhiễm môi trường, giá đền bù giải tỏa đất không thỏa đáng, thu phí qua trạm có dấu hiệu sai quy định hoặc cán bộ chính quyền địa phương thực thi công vụ trái luật…

Hầu hết các vụ đều không phải là hành vi bột phát nhất thời của người dân mà đã tích tụ lâu dài.

Lời phản ánh, tiếng kêu cứu của họ không được các cơ quan có trách nhiệm lắng nghe và giải quyết thấu tình đạt lý nên mới đẩy mâu thuẫn lên cao trào, âm ỉ mầm xung đột.

Người dân chưa bao giờ quá khắt khe với chính quyền, thậm chí họ còn bao dung, cao cả.

Chỉ số khảo sát của PAPI (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) cho thấy “mức kịch trần” bị đòi hối lộ để đến mức người dân tố giác tham nhũng lại tăng lên hết sức đáng kể, từ 5 triệu đồng (năm 2011) đã lên hơn 24,6 triệu đồng (năm 2015)[1]. 

Điều đó cho thấy mức độ chịu đựng nhũng nhiễu của người Việt Nam đang tăng lên.

Những vụ việc “xé rào” như trên chính là “tức nước vỡ bờ” đó là “hàn thử biểu” cho “sức khỏe” của các chính quyền địa phương.

Người dân một khi đã đồng lòng lên tiếng và hành động thì khó mà sai! Chức vụ quyền hạn được giao là để làm việc và được nuôi bằng ngân sách do người dân đóng góp thì phải biết xấu hổ khi không làm tròn chức năng, nhiệm vụ. 

Không thể để tái diễn mãi các vụ người dân bao vây trụ sở doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước để đòi quyền lợi chính đáng mà hiển nhiên thuộc về họ.

Kéo dài dễ thành mối nguy. Nên nhớ, mọi sự thành - bại, thịnh - suy đều nhờ dân và do dân; cán bộ đã làm phận “công bộc” thì chớ coi thường, khinh suất.

Tài liệu tham khảo:
[1] http://plo.vn/thoi-su/theo-dong/khi-chi-so-chiu-dung-tham-nhung-cua-dan-gia-tang-622953.html

Trương Khắc Trà