Đạo diễn Daniel Roussel đưa ra 9 lý do "NÊN" giữ cầu Long Biên

26/02/2014 06:31
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - Cầu Long Biên thuộc di sản văn hóa và lịch sử quốc gia. Nên trưng cầu dân ý đối với những dự án cụ thể liên quan tới tới cây cầu này...

Bộ GTVT mới có văn bản gửi UBND TP Hà Nội và các bộ, ngành liên quan về việc cải tạo cầu Long Biên với 3 phương án. Cả 3 phương án đều đề cập tới việc xây dựng cầu mới ở vị trí tim cầu hiện tại. Ngay lập tức, ý tưởng này đã bị nhiều chuyên gia phản đối bởi đây là cây cầu đã có hơn trăm năm tuổi, là một di sản văn hóa - kiến trúc cần được bảo tồn.

Cầu Long Biên (Ảnh: internet)
Cầu Long Biên (Ảnh: internet)

Mới đây, trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam xung quanh vụ việc, bà Nguyễn Nga - kiến trúc sư quy hoạch đô thị, người đề xuất Dự án “Bảo tồn, Cải tạo, Phát triển Cầu Long Biên và khu vực liên quan, trung tâm thủ đô Hà Nội” từ năm 2008 đã lên tiếng "phản pháo" trước đề án trên của Bộ GTVT.

Bà Nga đã đưa ra các phương án nhằm cải tạo và bảo tồn cầu Long Biên “trái chiều” với đề án của Bộ GTVT.

Cũng liên quan đến đề án trên của Bộ GTVT, nhiều chuyên gia nước ngoài đã lên tiếng.

Ông Daniel Biau (Kỹ sư cầu đường, Nguyên Lãnh đạo của Liên Hiệp Quốc về Nhà ở) - Tác giả của cuốn sách "Cây Cầu và Thành Phố" ( Le Pont et la Ville, Une histoire d’Amour Planétaire) xuất bản 11/2012 bởi Presses des Ponts, nêu quan điểm: Dự án cải tạo mới cầu Long Biên của Kts. Nguyễn Nga nên được ưu tiên ở cấp Quốc gia vì cây cầu là biểu tượng cho tinh thần của Thủ đô. Nó nên là cầu nối chính giữa 2 bờ không chỉ về phương diện giao thông đô thị mà còn là chất xúc tác cho các quan hệ xã hội.

Cây cầu có thể chịu được tàu điện loại nhẹ giống như cầu Đá (Bordeaux) và cũng nên được khai thác giống như Cây Cầu Nghệ Thuật (Paris). Cầu phải tiếp tục dành cho người đi bộ. Nên tổ chức một cuộc thi kiến trúc mang tầm quốc tế bao gồm việc cải tạo mới chính cây cầu, khu vực quanh cầu và cả Bãi Giữa.

Trên thế giới, những cây cầu luôn tạo nên dấu mốc chính của lịch sử đô thị. Hà Nội sẽ thật sự đặt chân vào thế kỷ 21 ngay khi mà cây cầu Long Biên tìm lại được ánh hào quang của nó và có được vị trí xứng đáng trong cảnh quan thành phố. Các vùng kinh tế đô thị hai bên bờ sông Hồng khi đó sẽ được kết nối. Thủ đô Hà Nội sẽ cất cánh và khẳng định tầm quan trọng của mình đối với thế giới.

Một nhân vật có tiếng khác là Đạo diễn phim tài liệu, Nhà báo Daniel Roussel, người đã từng sống và công tác tại Hà Nội từ năm 1980 đến 1986. Ông Daniel Roussel nhiều lần được gặp và phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đã làm nên bộ phim nổi tiếng về Điện Biên Phủ, trận chiến được ví như cuộc đấu giữa hổ và voi.

CẦU LONG BIÊN BẢO TỒN HAY PHÁ BỎ?

Theo ông Daniel Roussel,có nên kéo đổ tháp Eiffel tồn tại từ hơn một thể kỷ nay chỉ vì nó không hữu ích trong nghĩa thông dụng và chiếm quá nhiều diện tích giữa trung tâm thủ đô Paris? Lại phải thường xuyên duy tu và bảo dưỡng. Đương nhiên, những câu hỏi này sẽ không bao giờ được đặt ra vì tháp Eiffel là biểu tượng của Paris và của cả nước Pháp. Hơn nữa, nó còn nổi tiếng khắp thế giới.

Paris là tháp Eiffel và tháp Eiffel là Paris.

Vậy phải nói gì khi tại Hà Nội, từ nhiều năm nay diễn ra các cuộc tranh luận bất tận của các nhà chức trách về tương lai của Cầu Long Biên, nhằm quyết định giữ lại hay phá bỏ cây cầu hoặc cải tạo nó như một yếu tố nằm trong quy hoạch giao thông của thủ đô.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đạo diễn Daniel Roussel tại Hà Nội năm 1991 (Ảnh: VOV)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đạo diễn Daniel Roussel tại Hà Nội năm 1991 (Ảnh: VOV)

Đây quả thực là một vấn đề khó hiểu và không đáng tranh luận khi mà việc gìn giữ chiếc cầu là tất yếu. Vì cầu Long Biên là một di sản của Hà Nội, bản thân nó cũng đã góp phần tạo nên lịch sử của thủ đô và của cả nước.

Hơn nữa từ nhiều năm nay, Chính phủ Pháp đã dự trù một khoản ngân sách đáng kể giúp cải tạo kiệt tác kiến trúc này. Nhưng ngay cả khi không có khoản hỗ trợ đó đi nữa thì Việt Nam cần phải nỗ lực thể hiện quyết tâm gìn giữ cầu Long Biên để không làm mất đi một chiếc cầu “Rồng”.

Cần phải gấp rút tìm ra đáp án rõ ràng, dứt khoát cho những tranh cãi phi lý này.

Không: Gạch tên cầu Long Biên trên bản đồ vì như thế là xóa bỏ ký ức Việt Nam về một biểu tượng của lịch sử thủ đô và cả nước.

Không: Làm một tuyến đường sắt hay đường bộ trên cầu nữa bởi có rất nhiều giải pháp khả thi khác cải thiện giao thông Hà Nội mà không cần phải qua cầu Long Biên.

1. Nên: Các nhà chức trách phải nhấn mạnh rằng, cầu Long Biên thuộc di sản văn hóa và lịch sử quốc gia. Nên trưng cầu dân ý đối với những dự án cụ thể liên quan tới tương lai của cây cầu.

2. Nên: Phải biến cầu thành một địa điểm du lịch không thể bỏ qua đối với du khách khi họ tới thăm Việt Nam và Hà Nội, như cách mà các quốc gia trên thế giới làm với các công trình mang tính biểu tượng của thủ đô và của các thành phố lớn.

3. Nên: Cần phải tôn trọng “bản sắc” Việt Nam về cầu Long Biên. Một đặc tính đã được rèn luyện trong lịch sử hào hùng và kỳ diệu của con người Hà Nội.

4. Nên: Giữ Cầu Long Biên như là cây cầu của tình yêu.

5. Nên: Giữ Cầu Long Biên vì là niềm tự hào của một dân tộc đã dũng cảm đứng lên đấu tranh giải phóng đất nước khỏi chế độ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

6. Nên: Cầu Long Biên như con Rồng kỳ diệu mang trên mình bề dày lịch sử và hứa hẹn một tương lai rực rỡ, kết nối Việt Nam với các dân tộc thế giới.

7. Nên: Cầu Long Biên là thành tố kinh tế quan trọng qua việc thu hút lượng du khách giống như cầu Nghệ Thuật ở Paris. Đây sẽ là nơi du khách đến thăm quan và cảm nhận những dịch vụ du lịch văn hoá quy hoạch đồng bộ trên và xung quanh cầu: triển lãm, bảo tàng, cửa hiệu, các chương trình nghệ thuật và truyền thống dân gian giới thiệu lịch sử truyền thuyết của Việt Nam.

8. Nên: Cầu Long Biên hoà trong khung cảnh của Hà Nội, của sông Hồng, của các con đê che chở thành phố và hun đúc linh hồn của thủ đô.

9. Nên: Tu sửa lại cầu Long Biên, quy hoạch cảnh quan quanh cầu, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng về mặt văn hoá và truyền thống của cầu gắn liền với hình ảnh nền văn hoá hàng ngàn năm của đất nước.

VIẾT CƯỜNG