Đất nước kém phát triển, suy cho cùng vẫn là do con người

23/10/2015 15:16
Ngọc Quang
(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp đã đặt vấn đề như vậy khi thảo luận, góp ý vào Văn kiện Đại hội Đảng 12.

Do con người

Đặt ra câu hỏi: Yếu tố nào cản trở, kìm hãm sự phát triển của đất nước trong những năm qua? Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng, có rất nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người.

“Đó chính là đội ngũ cán bộ công chức trong bộ máy của Đảng, Nhà nước. Thu hiện nay chi không đủ cho bộ máy hoạt động, vì quá cồng kềnh, trong khi năng lực cán bộ không đáp ứng được yêu cầu công việc.

Nhất là khi đã làm lãnh đạo thì phải giữ được cái tâm. Cái tâm còn bằng ba cái tài. Và cũng phải có cái tầm, đừng có ăn sổi ở thì, phải biết nhìn xa trông rộng cho lợi ích của đất nước, chứ không chỉ nhìn vào lợi ích của ngành mình, của bộ mình.

Cán bộ công chức thì phải mẫn cán, tâm huyết, trách nhiệm, có tính trung thực cao với nhiệm vụ, công việc được giao, không thể sáng cắp ô đi tối cắp ô về, hưởng lương không chịu làm việc, chỉ thích làm quan”, ông Đương nhận định.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương. ảnh: Đời sống pháp luật.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương. ảnh: Đời sống pháp luật.

Từ một loạt các tồn tại nêu trên, vấn đề đặt ra lúc này là: Công tác đào tạo nguồn nhân lực phải tập trung vào cái gì?

Ông Đương đánh giá: “Hiện nay đào tạo đại học quá nhiều lý thuyết xuông, nhưng đào tạo tay nghề thực hành thì yếu. Theo tôi phải rà soát lại, giảm đào tạo lý thuyết đi và tăng cường đào tạo nghề lên. Hiện nay, cử nhân thất nghiệp quá nhiều là vì tay nghề thấp, kỹ năng kém. Thế nên tốt nghiệp đại học rồi mà lại phải đi làm tạp vụ, đánh giày, bán báo…”.

Cũng theo Đại biểu Đương, trong công tác đào tạo, đề bạt cán bộ, cần phải tăng cường tính cạnh tranh, minh bạch, công khai trong việc tuyển dụng cán bộ.

“Các nước trước đây phải mất tới 200 năm mới công nghiệp hóa được, còn Hàn Quốc đi sau, biết tận dụng, kế thừa của các nước đi trước nên họ chỉ mất có 70 năm. Vậy bây giờ chúng ta sẽ làm thế nào?

Nông nghiệp là tiềm năng là lợi thế của chúng ta nhưng bấy lâu nay chưa được quan tâm thỏa đáng. Tôi đề nghị nước ta không chỉ đầu tư phát triển công nghiệp mà phải cả nông nghiệp cũng theo hướng hiện đại”, Đại biểu Đỗ Văn Đương.

“Đừng có bắt người ta thi lý thuyết, rồi lại đưa vào làm việc khác thì những anh thật sự giỏi thì có khi lại trượt, còn những anh cứ theo thầy thì điểm cao. Có nhiều người đã nói rằng, kinh nghiệm đi học là cứ thầy dạy thế nào thì chép như thế thì điểm cao, còn những anh nào làm trái ý thầy thì điểm thấp.

Vì vậy, tôi nghĩ là cũng phải cảnh giác với một số người có bằng giỏi, bằng khá ở trong trường Đại học”, ông Đương nói.

Liên quan tới công tác cán bộ, Đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị tha thiết phải quyết tâm chống tham nhũng tới cùng.

Ông Đương phân tích: “Tôi tha thiết đề nghị phải xem xét nghiêm túc vấn đề tham nhũng, lãng phí, vì đây là những nguyên nhân chính kéo lùi sự phát triển của đất nước. Làm cho nguồn lực của đất nước bị phân tán.

Chúng ta đã nói nhiều rồi, nhưng biện pháp thì chưa rõ, chính vì thế trong tổ chức thực hiện không hiệu quả. Đảng và cử tri cả nước cũng đã thấy rõ điều này. Thấy rồi thì bây giờ làm thế nào để chống được lãng phí, tham nhũng? Chúng ta phải học tập các nước để phòng ngừa, không chỉ đấu tranh trước mắt mà là cả quá trình lâu dài.

Thí dụ như Singapore những năm sáu mươi còn tham nhũng hơn ta bây giờ, nhưng cuối cùng thì họ đã chống tham nhũng thành công. Họ đào tạo chống tham nhũng từ ngay trong trường mầm non, và mấy chục năm qua tạo ra các thế hệ rất căm ghét tham nhũng, coi đấy là điều xấu xa”.

Bao giờ người nghèo được khám chữa bệnh miễn phí?

Đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị, phải làm rõ thế nào là nề kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa?

Theo ông Đương, sau khi các thành phần kinh tế đã phát huy mọi tiềm năng để làm giàu cho đất nước thì điều quan trọng là phải chống tích tụ tài sản và lợi nhuận vào một nhóm người. Đây là điểm khác biệt giữa kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và kinh tế tư bản.

Ông Đương đề nghị: “Nhà nước phải điều tiết được vấn đề này, chứ không phải là cứ có tài nguyên, thị trường để các ông làm giàu, thế còn ai là người bảo vệ biên giới hải đảo? Ai là người giữ gìn an ninh, trật tự.

Đất nước kém phát triển, suy cho cùng vẫn là do con người ảnh 2

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và 3 mối lo cho tương lai đất nước

Người ta tạo ra một môi trường chính trị ổn định, an ninh tốt để ông làm ăn, thế cứ thu tiền về nhà ông làm giàu mãi à? Thế còn bao nhiêu người nghèo khác thì sao?

Bao nhiêu người nghèo vùng dân tộc thiểu số, bao nhiêu người nghèo ở các vùng quê người ta không có mà ăn, thế thì ông làm giàu chỉ sống một mình thôi à?”

Trên cơ sở đó, theo Đại biểu Đỗ Văn Đương, định hướng xã hội chủ nghĩa thì nhà nước phải đóng vai trò điều tiết, để đảm bảo an ninh chính trị quốc gia, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, chống bất công.

Rất nhiều người tham gia chiến tranh, hy sinh, đổ máu, bị thương rồi bây giờ quay trở về sống khổ cực, còn có một nhóm người thì lại rất giàu. Cho nên tư tưởng định hướng xã hội chủ nghĩa phải thể hiện một cách sâu sắc thì mới là nhà nước của dân, vì dân.

Ông Đương chốt lại: “Chúng ta phải thực sự quan tâm tới việc tăng lương cho công chức, viên chức, có chính sách ưu đãi với người có công, người nghèo, người cao tuổi không có tiền chữa bệnh. Chính sách tốt là phải như thế. Chứ bây giờ có đồng nào lại đi tập trung hết vào cơ sở hạ tầng thì ăn bằng cái gì?

Đầu tư vào cơ sở hạ tầng là đúng, nhưng cũng phải quan tâm xem người nghèo sống bằng cái gì chứ? Trông chờ đến bao giờ? Rất nhiều người giàu không quan tâm tới đồng lương, nhưng nhiều người nghèo, nhất là ở vùng thôn quê thì người ta quý từng đồng, từng bát cơm.

Thấy những hoàn cảnh đó thì phải thấy cảm động chứ, phải có tình người chứ, đấy mới là định hướng xã hội chủ nghĩa, đấy mới là để cho người dân có quyền lợi”.

Ngọc Quang