Đẩy mạnh tuyên truyền về đảm bảo an toàn thực phẩm

30/06/2016 07:31
Nhật Linh
(GDVN) - Ngày 23/6, Bộ Thông tin và truyền thông ban hành văn bản số 2090/CTr-BTTTT chương trình Truyền thông Quốc gia về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020.

Thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Chương trình Truyền thông Quốc gia về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020.

Chương trình còn có sự phối hợp của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Ủy ban các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương, hệ thống thông tin cơ sở.

Đẩy mạnh tuyên truyền về đảm bảo an toàn thực phẩm ảnh 1
Cần tích cực tuyên truyền về đảm bảo an toàn thực phẩm (Ảnh: baodanang.vn)

Chương trình truyền thông Quốc gia về an toàn thực phẩm nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật An toàn thực phẩm bằng nhiều hình thức truyền thông phong phú, đa dạng, phù hợp với trình độ dân trí của từng nhóm đối tượng, từng vùng miền; tạo dư luận mạnh mẽ, biểu dương và tổ chức nhân rộng các điển hình tiên tiến trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn...

Đồng thời, chương trình nhằm nâng cao ý thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân từng hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư về an toàn thực phẩm,…

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cũng chỉ đạo, các cơ quan thông tấn báo chí từ Trung ương đến địa phương cần tích cực tuyên truyền về đảm bảo an toàn thực phẩm. 

Bên cạnh đó, truyền thông xã hội tích cực xây dựng các chuyên đề, nội dung thông tin trên các diễn đàn mạng xã hội có số lượng thành viên đông đảo, được nhiều người tiêu dùng quan tâm và theo dõi.

Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác truyền thông trên hệ thống thông tin cơ sở và xây dựng, phát triển các website về an toàn thực phẩm.

Chương trình truyền thông được thực hiện trong 5 năm, qua 2 giai đoạn: 2016-2017 và 2017-2020 với nguồn kinh phí đã được Chính phủ phê duyệt và kinh phí chi thường xuyên của các Bộ, cơ quan, đơn vị.

Nhật Linh