Để giảm tai nạn giao thông, đâu chỉ có thu xe mới là giải pháp!

27/03/2015 06:00
NGUYỄN DANH HUẾ
(GDVN) - Tịch thu xe có trái luật hay không? Nên hay không nên áp dụng quy định này ở Việt Nam? Và Quy định này sẽ được áp dụng như thế nào?...

LTS: Đề nghị tịch thu phương tiện đi vào đường cao tốc, lái xe say rượu mới được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề xuất với Chính phủ đã gây ra những phản ứng từ phía dư luận sắp đến ngày phải báo cáo.

Dưới đây là bài viết của Luật sư Nguyễn Danh Huế hiện đang công tác tại Công ty Luật Bắc Nam gửi đến tòa soạn với mong muốn đưa ra các giải pháp đồng bộ, có lộ trình cụ thể để giảm thiểu TNGT ở Việt Nam.

Báo Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết này:

Nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) cao nhất thế giới, những tổn thất và hệ lụy từ tai nạn giao thông gây ra cho xã hội Việt Nam là vô cùng to lớn. Trong những năm gần đây, mặc dù chúng ta đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhằm giảm thiểu TNGT nhưng hiệu quả thực tế vẫn còn rất thấp, hàng chục nghìn người chết vì TNGT trên cả nước mỗi năm vẫn là con số không thể chấp nhận.

Trước tết nguyên đán Ất Mùi 2014, Ủy Ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia (UBATGTQG) đã có những động thái rất tích cực thông qua việc phối hợp với các bộ, ban, ngành và chính quyền các địa phương để đưa ra các biện pháp hạn chế TNGT trong những ngày nghỉ Tết nhưng thực tế số người chết vì TNGT vẫn cao hơn năm trước (9 ngày nghỉ tết có 317 người chết vì TNGT) , điều đó cho thấy các biện pháp chúng ta đang triển khai không mang lại hiệu quả và vấn đề giảm thiểu TNGT cần một giải pháp đồng bộ, có lộ trình cụ thể và phải có một quyết tâm thật sự từ toàn xã hội.

Sau khi UBATGT QG đề xuất việc tịch thu phương tiện của người tham gia giao thông có nồng độ cồn vượt quá giới hạn cho phép, dư luận đã nổ ra một cuộc tranh cãi rất gay gắt với các câu hỏi chủ yếu: Tịch thu xe có trái luật hay không? Nên hay không nên áp dụng quy định này ở Việt Nam? Và Quy định này sẽ được áp dụng như thế nào?...

TNGT xuất phát từ 2 nguyên nhân chính, đó là: 1, Do ý thức của người tham gia giao thông kém và 2, Do cơ sở hạ tầng giao thông  chưa đảm bảo. Như vậy để giảm thiểu TNGT thì mọi giải pháp đều phải xuất phát từ việc giải quyết hai vấn đề này.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)

Ý thức của người tham gia giao thông tại Việt Nam rất kém là điều không phải bàn cãi, ngay tại Hà Nội, nơi có số lượng cán bộ công chức và đội ngũ trí thức đông đảo, mặt bằng dân trí cao hơn nhưng tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông cũng rất phổ biến, chuyện người dân Hà Nội vượt đèn đỏ hay đi vào đường cấm, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh là chuyện diễn ra hàng ngày, hàng giờ và trước sự thờ ơ đến kỳ lạ thậm chí được sự làm ngơ của các cấp chính quyền. 

Tại sao người ta lại sẵn sàng vi phạm luật giao thông? Vì hầu hết họ nghĩ rằng sẽ không nguy hiểm cho chính họ và hành vi của họ sẽ không bị công an bắt giữ và xử phạt nhưng điều nguy hiểm và tai hại nhất mà ít người nghĩ đến đó là khi vi phạm luật giao thông thì tính thượng tôn của pháp luật đã bị phá vỡ, làm méo mó quy tắc của trật tự xã hội và gây nên một sự lan tỏa cái xấu, cái bất tuân luật pháp cho những người xung quanh và cho toàn xã hội

Việc nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân là một quá trình lâu dài và trước hết phải bắt đầu từ ý thức nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông của những người bảo vệ pháp luật, của cán bộ công chức và đội ngũ trí thức. 

Gần đây, Bí thư huyện ủy một huyện lái xe chạy quá tốc độ đâm chết 2 người ở Cao Bằng, xe của quân đội chạy nhanh gây tai nạn làm chết 4 người tại Hưng Yên hay xe của cảnh sát cơ động có lái xe say rượu đâm chết 2 người tại Tuyên Quang ... đã cho thấy ý thức chấp hành giao thông của chính các cán bộ công chức và những người thực thi pháp luật đang ở mức đáng báo động, hình ảnh những chiếc xe biển xanh, biển đỏ ngang nhiên vượt đèn đỏ hay phóng nhanh vượt ẩu không phải là hiếm và chúng ta chẳng thể mong chờ người dân phải nâng cao ý thức pháp luật của họ khi chính những kẻ cần gương mẫu nhất lại tự phá vỡ các nguyên tắc xã hội và cho mình cái quyền chà đạp lên luật pháp.

Về hạ tầng giao thông chúng ta có đủ 4 loại hình là đường bộ, đường sắt, đường không và đường thủy, nhưng nhìn tổng thể vẫn không đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Đường bộ và đường sắt là những nơi xảy ra TNGT nhiều nhất, hệ thống đường sắt ở Việt Nam được xây dựng từ thời Pháp và đã quá lạc hậu nên không được nhân dân lựa chọn nhiều, dọc các tuyến đường sắt có hàng ngàn điểm giao cắt với đường bộ và đây là nơi thường xuyên xảy ra các tai nạn nghiêm trọng nên đòi hỏi phải có ngay một tuyến đường sắt mới hiện đại để giảm tải cho đường bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm thiểu TNGT. 

Đường bộ là nơi số TNGT chiếm nhiều nhất vẫn còn nhiều bất cập khi các con đường quốc lộ vẫn chạy xuyên tâm các đô thị và đi qua nhiều khu dân cư. Quốc lộ 21 nối Thành phố Phủ Lý và Thành phố Nam Định được làm mới và đưa vào sử dụng chưa lâu nhưng đã có nhiều TNGT xảy ra do vẫn có những con đường dân sinh cắt ngang đã cho thấy khi thiết kế con đường này, chính các nhà quản lý giao thông vẫn chưa đặt sự an toàn và tính mạng người dân lên cao nhất, việc thiếu các cây cầu chui dân sinh tại con đường này để hạn chế TNGT được lý giải do thiếu kinh phí nhưng khi chúng ta đặt tính mạng người dân là quan trọng nhất thì chắc chắn mọi khó khăn đều có hướng giải quyết. 

Mạng lưới đường bộ từ trung tâm các tỉnh về các huyện và từ các huyện về các xã nông thôn luôn là nơi xảy ra nhiều TNGT vì có lượng xe máy tham gia nhiều, muốn hạn chế TNGT thì phải  phát triển phương tiện giao thông công cộng tại đây để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, điều đó đòi hỏi mỗi địa phương  phải xây dựng lộ trình phát triển giao thông công cộng cụ thể và phải đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư….

Quay trở lại với đề xuất của UBGAGTQG về việc tịch thu phương tiện của người tham gia giao thông có nồng độ cồn vượt quá mức qui định cho phép, căn cứ từ các phân tích trên chúng ta sẽ thấy đây chỉ là một giải pháp đơn lẻ trong rất nhiều giải pháp để hạn chế TNGT, vấn đề chính cần đặt ra ở đây không phải là thu hay không thu, có phù hợp với pháp luật hiện tại hay không mà là liệu giải pháp đó có giúp giảm thiểu được TNGT hay không?. 

Cần lưu ý là án tử hình để răn đe và phòng ngừa nhóm các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nhưng nhóm tội phạm này vẫn gia tăng trong những năm gần đây chứng tỏ không phải cứ áp dụng hình phạt nặng thì sẽ đem lại hiệu quả. Như vậy giảm thiểu TNGT ở Việt Nam phải là một nhóm các giải pháp đồng bộ dựa trên hai yếu tố chính là nâng cao ý thức người tham gia giao thông và nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Điều 19 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam đã ghi rõ “Mọi người có quyền sống, tính mạng con người được pháp luật bảo hộ…” Như vậy các biện pháp để hạn chế TNGT, đảm bảo quyền sống của người dân cần phải thực thi ngay,  các biện pháp trước mắt là đưa ra các chế tài như sa thải hoặc kỷ luật nặng các cán bộ, công chức vi phạm luật giao thông, quy trách nhiệm cá nhân cho người đứng đầu mỗi cơ quan, đưa thêm các chế tài như tịch thu bằng lái, phạt tiền nặng các lỗi cố ý, bắt người vi phạm tham gia lao động công ích, truy tố hình sự các lỗi như lái xe khi say rượu… cũng là những biện pháp hiệu quả để nâng cao ý thức người tham gia giao thông. 

Bên cạnh đó về dài hạn chúng ta cần nghiên cứu và học tập kinh nghiệm của các nước phát triển, rà soát lại chiến lược phát triển giao thông trên cả nước và lựa chọn những hạng mục cần ưu tiên đầu tư để nâng cấp hạ tầng giao thông theo một lộ trình cụ thể.

NGUYỄN DANH HUẾ