Đề xuất “C.A có quyền yêu cầu báo chí tiết lộ nguồn tin” bị phản ứng

04/05/2013 06:57
NT (Tổng hợp)
(GDVN) – Theo nhà báo Phan Lợi, nếu đề xuất này được thực hiện thì nó sẽ thành một sự kiện chấn động với các nhà báo hoạt động trong lĩnh vực xác minh đơn thư, điều tra theo yêu cầu bạn đọc.
Bộ Công an vừa có văn bản trả lời cử tri các tỉnh Phú Yên, Lâm Đồng và Quảng Ngãi xung quanh nội dung chất vấn liên quan đến công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN) chưa đạt hiệu quả cao.

Đề xuất "Công an có quyền yêu cầu báo chí tiết lộ nguồn tin" đã gặp phải nhiều sự phản ứng
Đề xuất "Công an có quyền yêu cầu báo chí tiết lộ nguồn tin" đã gặp phải nhiều sự phản ứng

Theo công văn này, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh PCTN trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật về PCTN. Trước mắt có thể xem xét sửa đổi điều 7 Luật Báo chí theo hướng Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND và Thủ trưởng CQĐT các cấp có quyền yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp nguồn tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong khi đó, Điều 7 của Luật Báo chí quy định: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của viện trưởng viện kiểm sát nhân dân hoặc chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”.

Sau khi đề xuất này được đưa ra, nó đã gặp phải sự phản ứng từ nhiều phía. 

Nêu quan điểm của mình trên báo Người đưa tin, Nhà báo Phan Lợi (Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: Nếu đề xuất này được thực hiện “thì sẽ thêm hàng ngàn người được cấp thẩm quyền truy nguồn tin của báo chí và nó sẽ thành một sự kiện chấn động với các nhà báo hoạt động trong lĩnh vực xác minh đơn thư, điều tra theo yêu cầu bạn đọc”.

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM nói trên báo Người lao động rằng: “Điều 7 Luật Báo chí hiện hành phù hợp với nhiều thông lệ, quy định quốc tế trong hoạt động, quan hệ giữa nhà báo, cơ quan báo chí và nguồn tin. Khi cung cấp thông tin cho nhà báo, nguồn tin luôn yêu cầu phải giữ kín thông tin về mình thì mới cung cấp. Nếu thực hiện như đề xuất của Bộ Công an thì báo chí sẽ mất hết nguồn tin, không ai dám cung cấp nữa”.

“Theo quy định hiện hành, báo chí có quyền đăng tải thông tin theo nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của những thông tin đó. “Thẩm quyền của CQĐT đã quy định rất rõ trong Pháp lệnh về điều tra và Bộ Luật Tố tụng Hình sự, không thể điều chỉnh cả trong Luật Báo chí được” - ông Hậu bày tỏ, tờ báo này dẫn lời ông Hậu.

Cũng theo báo Người lao động, Luật gia Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, cho biết sẽ có ý kiến với Thường vụ Quốc hội và các cơ quan khác về vấn đề này. Vì nếu quy định như Bộ Công an đề xuất thì không ai cung cấp thông tin cho báo chí nữa.

So sánh đề xuất này với pháp luật các nước khác trên thế giới, báo Người đưa tin còn dẫn viết: “Ở Nhật Bản, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do lấy thông tin cũng như công bố tin tức được ghi nhận tại Điều 21 của Hiến pháp. Và Tòa án Nhật Bản được phép viện dẫn Điều 21 để qui định về đặc quyền của nhà báo. Một số nước khác như Mêhicô, Inđônêxia, Môdămbích, Thổ Nhĩ Kì đã thông qua các đạo luật cho phép các nhà báo có quyền tuyệt đối trong việc bảo vệ các nguồn tin của họ.

Luật Tự do Báo chí của Thụy Điển, là một phần trong Hiến pháp quốc gia, cũng đã dành các đặc quyền lớn cho các nhà báo. Ở Thụy Điển một nhà báo làm lộ danh tính nguồn tin khi không được phép của nguồn tin đó có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự. Điều đó cũng có nghĩa nhà báo có quyền bảo vệ nguồn tin của mình. Tuy nhiên, trong trường hợp nguồn tin bị nghi là gián điệp hoặc mang tội phản quốc hoặc khi một bị cáo chỉ ra rằng nguồn tin được tìm kiếm rất quan trọng đối với việc bào chữa trong một vụ án hình sự thì nhà báo phải cung cấp thông tin về nguồn tin ấy…”.
NT (Tổng hợp)