Đi tìm “bản gốc” hai chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập

30/04/2012 05:26
Hoàng Lâm
(GDVN) - Rất nhiều người có lẽ vẫn thắc mắc tại sao lại có một số chiếc xe tăng cùng mang số hiệu 390 và 843 ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước và đâu là bản “xịn”…?
Hai chiếc xe tăng huyền thoại và thời khắc lịch sử 
Trưa 30/4/1975, cánh cổng sắt lớn Dinh Độc lập đã chính thức sập đổ. Toàn bộ nội các ngụy quyền phải đầu hàng vô điều kiện, lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc Dinh Độc lập, mở ra một trang sử mới trong lịch sử nước nhà sau nhiều năm chiến tranh khói lửa khốc liệt.
Vào thời khắc lịch sử đó của dân tộc, có hai chiếc xe tăng “huyền thoại” mang số hiệu 390 và 843 đã húc đổ cánh cổng của Dinh Độc Lập và chiếc xe tăng 390 đã vào sân Dinh Độc Lập đầu tiên vì chiếc 843 lúc đó bị kẹt tại cửa ngách bên trái.
Chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập tiến vào trước tiên (ngoài cùng bên trái là ông Bùi Quang Thận) ngày 30/4/1975 - Ảnh: Internet
Chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập tiến vào trước tiên (ngoài cùng bên trái là ông Bùi Quang Thận) ngày 30/4/1975 - Ảnh: Internet
“Thực chất trưa ngày 30/4/1975, đại đội 4 đánh chiếm Dinh Độc lập có hai xe tăng 843 và 390 tiếp cận cổng Dinh Độc lập đầu tiên. Và xe 843 dừng lại cổng phụ trái, sau đó, đồng chí Nguyễn Văn Tập, lái xe 390, hỏi tôi: “Thế nào anh Toàn?”, tôi ra lệnh “Tông thẳng vào”. Lập tức xe tăng 390 được tăng ga, lao thẳng và húc bung hai cánh cổng chính Dinh Độc lập và tiến vào tiền sảnh Dinh Độc lập. Hình ảnh này do một nữ phóng viên người Pháp đã chụp được ngay thời khắc lịch sử lúc bấy giờ. Và đây là một thực tế không thể thay đổi được”, Trung úy Vũ Đăng Toàn khẳng định.

BẤM VÀO ĐÂY XEM CHÙM ẢNH 2 CHIẾC XE TĂNG ĐẦU TIÊN HÚC ĐỔ CỔNG DINH ĐỘC LẬP
Vào thời điểm đó, trên xe tăng số 390 có bốn chiến sĩ: Vũ Ðăng Toàn - Trung úy, Chính trị viên đại đội, trưởng xe, Ngô Sỹ Nguyên -Trung sĩ, pháo thủ số 1, Lê Văn Phượng - Thiếu úy, pháo thủ số 2, Nguyễn Văn Tập - Trung sĩ, Lái xe.
Xe tăng số 843 có lái xe Lữ Văn Hỏa; pháo thủ số 2 Nguyễn Văn Kỷ; pháo thủ Thái Bá Minh và người chỉ huy là Ðại đội trưởng, Trung úy Bùi Quang Thận.
Trung uý Bùi Quang Thận - Đại đội trưởng, Trưởng xe tăng 843, người con của quê hương Thái Bình cũng vào thời điểm đó đã rút cờ giải phóng của xe mình lao lên nóc Dinh Độc lập, hạ cờ 3 sọc ngụy quyền Sài Gòn và cắm cờ quân giải phóng đúng vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975. Lá cờ giải phóng phấp phới bay trên nóc Dinh Độc lập báo hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, Miền Nam đã được hoàn toàn giải phóng.
Hai chiếc xe tăng 390 và 843 “xịn” đang ở đâu?
Sau đại thắng 30/4/1975 đến nay, có lẽ rất nhiều người dân Việt Nam và các du khách thắc mắc về bản gốc của hai chiếc xe tăng 390 và 843 huyền thoại đang được lưu giữ ở đâu vì ở Hà Nội có một chiếc xe tăng mang số hiệu 390 ở Bảo tàng Lực lượng Tăng thiết giáp và trong TP. Hồ Chí Minh cũng có một chiếc tương tự. 
Còn chiếc xe tăng mang số hiệu 843 ở Hà Nội hiện nay có đến hai chiếc. Một ở Bảo tàng Quân sự Việt Nam, một chiếc đang ở Bảo tàng Lực lượng Tăng thiết giáp. Ở Thái Bình cũng có một chiếc mang số hiệu 843 và một chiếc khác ở TP. Hồ Chí Minh hiện đang được trưng bày ở Dinh Độc Lập.
Trước hết với hai chiếc xe tăng mang số hiệu 390 và 843 đang có mặt trong TP. Hồ Chí Minh có thể khẳng định chắc chắn rằng cả hai chiếc xe tăng này chỉ là “hiện vật đồng dạng, đồng thời” so với bản gốc. 
Trong đó, chiếc xe tăng 390 ở Dinh Độc lập là loại xe tăng T59, hạng trung, sản xuất tại Trung Quốc. Ðây là hiện vật đồng dạng đồng thời với xe tăng 390 - xe tăng đầu tiên húc tung cổng chính Dinh Ðộc lập ngày 30/4/1975. Chiếc xe này được Kho KT 580 - Cục Kỹ thuật binh chủng, Tổng cục kỹ thuật, Bộ Tư lệnh tăng thiết giáp - Bộ Quốc phòng tu bổ, phục chế, khôi phục như nguyên bản xe 390 và đưa về trưng bày tại di tích lịch sử Dinh Ðộc lập ngày 15/4/2001 nhân dịp kỷ niệm 26 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Phiên bản của chiếc xe tăng 390 huyền thoại ở trong TP.Hồ Chí Minh hiện nay - Ảnh: Di tích Dinh Độc lập
Phiên bản của chiếc xe tăng 390 huyền thoại ở trong TP.Hồ Chí Minh hiện nay - Ảnh: Di tích Dinh Độc lập
Còn chiếc xe tăng mang số hiệu 843 cũng ở Dinh Độc lập là loại xe tăng T54, hạng trung, sản xuất tại Liên xô. Ðây là hiện vật đồng dạng đồng thời với xe tăng mang số hiệu 843 đã húc nghiêng cổng phụ của Dinh Ðộc lập vào lúc 10h45 ngày 30/4/1975. Chiếc xe này được sưu tầm từ trường Hạ sĩ quan Tăng thiết giáp I thuộc Bộ Tư lệnh tăng thiết giáp và phục chế lại thành xe tăng 843 để làm hiện vật trưng bày nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Phiên bản của chiếc xe tăng 843 ở trong TP.Hồ Chí Minh hiện nay - Ảnh: Di tích Dinh Độc lập
Phiên bản của chiếc xe tăng 843 ở trong TP.Hồ Chí Minh hiện nay - Ảnh: Di tích Dinh Độc lập
Vậy những chiếc xe tăng mang số hiệu 390, 843 ở Hà Nội và Thái Bình, đâu là bản chính gốc từng tham gia húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập? 
Lần theo những cứ liệu lịch sử và đặc biệt dưới sự giúp đỡ của Thiếu tướng Lê Mã Lương – Anh hùng LLVTND, nguyên giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, cuối cùng, bí mật về hai chiếc xe tăng “huyền thoại” 390 và 843 bản “xịn” đang ở đâu đã được hé lộ.
Chiếc xe tăng 390 bản gốc đang được trưng bày ở Bảo tàng Lực lượng Tăng Thiết Giáp
Chiếc xe tăng 390 bản gốc đang được trưng bày ở Bảo tàng Lực lượng Tăng Thiết Giáp
“Hai chiếc xe tăng bản gốc từng tiến vào Dinh Độc Lập mang số hiệu 390 và 843 hiện nay đều ở Hà Nội. Trong đó chiếc xe tăng 390 bản gốc hiện đang được trưng bày ở Bảo tàng Lực lượng Tăng thiết giáp còn chiếc xe tăng mang số hiệu 843 bản gốc hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Lịch Sử Quân sự Việt Nam. Còn tất cả những chiếc xe tăng khác có cùng số hiệu chỉ là hiện vật đồng thời”, Thiếu tướng Lê Mã Lương – Anh hùng LLVTND, nguyên giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, giải đáp thắc mắc lâu nay của rất nhiều người.BẤM VÀO ĐÂY XEM CHÙM ẢNH 2 CHIẾC XE TĂNG ĐẦU TIÊN HÚC ĐỔ CỔNG DINH ĐỘC LẬPCHÙM ẢNH ĐỘC VỀ TP SÀI GÒN TRƯỚC 30/4/1975 (KỲ 1)CHÙM ẢNH ĐỘC VỀ TP SÀI GÒN TRƯỚC 30/4/1975 (P2)CHÙM ẢNH ĐỘC VỀ TP SÀI GÒN TRƯỚC 30/4/1975 (P3)HÌNH ẢNH "KHÔNG THỂ QUÊN" VỀ ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ VÀO THỜI KHẮC TRƯA 30/4/1975
Chiếc 843 "xịn" ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Chiếc 843 "xịn" ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Như vậy, dưới sự tiết lộ của Thiếu tướng Lê Mã Lương, có thể khẳng định chắc chắn rằng, cả hai chiếc xe tăng 390 và 843 bản gốc từng húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập ngày 30/4/1975 hiện đều đang có mặt ở Hà Nội và tất cả những chiếc xe tăng có cùng số hiệu ở các nơi khác chỉ là phiên bản.
Hoàng Lâm