Địa đạo Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ

23/09/2018 06:55
Đại tá ĐẶNG VIỆT THỦY
(GDVN) - Hệ thống địa đạo đã thể hiện giá trị lịch sử, ý chí đấu tranh và tài quân sự mưu lược của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

LTS: Chia sẻ về hệ thống các địa đạo trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của quân và dân ta, Đại tá Đặng Việt Thủy đã gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Địa đạođường hầm quân sự ở những nơi đất cứng và ổn định mực nước ngầm thấp, có khẩu độ hẹp, nhưng rất dài và có nhiều nhánh, có thể nhiều tầng, thường không lát nóc, lát vách.

Địa đạo vừa có tác dụng phòng tránh, che giấu lực lượng, cấu giấu phương tiện vật chất, vừa giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ trong cơ động lực lượng đánh địch, nên nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương thường dùng để bám trụ lâu dài và hoạt động chiến đấu trong vùng địch chiếm hoặc ở vùng sát địch. (Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2004, trang 349).

Mỹ choáng với vũ khí bí mật dưới lòng đất Việt Nam

Nói một cách ngắn gọn, địa đạo là đường hầm bí mật, đào ngầm sâu dưới đất, hào ngầm (Từ điển Tiếng Việt Nhà xuất bản Giáo dục - Hà Nội, 1994, trang 304).

Ở đất nước ta, qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiều địa phương đã xây dựng hệ thống địa đạo để phòng tránh bom đạn của quân thù, ém quân, bảo toàn lực lượng và đánh giặc. Đây cũng là một nét độc đáo và sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Có nhiều địa đạo nổi tiếng như:

Địa đạo Nam Hồng ở xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội: Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân và du kích Nam Hồng đã xây dựng làng chiến đấu, đẩy mạnh chiến tranh du kích, xây dựng hệ thống đường hào, hầm hố và bước đầu phát triển đường hầm, coi đó là những "bộ áo giáp" lợi hại để đánh thắng địch và bảo vệ mình trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống chiến tranh.

Trong kháng chiến chống Mỹ, ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị tính đến năm 1966 có hàng chục địa đạo được hình thành như:

Địa đạo Vịnh Mốc - một công trình tiêu biểu cho hệ thống địa đạo ở Vĩnh Linh; địa đạo Bình Minh ở xã Vĩnh Hiển; địa đạo Hiền Dũng ở xã Vĩnh Hòa; địa đạo Hương Nam ở xã Vĩnh Kim; địa đạo Mụ Giai, địa đạo Tân Lý, địa đạo 61 ở xã Vĩnh Quang; địa đạo Tân Mỹ ở xã Vĩnh Giang...

Hệ thống giao thông hào tại địa đạo Vịnh Mốc (Ảnh minh họa: news.zing.vn).
Hệ thống giao thông hào tại địa đạo Vịnh Mốc (Ảnh minh họa: news.zing.vn).

Tỉnh Thừa Thiên Huế có địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế (còn gọi là địa đạo Khe Trái) nay thuộc phường Hương Vân, thị xã Hương Trà; địa đạo Bạch Mã, địa đạo Xuân Lộc ở huyện Phú Lộc...

Ở tỉnh Quảng Nam có các địa đạo: địa đạo Kỳ Anh ở thành phố Tam Kỳ; địa đạo Phú An - Phú Xuân ở huyện Đại Lộc; cụm địa đạo mới được phát hiện giữa đại ngàn Trường Sơn ở huyện Tây Giang...

Tỉnh Quảng Ngãi có địa đạo Đàm Toái ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn.

Tỉnh Phú Yên có địa đạo Gò Thì Thùng ở xã An Xuân, huyện Tuy An.

Tỉnh Đồng Nai có địa đạo Nhơn Trạch ở huyện Nhơn Trạch.

Tỉnh Bình Dương có địa đạo Tây Nam Bến Cát (còn gọi là địa đạo "Tam giác sắt") ở huyện Bến Cát .

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có các địa đạo: địa đạo Long Phước ở thị xã Bà Rịa - Vũng Tàu; địa đạo Hắc Dịch ở xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành; địa đạo Kim Long ở xã Kim Long, huyện Châu Đức...

Địa đạo Khe Trái - Thừa Thiên Huế (Ảnh minh họa: news.zing.vn).
Địa đạo Khe Trái - Thừa Thiên Huế (Ảnh minh họa: news.zing.vn).

Thành phố Hồ Chí Minh có các địa đạo: địa đạo Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An (huyện Củ Chi) được coi là cái nôi của địa đạo Củ Chi hình thành từ cuối năm 1946 trong cuộc kháng chiến chống Pháp; hệ thống địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi) trong kháng chiến chống Mỹ với tổng chiều dài của địa đạo hơn 200km (kể cả địa đạo chính và địa đạo nhánh cộng lại); địa đạo Phú Thọ Hòa (nay thuộc quận Tân Phú)...

Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là địa đạo Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) và địa đạo Vịnh Mốc (Vĩnh Linh, Quảng Trị) là những địa đạo có giá trị trên nhiều phương diện: nghệ thuật cấu trúc, nghệ thuật chiến đấu, giá trị nhân văn.

Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với "thù trong, giặc ngoài", nạn đói hoành hành, khó khăn chồng chất, tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhạy bén, sáng suốt, bình tĩnh chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh hiểm nguy, từng bước tiến lên.

Từ đêm 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhân dân cả nước ta bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong những năm đầu, lực lượng ta còn yếu nhiều mặt, trong khi quân Pháp đông, có đầy đủ vũ khí, phương tiện chiến tranh. Nhất là trong các vùng địch hậu, lực lượng ta ít, lại phải phân tán hoạt động bí mật.

Do vậy, để bảo toàn lực lượng để hoạt động lâu dài, ngoài việc gây dựng cơ sở trong quần chúng nhân dân và chiến đấu trực tiếp trong lòng địch, cán bộ, du kích phải đào hầm bí mật để trú ẩn, cất giấu tài liệu, vũ khí...

Địa đạo Nhơn Trạch (Ảnh minh họa: news.zing.vn).
Địa đạo Nhơn Trạch (Ảnh minh họa: news.zing.vn).

Hầm bí mật có nhiều kiểu cách rất sáng tạo, linh hoạt để tránh địch phát hiện và bí mật với cả những người xung quanh không có phận sự.

Hầm phổ biến vẫn là đào trong lòng đất, độ dài từ 3 đến 5 mét và có nắp đậy bí mật, có lỗ thông hơi, được ngụy trang khéo léo, người đứng trên mặt đất khó có thể phát hiện miệng hầm ở đâu.

Bình thường những cán bộ, chiến sĩ hoạt động trong vùng địch kiểm soát, được nhân dân che chở, đùm bọc, nhưng khi có địch phải nhanh chóng xuống hầm và đậy chặt nắp hầm.

Nếu tình hình trên mặt đất căng thẳng, người cán bộ phải ở dưới hầm bí mật từ sáng sớm đến chiều tối, chờ cho địch rút khỏi mới được lên mặt đất.

Tuy nhiên, hầm bí mật có bất lợi là khi bị địch phát hiện, nhanh chóng bị chúng bao vây cô lập, không có lối thoát; người chiến sĩ phải chiến đấu đơn độc cho đến khi hy sinh hoặc bị địch bắt.

Do đó, người ta nghĩ ra cách kéo dài căn hầm bí mật cho đến chỗ có thể thoát ra khỏi vòng vây của địch tùy theo điều kiện địa hình cho phép. Lúc đó căn hầm trở thành địa đạo.

Đường hầm không chỉ có một cửa lên xuống mà có thể có nhiều ngõ ngách gắn nhiều nắp hầm, để nếu địch phát hiện cửa hầm này, ta có thể ra bằng lối khác mà địch không biết được rồi rút đi hoặc quay lại bất ngờ tấn công chúng.

Từ đó, địa đạo ra đời như một sự bức xúc, một sự đòi hỏi của cuộc chiến đấu chống quân thù, mở đầu cho một nghệ thuật quân sự độc đáo của quân và dân ta.

Nói chung, địa đạo tránh được thế cô lập của hầm bí mật và phát huy sự linh hoạt cơ động để bảo toàn lực lượng và chủ động tiến công lại quân địch có hiệu quả.

Từ nguyên tắc đó, nhiều địa đạo như địa đạo Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An, địa đạo Củ Chi... mang tính chất "địa đạo chiến", một pháo đài trong cuộc chiến tranh du kích chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Cửa vào địa đạo Củ Chi (Ảnh minh họa: news.zing.vn).
Cửa vào địa đạo Củ Chi (Ảnh minh họa: news.zing.vn).

Mỗi địa đạo (như địa đạo Củ Chi, địa đạo Vịnh Mốc...) còn là hình ảnh thu nhỏ của một làng quê được kiến tạo dưới lòng đất. Đường hầm chính là đường làng, các ô đất là các căn hộ gia đình. Làng hầm còn có hội trường, giếng nước, nhà trẻ, hộ sinh, trạm xá...

Do tính chất phát triển của cuộc chiến đấu, do đặc điểm của địa hình và địa chất mà cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta sáng tạo ra địa đạo mang tính năng động để vừa trú ém bảo toàn lực lượng vừa phòng chống và phát huy thế tiến công tiêu diệt địch với hiệu quả ngày càng cao.

Do đó, nghệ thuật chiến tranh nhân dân ngày càng phát triển, địa đạo càng phát huy tác dụng to lớn trong chiến đấu.

Với sự phát triển nhanh chóng, rộng rãi, liên hoàn, đa dạng... đã tạo ra thế trận độc đáo và hiểm yếu như "mê hồn trận" đối với kẻ thù.

Bất kỳ máy bay, xe tăng, bộ binh, biệt kích... vào khu vực địa đạo đều bị tiêu diệt với mọi hình thức tác chiến của bộ đội và du kích.

Hệ thống địa đạo thực sự trở thành nỗi kinh hoàng đối với quân xâm lược và bọn tay sai. Trên thực tế số lượng địch và phương tiện chiến tranh của chúng bị tiêu diệt trong vùng căn cứ địa đạo rất cao so với những vùng khác.

Từ sự sáng tạo và ý chí quyết thắng cao độ mà ta chuyển địa đạo từ thế thụ động bảo vệ thành thế năng động tiến công, đưa địa đạo lên nghệ thuật chiến tranh nhân dân đỉnh cao đặc biệt là trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.

Đất nước Việt Nam trải qua quá trình chiến tranh lâu dài và ác liệt. Sau những chiến thắng của lớp lớp cha anh đi trước đã để lại rất nhiều di sản cho các thế hệ mai sau.

Và hệ thống địa đạo là một trong những gì thể hiện giá trị lịch sử, ý chí đấu tranh và tài quân sự mưu lược của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Đại tá ĐẶNG VIỆT THỦY