Điện Biên xuân này có các anh...!

11/02/2013 07:00
Tâm Đức
(GDVN) - Sau bao năm xa cách, chúng tôi trở lại Tây Bắc những ngày cuối năm. Dưới làn sương mờ đậm đặc, Tây Bắc dần hiện lên với cơ man của hoa ban, hoa đào khiến cho cái rét mướt nơi miền biên ải này cũng xua tan được hơi ấm của mùa xuân. Xuân đã về trên từng rẻo cao biên giới, luồn lách vào tận bản làng... nơi đó thấm đượm tình quân dân.
Cung đường đến với mùa xuân
Người ta vẫn thường bảo, Tây Bắc đẹp nhất vào mùa khô, đặc biệt là thủ phủ của vùng Tây Bắc, đó chính là tỉnh Điện Biên. Bởi nơi đó đường lên xa vút, ngút ngàn trong mây, trong sương và bạt ngàn hoa lá.
Từ Hà Nội lên Điện Biên phải đi qua đèo Pha Đin có đội dài 32km. Theo tiếng Thái, Pha Din có nghĩa là “Trời - Đất”, Pha Đin nghĩa là trời đất. Người Thái vẫn than "Phạ ơi!" dịch ra tiếng Kinh là "trời ơi"; "Pha" ở đây gọi chệch từ Phạ, có nghĩa là "cha trời", còn "Đin" là mẹ đất.

Cái tên này xuất phát từ đặc điểm của đỉnh núi chan hòa giữa không trung bao la đất trời, như là nơi giao hòa của Trời - Đất. Gắn với đỉnh núi có một truyền thuyết: Xửa xưa, khi người dân cư trú hai bên vùng núi tranh chấp bất phân thắng bại, mới nghĩ ra một kế để phân chia đất là đua ngựa.

Ngựa của Lai Châu và Sơn La cùng xuất phát từ hai đằng phía xa. Ngựa chạy đến đâu, phần đất thuộc về địa phận bộ lạc đó cho đến khi gặp nhau. Kết quả là ngựa Lai Châu chạy nhanh hơn một chút nên phần đất thuộc về Lai Châu rộng hơn một chút. Điểm gặp nhau của đôi ngựa chính là đỉnh đèo Pha Đin. 

Hoa dã quỳ nở trên núi rừng Tây Bắc, đây là đoạn đường lên với Tây Bắc.
Hoa dã quỳ nở trên núi rừng Tây Bắc, đây là đoạn đường lên với Tây Bắc. 

Từ đỉnh đèo nhìn xuống, Pha Đin hiện ra một địa thế rất hiểm trở, chênh vênh, con đường mỏng manh vắt vẻo giữa một bên là vách núi và một bên là vực sâu hun hút. Độ dốc của đèo khoảng 10%, có chỗ 12% đến 15%, thậm chí có những đoạn cua ngược dốc cục bộ 19%. Lúc lên dốc và xuống dốc, con đường đèo ngoằn ngoèo với 8 cung đường cua hết sức nguy hiểm, bán kính đường cong dưới 15m và bên cạnh đó là vô số các khúc cua tay áo, trong đó có nhiều đoạn chỉ đủ cho một ô tô đi qua.

Lên Tây Bắc mùa này rét lắm, những cơn gió lạnh thốc vào da thịt, khô rát nhưng trước một khoảng rừng miên man màu vàng mềm mại của hoa dã quỳ pha lẫn với màu sương núi tạo nên không khí ấm áp xua tan cái rét như cắt da cắt thịt nơi miền biên giới xa xôi. 
Đặt chân đến các Đồn biên phòng tỉnh Điện Biên đúng thời điểm tết Nguyên Đán cận kề. Thế nhưng, với lính biên phòng Thanh Luông thì mùa xuân mới cũng là mùa chiến dịch. Bởi lẽ, tội phạm vẫn thường lợi dụng thời điểm cuối năm, lợi dụng thời tiết khô ráo để tích cực hoạt động và những chiến sỹ miền biên viễn lại căng mắt để theo sát từng cử chỉ, hành động của tội phạm nhằm ngăn chặn kịp thời giúp bản làng đón mùa xuân mới ấm áp, thanh bình và hạnh phúc. Ai đã một lần lên biên giới, cùng ăn, cùng ở và cùng tuần tra với các chiến sĩ biên phòng mới thấu hiểu  những nối vất vả của các anh, đặc biệt là những ngày giáp tết này. 
 Những người lính "ba bám , bốn cùng"

Đồn biên phòng Thanh Luông (Bộ đội biên phòng Điện Biên) quản lý 3 xã Thanh Luông, Thanh Lưa và Thanh Hưng  thuộc huyện Điện Biên Đông. Theo lời kể hóm hỉnh của Chính trị viên Nhâm Văn Mạnh thì  do đồn quản lý địa bàn rộng nên hầu như ngày nào các chiến sĩ của đồn cũng phải thay phiên tổ chức nhóm đi tuần đường biên, kiểm tra cột mốc, nhóm vào bản giúp dân sản xuất, hỗ trợ tổ tự quản đẩy đuổi, triệt phá các tụ điểm tiêm chích, buôn bán lẻ... 

Những người lính "ba bám, bốn cùng" với người dân.
Những người lính "ba bám, bốn cùng" với người dân.

Đồn trưởng, Thượng tá Bùi Ngọc Sơn vừa từ đồn Mường Nhé về chưa đầy 1 năm nói thêm “Thanh Luông là xã biên giới, địa hình hiểm trở và chia cắt nhưng do giáp với thành phố nên tội phạm về an ninh chính trị, về buôn bán ma túy tiềm ẩn rất lớn. Chính vì thế mà lính ở đồn cứ đi suốt, chỉ có ngày đầu tuần về giao ban với đơn vị, báo cáo tình hình rồi lại khăn gói đi rừng, xuống bản, ăn ở với dân".

 " Ba bám, bốn cùng” là bám dân, bám địa bàn, bám trọng điểm. Cùng ăn, cùng ở, cùng bàn, cùng làm việc với dân. Các anh đùa rằng, ở thành phố thi đua học ngoại ngữ thì ở đây các anh phải học tiếng dân tộc, tiếng của đồng bào: Thái, Mông, Khơ Mú. Đã từ lâu,  các anh là những  thầy giáo, thầy thuốc, là cán bộ xã, cán bộ thôn, là kỹ thuật viên dạy nông dân cấy lúa, trồng màu, nuôi cá. Các anh đến từng nhà, từng thôn bản để tìm hiểu phong tục và cả thói quen của người dân bản từ đó để hướng dẫn, vận động bà con học theo nếp sống mới, dạy cho các em con chữ, chữa bệnh cho dân làng, rồi lên rẩy trồng cây, tỉa bắp với bà con...
Vận động người dân định cư, xoá đói, giảm nghèo, xóa hủ tục và giúp dân phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội luôn được Bộ đội biên phòng Điện Biên  coi là một trong những giải pháp hiệu quả để giữ vững an ninh biên giới…
Quả đúng thế. Khi chúng tôi xuống xã Thanh Luông, thiếu tá Trần Đình Hường đang cuốc đất với gia đình ông Quàng Văn Miến ở đội 15, để trồng cây vụ đông. Là người đi đầu trong phong trào giúp dân phát triển kinh tế do đồn biên phòng Thanh Luông thực hiện đã mấy năm nay, anh Hường vẫn cắm chốt ở Thanh Luông chẳng khác nào một kỹ sư nông nghiệp. Anh bảo mỗi thôn bản chỉ làm sao vận động được một gia đình tham gia mô hình sản xuất do bộ đội giúp là những nhà khác sẽ học theo.
Thiếu tá Hường cho biết, đầu tiên làm điểm ở đội 15, sau đó chuyến sang đội 6 và cuối cùng là đội Hua Pe. Mỗi bản giúp đỡ 1 hoặc 2 gia đình và sau đó họ nhân rộng lên cả bản. “Tùy theo địa hình, quỹ đất của từng gia đình, các anh hỗ trợ giống để nhà có ao rộng thì thả cá, có vườn thì trồng dưa, trồng lạc, trồng ngô hay xen canh cá, lúa. Tính đến nay đã có hơn 10 hộ trong xã được biên phòng Thanh Luông giúp phát triển kinh tế, được bà con trong bản nhìn vào học tập. Bình quân thu nhập đầu người là trên 6 triệu đồng/ người/ năm”, anh Hường nói.

Nụ cười của những đứa trẻ Tây Bắc.
Nụ cười của những đứa trẻ Tây Bắc.

Nhiều gia đình, tài sản đầu tiên chỉ có 1 cái giường, 1 cái ti vi, vài cái nồi cũ. Nhưng sau 1 năm được giúp đỡ con giống, vật nuôi làm ăn, kinh tế đã khá hơn. Cán bộ biên phòng xuống hỏi han, vận động bà con đầu tư con giống, cây giống. Các hộ gia đình nhiệt tình hưởng ứng.
Cũng theo Thiếu tá Hường, từ kinh nghiệm tăng gia sản xuất ở  đơn vị và xuất phát từ  những kinh nghiệm từ quê hương, các anh cũng tìm tòi đọc sách nông nghiệp để hướng dẫn bà con. Đầu tiên giúp gia đình ông Lường Văn Hoa, là hộ khó khăn, chăn nuôi luôn trong nhà. các anh vận động xây dựng chuồng trại riêng, làm vườn, làm ao. có những gia đình chỉ làm vườn cũng mang lại thu nhập ổn định. Với số vốn ban đầu là 500.000 đồng đầu tư vào trồng dưa, trồng lạc, sau 1 vụ thu được 2,5triệu. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, không cần đi chợ mà các tiểu thương đến tận ruộng mua nên dân rất yên tâm. 
 Bà con trong xã thường hỗ trợ giúp đỡ nhau các kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi để cùng nhau phát triển.  Nhờ phát triển kinh tế, nhiều hộ giàu lắm, có hộ thu nhập 100 triệu đồng/ năm. Năm  nay, Đồn biên phòng Thanh  Luông tập trung giúp đỡ 3 hộ ở bản Hua Pe cá giống làm mô hình cá lúa, dựa theo chương trình của khuyến nông- thả cá trên ruộng lúa. Đây là mô hình dầu tiên thực hiện ở Điện Biên.

Bản Hua Pe có 23 hộ, tất cả là dân tộc Khơ Mú. Ngoài những lúc xuống bản giúp đồng bào làm kinh tế, các chiến sĩ biên phòng còn thay nhau đi tuần tra đường biên, mốc giới. Anh Quàng Văn Mun, một hộ nuôi cá cho biết, anh nuôi hơn 1000 con cá rô phi và chép. Cá phát triển rất tốt và  sắp được thu hoạch. Với những nỗ lực của cán bộ chiến sĩ, nhiều năm qua, Đồn biên phòng Thanh Luông lien tục đạt danh hiệu quyết thắng, có nhiều đơn vị bạn đến thăm quan học tập. 
Thanh Luông có 4 dân tộc, chủ yếu là người Thái  chiếm 70%, người Kinh, Khơ Mú và người Tày nên nếp ăn, nếp nghĩ của đồng bào vẫn theo lối tự nhiên. Những ngày đầu vận động thật khó bởi không dễ người dân bỏ được tập quán: người ở trên sàn còn vật nuôi sống bên dưới. Bộ đội vào vận động, thả cá cho dân nuôi nhưng chỉ được vài hôm là dân mang màn ra bắt về nấu canh, hạt giống cho thì đem ra ăn hết,… 
Kinh nghiệm của các chiến sĩ biên phòng khi  tham gia công tác dân vận, trước hết phải chủ động được kế hoạch của mình, sau dó kịp thời tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền địa phương trên tất cả các lĩnh vực công tác sao cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương, từng cơ sở. Đặc biệt phải luôn luôn sâu sát xuống dân để hiểu được tâm tư nguyện vọng của họ, từ đó có hướng tham mưu cho chính quyền địa phương giải quyết thỏa đáng nguyện vọng của dân. 
Các chiến sĩ cho biết, dân tuy nghèo nhưng quý mến cán bộ, thời gian đầu các anh lên công tác ở bản Huổi Lóng, dân rất đói. Các chiến sĩ mang theo mỳ tôm, lương khô chuẩn bị  ăn trong 1 tuần. Khi nhìn thấy trẻ con trong bản không có gì ăn, các anh đã chia lương khô và mỳ cho bọn trẻ. Còn người lớn trong bản ăn mèn mén và củ nâu rừng ngâm nước.  ăn ngái và rất đắng nhưng vì đói quá nên bà con vẫn phải ăn. Nhiều người dân thấy cán bộ đến đã chạy đi vay gạo nấu cho các anh ăn. Nhưng các anh đã nói, cơm, mỳ tôm và lương khô thì nhường cho các cụ và trẻ em.

Còn bộ đội thì ăn cùng với dân, dân ăn gì, các anh cũng ăn được. Rồi các anh cũng ăn củ nâu với bà con. Đó là kỷ niệm sâu sắc nhất của thiếu tá Hường và các chiến sĩ trong đồn. Lần khác khi đến gia đình một anh trưởng bản tên là Giàng A Tếnh, gia đình có 9 người,. Các anh  cùng dự bữa trưa với gia chủ,  cả quân và dân tất cả 12 người, chỉ có 1 quả trứng rán lên sau đó dầm nát ra và cho 2 quả bầu vào làm canh ăn với mèn mén cho đỡ nghẹn. Sau này về đồn, thiếu tá Hường còn đùa rằng, 12 người không ăn hết 1 quả trứng.
Chia tay với những chiến sĩ biên phòng Thanh Luông, xa những dãy núi mờ sương trở về phố thị cùng gia đình vui Tết, đón Xuân, chúng tôi hiểu rằng niềm vui và hạnh phúc đoàn tụ trong những dịp Tết đến xuân về mà mình đang được hưởng có sự đóng góp rất lớn của mỗi cán bộ chiến sĩ biên phòng đang từng ngày, từng giờ bảo vệ biên cương.
Tâm Đức