Diễn biến mới trong vụ “mặt đường phát nổ" ở TP Hồ Chí Minh

31/10/2013 16:25
Ngọc Luân
(GDVN) - Tin từ Sở Khoa học Công nghệ TP. HCM vào chiều nay, ngày 31/10/2013, cho biết, hiện các nhà khoa học của TP. HCM vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân của hiện tượng khác thường: “mặt đường phát nổ”. Đơn vị đặc trách về điện lực địa phương cũng bác bỏ khả năng hiện tượng khác lạ này là do chập điện gây ra.

Trước đó, trao đổi với PV Báo Giáo Dục Việt Nam, ông Phan Minh Tân - Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP. HCM nhận định: kết quả quả phân tích mẫu đất được thu nhận tại hố phun lửa trên đường Bình Lợi quận Bình Thạnh, cho thấy không có gì đặc biệt, trong khi mẫu khí có hàm lượng khí mê-tan cao hơn so với bình thường gấp nhiều lần.

Các nhà khoa học đầu ngành tại TP. HCM đang kiểm tra các mẫu đất thu được dưới lòng "hố đen"
Các nhà khoa học đầu ngành tại TP. HCM đang kiểm tra các mẫu đất thu được dưới lòng "hố đen"

Ông Tân cho biết thêm: “Hiện vẫn chưa thể đưa ra nhận định gì, bởi số liệu thu thập còn quá ít. Chúng tôi đã cho người thu thập thêm mới có thể đưa ra các đánh giá, có thể một hai ngày tới sẽ có kết quả cụ thể, chính xác.”

Và, từ sáng ngày hôm nay, các cán bộ chuyên môn của Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm thuộc Sở Khoa học Công nghệ TP. HCM đã tiếp tục đến hiện trường “hố đen” kỳ lạ này để lấy thêm mẫu vật mang về phòng thí nghiệm phân tích.

Đến hôm nay, hiện tượng nổ tóe lửa và phun khói đã không còn được ghi nhận nữa. Tuy vậy, một thiết bị soi sáng được đơn vị chuyên môn này thả xuống hố đã rọi rõ hình ảnh: nước dưới “hố đen” đang có hiện tượng sủi bọt, như đang sôi lên. Nhiệt độ trong lòng “hố đen” các nhà khoa học đo được là hơn 50 độ C.

Đặc biệt, trong quá trình tiếp cận với “hố đen” này, các nhà khoa học cũng ghi nhận được đậm đặc mùi nồng hắc nghi do chất lưu huỳnh tạo nên.  

Thu thập thêm không khí dưới "hố đen" để mang về phòng thí nghiệm phân tích
Thu thập thêm không khí dưới "hố đen" để mang về phòng thí nghiệm phân tích

Theo lời nhiều người dân trong khu vực, cách đây khoảng 2 tháng tại vị trí “mặt đường phát nổ” có nhóm công nhân điện lực thuộc công ty điện lực Gia Định đến đào lên để lắp đặt hệ thống đường cáp ngầm. Nhiều ý kiến phỏng đoán, có thể nước triều cường dâng cao trong đợt lũ lịch sử vừa qua đã gây ra hiện tượng chạm điện, dẫn đến hiện tượng “kỳ bí” như trên. 

Tuy nhiên, thông tin từ phía công ty điện lực Gia Định - đơn vị quản lý đường cáp ngầm này cho biết, trong những ngày qua, đường dây điện ở khu vực vẫn hoạt động cung cấp điện bình thường, không có hiện tượng điện bị chập chờn.

Tiếp tục khoan sâu xuống mặt đường để thu thập mẫu khoáng chất
Tiếp tục khoan sâu xuống mặt đường để thu thập mẫu khoáng chất 

Theo ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc công ty điện lực Gia Định: “Tại vị trí xảy ra sự cố có cáp ngầm, tuy vậy khả năng rò điện, gây nổ và phụt lửa là khó có thể xảy ra. Ngoài ra, nếu có rò rỉ thì hệ thống cầu chì sẽ tự động ngắt nên khó có thể xảy ra hiện tượng phóng điện nhiều lần.”

Mặt khác, khi tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia địa chất, từ những mô tả tại hiện trường vụ việc, thì nhiều chuyên gia nghiêng về khả năng hiện tượng này xảy ra là do quá trình hoạt động của địa chất tự nhiên ở khu vực này. Theo đó, quá trình đầm lầy hóa đã làm tích tụ các vật liệu hữu cơ, và sau một thời gian sẽ giải phóng ra một số loại khí dễ cháy như: mêtan, carbon hydro...  Nếu gặp điều kiện thuận lợi, chúng sẽ thoát ra và có thể bắt lửa, hay hình thành khói...

Hiện tại hu vực hiện trường của “hố đen” kỳ lạ này vẫn đang được lực lượng chức năng phong tỏa và bảo vệ nghiêm ngặt nhằm đảm bảo an toàn cho người dân địa phương, trước khi các nhà khoa học có lời giải thỏa đáng cho hiện tượng kỳ lạ này.

Trước đó, như Báo Giáo Dục Việt Nam đã thông tin, vào ngày 29/10/2013, người dân sống trong khu vực phường 13 – quận Bình Thạnh – TP. HCM đã được một phen khiếp vía khi bỗng nhiên mặt đường ngay trước căn nhà 236 đường Bình Lợi, phát nổ và tóe lửa, phun khói như miệng núi lửa.

Sau khi nhận được tin báo của người dân, các lực lượng chuyên môn đã tiến hành phong tỏa hiện trường và tích cực khảo nghiệm, thu thập các mẫu đất đá, không khí và nước tại hiện trường để xác định nguyên nhân hiện tượng khác thường này.

Ngọc Luân