"Điều hành giá xăng: Công khai minh bạch thì hết cãi nhau"

27/09/2011 06:15
Tư Bùi
(GDVN) - "Có chuyện tranh cãi là xuất phát từ cơ chế hiện nay. Muốn chấm dứt tình trạng này thì phải công khai, minh bạch", ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Bên lề phiên họp của UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách của QH, ông Phùng Quốc Hiển đã có trả lời báo chí xung quanh dự án Luật Giá sẽ khắc chế được giá xăng dầu đang gây nhiều bức xúc cho người tiêu dùng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách của QH, ông Phùng Quốc Hiển
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách của QH, ông Phùng Quốc Hiển

PV: Thưa ông, người dân cả nước đang mong chờ về Luật giá ra đời sẽ quy định cụ thể và có những tác động tích cực đến việc bình ổn giá trên thị trường. Vậy sau khi có hiệu lực, Luật này sẽ quy định việc bình ổn giá như thế nào?

Ông Phùng Quốc Hiển: Trong dự luật đã quy định rõ về các biện pháp bình ổn giá. Trong đó có biện pháp về kinh tế, biện pháp hành chính và dùng cả quỹ bình ổn… Tuy nhiên, trong dự luật đã không làm rõ khi nào thì được áp dụng các biện pháp này.

Vì thế trong báo cáo thẩm tra dự án luật của Ủy ban Tài chính và ngân sách đã góp ý rõ thời điểm được phép áp dụng các biện pháp bình ổn giá như trong điều kiện bình thường thì áp dụng biện pháp kinh tế, còn trong điều kiện khẩn cấp như bão lũ thì áp dụng biện pháp hành chính để tráng thừa nước đục thả câu.

Về nguyên tắc là vẫn theo quy luật cung cầu nhưng cũng cần thiết phải quản lý đề bình ổn giá một số nhóm hàng hóa. Và Ủy ban Tài chính và ngân sách muốn quy định cụ thể loại hàng hóa có sự quản lý giá ngay trong luật. Tuy nhiên, xu thế là loại hàng hóa cần bình ổn giá sẽ phải hẹp dần lại và chỉ còn một số hàng hóa hết sức thiết yếu để theo nguyên tắc kinh tế thị trường.

PV: Vậy mặt hàng xăng dầu thì dự Luật Giá sẽ quản lý theo hướng nào? Luật Giá được ban hành có chấm dứt được quan điểm khác nhau đối với vấn đề giá xăng dầu giữa Bộ Tài chính và Công thương không thưa ông?

Ông Phùng Quốc Hiển: Đúng là một trong những mặt hàng cần có chính sách bình ổn và biện pháp là dùng quỹ bình ổn giá áp dụng.

Ở đây có chuyện tranh cãi là xuất phát từ cơ chế hiện nay. Muốn chấm dứt tình trạng này thì phải công khai, minh bạch. Mà trước hết phải minh bạch từ hệ thống luật pháp từ luật đến nghị định, thông tư. Còn nếu cứ chưa rõ thì sẽ dẫn đến xung đột giữa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Nếu không có hài hòa 3 lợi ích, bên nặng, bên nhẹ thì xung đột sẽ còn diễn ra.

PV: Như Ủy ban Tài chính và ngân sách góp ý cần áp dụng cơ chế ý kiến tập thể trong việc quyết định liên quan đến chính sách giá. Ông có đồng tình với quan điểm này?

Ông Phùng Quốc Hiển:
Đúng là như vậy. Luật cần quy định rõ loại mặt hàng nào, trong điều kiện ra sao thì phải do tập thể quyết định để tránh lợi ích cá nhân. Nhưng cũng có mặt hàng vào một thời điểm nhất định sẽ do cá nhân quyết định. Tuy nhiên, phải có điều kiện cụ thể kèm theo như khi có bão lũ.

PV: Để chống độc quyền xăng dầu, dẫn đến sự thao túng về giá thì vấn đề mấu chốt vẫn là chống độc quyền trong phân phối?

Ông Phùng Quốc Hiển:
Việt Nam đã có Luật chống độc quyền để ngăn chặn việc này. Tuy nhiên, phải hiểu thêm rằng đối với các mặt hàng quan trọng như điện, xăng dầu thì vấn đề điều hành giá, độc quyền, vai trò của Nhà nước… là vấn đề của nhiều nước, kể cả nước kinh tế phát triển. Như Việt Nam có 3-4 tập đoàn kinh doanh xăng dầu dẫn đến những bức xúc về độc quyền thì lâu dài sẽ phải có cơ chế để chống độc quyền để đảm bảo lợi ích 3 phía Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

PV: Chi phí trong kinh doanh mặt hàng xăng dầu dường như chưa được công khai đúng mức, dẫn đến quan điểm trái chiều của Bộ Tài chính và Công thương cũng như từ phía người tiêu dùng và giới chuyên gia? Ông đánh giá gì về việc này?

Ông Phùng Quốc Hiển:
Yêu cầu của Luật Giá là phải giải quyết được vấn đề này. Ủy ban đang yêu cầu làm rõ quy định về định giá để làm rõ khái niệm như thế nào là giá thành hợp lý. Làm rõ những chi phí, cách tính chi phí từ tiền lương, khấu hao… trong luật.

PV: Giới chuyên môn cho rằng, hiện Bộ Tài chính có đủ điều kiện để kiểm tra các doanh nghiệp xăng dầu mà không cần phải trông chờ vào sự tự giác báo cáo của doanh nghiệp? Vấn đề là Bộ Tài chính có quyết liệt làm hay không? ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?.

Ông Phùng Quốc Hiển: Bộ Tài chính đang quyết liệt. Nhưng không nên so sánh với thời kỳ trước là chưa quyết liệt. Đối với vấn đề giá xăng dầu, các ý kiến góp ý trái chiều, mâu thuẫn nhau là cần thiết. Không có chuyện bí mật nguồn cung để đảm bảo an ninh năng lượng ở đây. Tất cả những việc gì liên quan đến đời sống, sản xuất của người dân và doanh nghiệp thì cần phải công khai, minh bạch.

PV: xin cảm ơn ông!

Tư Bùi