Đoạn kết đớn đau của "Chí Phèo đương đại"

06/01/2018 06:07
Trương Khắc Trà
(GDVN) - Một lần nữa câu nói của Chí Phèo "ai cho tôi làm người lương thiện" lại trở về và hiển hiện rõ ràng qua vụ án mạng này.

Ngày 1/11/2016, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết "Bá Kiến phiên bản mới và những Chí Phèo đương đại".

Khi chắp bút cho bài báo đó lòng tôi rối bời nghĩ suy, không biết trái tim nóng có đặt trúng chỗ?

Không biết có cảm tính trao lòng thương cho một kẻ cầm súng bắn người?

Thế nhưng linh cảm mách bảo phải xuống bút viết vài dòng.

Bài viết may mắn được tòa soạn đăng tải. Hơn 1 năm 1 tháng trôi qua, bài báo nhận được 3,7 nghìn lượt thích – một con số không phải tờ báo nào cũng diễm phúc có được.

Xin được trích nguyên văn một bình luận dưới bài báo của bạn đọc Hai Sương:

"Tôi đọc bài này mà nước mắt rươm rướm. Giáo dục Việt Nam là một trong số ít tờ báo thông cảm và bênh vực thân phận những người trực tiếp làm ra của cải nuôi dưỡng xã hội nhưng nghèo khó như Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng Hải Phòng, như Đặng Văn Hiến ở Đắc Nông v.v.

Phải! Chính bọn cường hào ác bá đó đẩy những người dân lương thiện kia vào con đường tội lỗi.

Cám ơn tác giả Xuân Dương, tác giả Trương Khắc Trà v.v. Cám ơn Giáo dục Việt Nam".

Sáng nay, như thường lệ, thói quen của một người có máu làm báo chảy thường trực trong huyết quản phải lướt qua một vòng dăm bảy trang báo trước khi bắt tay vào việc.

Cái lấn cấn của ngày mới sẽ bớt lại nếu như không thấy thông tin "Chí Phèo đương đại" trong bài báo cách đây hơn một năm đã bị tuyên án tử.

Bị cáo Đặng Văn Hiến bị đề nghị án tử hình. (Ảnh: Laodong.vn)
Bị cáo Đặng Văn Hiến bị đề nghị án tử hình. (Ảnh: Laodong.vn)

Khung hình chụp ba anh em hung thủ mà anh phóng viên nào đó chắc còn thương xót nên chọn góc máy ghi lại ba khuôn mặt bần thần non choẹt.

Nhìn nhân tướng học tội phạm không ai nói đó là những kẻ chuyên cầm súng bắn người nếu bức hình không nằm dưới tựa đề bài báo.

Anh là Đặng Văn Hiến – người cầm súng thể thao bắn 30 phát đạn khiến 3 người của Công ty Long Sơn tử vong, 13 người bị thương từ 6 đến 54%.

Theo Hội đồng xét xử, sáng 23/10/2016, do tranh chấp đất đai dai dẳng không được giải quyết.

Công ty Long Sơn dẫn theo khoảng 30 người với trang bị khiên chắn, dao rựa, đá cục thẳng tiến đến vườn điều gia đình anh Hiến để san ủi. 

Đáng nói, lý do khiến anh Hiến nổ súng là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Long Sơn tổ chức san ủi, giải tỏa vườn cây nơi gia đình anh canh tác mà theo Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắc Nông, khu vực đất xảy ra tranh chấp chưa thể khẳng định là thuộc sở hữu của công ty này.

Đoạn kết đớn đau của "Chí Phèo đương đại" ảnh 2"Bá Kiến phiên bản mới và những Chí phèo đương đại"

Đồng thời Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp có hoạt động tranh chấp đất với người dân giữ nguyên hiện trường.

Khi chắp bút viết tiếp bài này, lòng vẫn rối bời tự vấn.

Khi thần công lý đã lạnh lùng giáng xuống thanh gươm, khi chiếc cân đã nảy vệt mực đúng chỗ: Giết người phải đền tội!

Nhưng không hiểu sao vẫn còn đó những câu hỏi giá như…?

Giá như đôi bên tôn trọng quyết định của cơ quan chức năng;

Giá như không có một lực lượng gần bằng 3 tiểu đội có trang bị xông vào đạp đổ bát cơm của người nghèo;

Giá như anh Hiến bớt nóng nảy; Giá như chính quyền dứt khoát rốt ráo ngay từ đầu…!

Thì đã không mất đi 4 mạng người oan uổng và bôi một vết đen lên công lý.

Người bị ép vào thế cùng lực tận chống hàng chục người mà chẳng thấy công an hay chính quyền đứng ra ngăn cản, để phải xảy ra cảnh người chết như thế.

Tôi vẫn hay tự vấn chính mình tại sao. Tại sao một con chim chào mào của vị quan trẻ ở Quảng Nam bị mất, lập tức công an sốt sắng vào cuộc dốc hết sức để bắt kẻ đạo chích?

Tại sao tai ương với người dân thì không thấy sự sốt sắng như vậy từ những người có chức trách?

Phải chăng luật dành cho quan và luật dành cho dân vẫn còn một độ vênh nào đó?

Cứ tưởng rằng cái tựa bài báo "Bá Kiến phiên bản mới và những Chí Phèo đương đại" chỉ là cái cớ để luận cổ suy kim, nhưng không ngờ rằng khi mà thực tế còn quá nhiều những "Chí Phèo", "Bá Kiến" tồn tại quanh ta.

Không biết khi đọc kết quả bản án này những "công bộc" Đắc Nông có cảm thấy xa xót cho những thần dân hiền lành của mình đối diện với hình phạt nghiệt ngã.

Đoạn kết đớn đau của "Chí Phèo đương đại" ảnh 3Những Bá Kiến trong ngành giáo dục

Mà nếu sự sốt sắng, sự gấp rút, sự quyết tâm được bơm thêm động lực để hành động có lẽ nỗi đau không lớn như thế.

Rằng ý chí của cơ quan công quyền không chỉ nằm trên tờ giấy trắng mực đen!

Không biết những người mũ cao áo dài có cảm thấy tội lỗi, không biết ít ra có những cái "rút kinh nghiệm xương máu", "rút kinh nghiệm sâu sắc" hay không.

Chính quyền, các ban bệ đoàn thể ở đâu trong thời gian "tranh chấp dai dẳng", chẳng nhẽ một lực lượng đến vài chục người mang hung khí rầm rập tiến vào phá nhà người khác mà không một ai hay biết!

Ai có thể tính hết hậu quả của sự vô cảm, tắc trách? Ai có thể bù đắp lại mất mát cho những gia đình có người mất mạng sống?

Rồi vợ con họ sẽ sống sao trong những ngày tiếp theo khi gia đình mất đi trụ cột?

Bọn trẻ có đủ sức gánh chịu áp lực khi cha chúng là tử tù, có đủ dũng cảm vượt qua định kiến xã hội để sống tốt hay cũng manh nha trở thành những Chí Phèo phiên bản mới.

Với người nông dân, không có đất đồng nghĩa với sợi dây thòng lọng cuốn vào cổ bị siết lại dần dần, cái chết còn kinh khủng hơn một liều thuốc độc được tiêm vào cơ thể.

Một lần nữa câu nói của Chí Phèo "ai cho tôi làm người lương thiện" lại trở về và hiển hiện rõ ràng qua vụ án mạng này.

Nhưng cũng chính Chí Phèo thốt ra "Tao không thể là người lương thiện nữa".

Có thể anh Chí của Nam Cao vì những mảnh xước, vết sẹo trên mặt nên nhận ra mình không thể lương thiện được nữa.

Còn những anh Chí ngày nay – họ phải đối diện với định kiến, với sự đào thải nghiệt ngã của chủ nghĩa nhân thân, lý lịch.

Trương Khắc Trà