Độc nhất vô nhị lễ hội “quan thề” không tham nhũng

14/02/2014 14:12
Dương Thùy
(GDVN) - Người dân nơi đây gọi nôm na đây là lễ hội “quan thề” không tham nhũng, với nhiều nét độc đáo mang ý nghĩa giáo dục đạo lý nhân cách.

Vào ngày 14 tháng Giêng hàng năm, người dân làng Hòa Liễu (xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) tề tựu đông đủ về đền Hòa Liễu dự Lễ hội Minh thề, mà người dân nơi đây gọi nôm na là lễ hội “quan thề” không tham nhũng.

8 giờ sáng, người dân đổ về tham dự lễ hội chật cứng cả sân đền Hòa Liễu. Sau ba hồi trống khai hội của chủ lễ, các vị bồi lễ đọc chúc văn lai lịch công đức của thánh vương. Sau đó, chủ tế bước ra đài thề làm lễ dâng hương, dâng rượu, dâng nước.

Chủ tế và các vị bồi tế phải là những người có chức sắc trong làng, được mặc áo đen. Trong tiếng nhạc “rước lưu thủy”, một người mặc áo đỏ cầm kiếm lệnh đi trước, người mặc áo vàng cầm cờ thanh đạo đi sau vào đền rước lần lượt các vị kỳ lão, chức sắc ra đài thề, rước một con dao bầu và con gà trống chân vàng, lông vàng đặt lên đài thề.

Sau khi chủ tế và các vị bồi tế đã yên vị, chủ tế vái bốn lạy, là lúc con dao bầu được chuyển từ trên đài thề xuống. Chủ tế cầm con dao cắm mạnh xuống đất, chỗ cắm dao được gọi là điểm thiêng. Chủ tế rút dao lên vẽ một vòng tròn đường kính khoảng 2m quanh điểm thiêng gọi là vòng thiêng, rồi cắm con dao lại điểm thiêng. Lúc này, đại diện tư văn dõng dạc đọc hịch Văn thề.

Bài hịch được đọc xong, mọi người cùng hô vang câu “Y như lời thề”, chủ tế rút dao bầu từ điểm thiêng tiến đến đài thề cắt tiết gà với sự giúp đỡ của lính áo vàng, nhỏ huyết vào bình rượu trên đài thề. Rượu được chuyển cho chủ tế và các vị bồi tế uống như thể ghi nhận lời thề đã tấu lên trước đó. Rượu được chuyển ra ngoài cho các vị cao niên trong làng và người dân uống truyền tay nhau uống một ngụm để khẳng định sự đoàn kết thực hiện đúng lời thề.

Sau lễ hội Minh Thề trang nghiêm là lễ trình văn, đại diện chính quyền địa phương, các ban ngành, các dòng họ quanh vùng vào đền dâng hương. 

Theo sử sách còn lưu lại, Lễ hội Minh thề có lịch sử gần 500 năm (từ nhưng năm 1561). Ông Phạm Đăng Khoa, nguyên Phó Trưởng ban quản lý di tích, người dày công tìm kiếm tư liệu, đi thực tế để để phục hồi lại lễ hội cho biết: “Lễ hội Minh thề với nhiều ý nghĩ giáo dục đạo lý nhân cách. Hội Minh thề chủ trương xây dựng cuộc sống tốt đẹp trong làng xóm, vì việc công chống lại việc biến của công thành của tư. Các trường học ở địa phương các thầy cô giáo cũng giảng dạy tư tưởng, nội dung Văn thề cho các em học sinh. Các dòng họ trong làng cũng lấy nội dung Văn thề để giáo dục con cháu”./.

Hình ảnh lễ hội Minh thề diễn ra tại làng Hòa Liễu vào ngày 14 tháng Giêng hằng năm: 

Những chức sắc tuyên thề sẽ được uống rượu tiết gà trống vàng.
Những chức sắc tuyên thề sẽ được uống rượu tiết gà trống vàng.
Chức sắc trong làng chuẩn bị tuyên thề.
Chức sắc trong làng chuẩn bị tuyên thề.
Cắt tiết gà trống vàng để lấy máu ăn thề.
Cắt tiết gà trống vàng để lấy máu ăn thề.
Dương Thùy