Đôi điều với Bí thư Trương Quang Nghĩa về quản lý đô thị

10/07/2018 06:00
Duy Nguyên
(GDVN) - Nếu cứ giữ cách suy nghĩ của vị Bí thư phát biểu (theo chúng tôi) thì rất khó hy vọng tiếp tục có một thành phố đáng sống và phát triển bền vững.

LTS: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của một chuyên gia hàng đầu về xây dựng.

Tác giả nêu quan điểm cá nhân mong muốn góp ý với ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.

Theo tác giả, mọi chuyện bắt đầu từ một bài báo trên Báo công an Đà Nẵng, cơ quan ngôn luận chịu sự quản lý của Thành ủy thành phố này.

Bài viết, cho đến nay (10/7/2018) vẫn còn tồn tại trên trang báo và quý bạn đọc có thể truy cập được qua đường link cuối bài.

Nếu các trích dẫn của Báo công an Đà Nẵng là trung thực thì các góp ý của tác giả Duy Nguyên cần được tôn trọng như một tiếng nói chân thành, đa chiều và đúng mực.

Ngược lại, các trích dẫn của Báo công an Đà Nẵng là không trung thực thì Thành ủy cần phải xem xét và có ý kiến.

Dựa trên quan điểm này, cũng như các quy định của pháp luật hiện hành, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải góp ý của tác giả Duy Nguyên, đồng thời mong nhận được ý kiến phản hồi của ông Trương Quang Nghĩa. 

Chúng tôi đọc được thông tin trên Báo Công an Đà Nẵng về ý kiến của ông Bí thư Thành ủy Đà Nẵng phát biểu liên quan đến vấn đề quản lý đô thị tại thành phố này.

Nếu như đây là những thông tin được đăng tải trung thực, không cắt xén thì chúng tôi có một vài suy nghĩ như sau:

Thứ nhất: Ông cho rằng “việc chấp hành pháp luật trước hết thuộc về Chủ đầu tư dự án, Thanh tra xây dựng không chỉ suốt ngày đi nhòm ngó người ta, cũng không đủ người, thời gian để giám sát từng công trình.

Để giảm phiền toái cho chủ đầu tư, cơ quan quản lý Nhà nước chỉ tập trung vào khâu nghiệm thu, khi công trình xây xong không đảm bảo quy định pháp luật, sai phép chỗ nào thì đập bỏ chỗ đó, kiên quyết không đưa vào hoạt động...”.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa (Ảnh minh họa: Báo Đà Nẵng).
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa (Ảnh minh họa: Báo Đà Nẵng).

Xin thưa rằng, vấn đề trên, ông chỉ nói đúng một phần, còn cơ quan Thanh tra xây dựng địa phương, các cơ quan khác có liên quan được pháp luật quy định phải thường xuyên kiểm tra việc xây dựng của chủ đầu tư đồng thời phải phát hiện để ngăn chặn kịp thời các hành vi sai phạm.

Cơ quan thanh tra không phải “suốt ngày dòm ngó người ta” (như ông nêu ý kiến). Nói như thế có chăng là sự chưa coi trọng đối với cán bộ làm công tác thanh tra và ông đang cắt đi những chức năng nhiệm vụ của họ được pháp luật quy định.

Liệu cơ quan thanh tra xây dựng Đà Nẵng có bị vô hiệu hóa nếu cách hiểu của cá nhân ông là như vậy?

Mặt khác, việc để cho các chủ đầu tư sai phạm trong xây dựng rồi nghiệm thu, sai đến đâu, đập phá đến đó, tôi cho rằng, người nêu vấn đề đang đứng “trên pháp luật”.

Như đã phân tích ở trên, Luật xử lý vi phạm hành chính, nghị định xử lý vi phạm hành chính chuyên ngành quy định: Hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện và xử lý kịp thời…

Theo chúng tôi dù là người có quyền hoặc chưa hiểu thấu đáo về pháp luật cũng nên cẩn trọng phát ngôn, nhất là trước công luận.

Đôi điều với Bí thư Trương Quang Nghĩa về quản lý đô thị ảnh 2Giải pháp nào cho 104 căn hộ tại khu khách sạn và nhà ở Mường Thanh Sơn Trà?

Thứ hai: Khi nói về vi phạm của Khách sạn Mường Thanh vị Bí thư Đà Nẵng nói: “Đơn cử như Mường Thanh, sai phạm là xử lý nghiêm.

Đây có phải ông lớn gì đâu mà ở địa phương nào cũng sai phạm, đến Đà Nẵng thì phải xử lý.

Vừa rồi họ dùng nạn nhân làm bình phong (hiện có 39/104 căn hộ vi phạm đã bàn giao cho khách hàng), thậm chí còn dựa vào thanh tra Bộ Xây dựng, một số tờ báo để đưa những thông tin làm dư luận hiểu không đúng về quá trình xử lý của Thành phố”.

Sao ông lại nói vậy? Trong suy nghĩ của ông không biết những “ông lớn” cỡ nào thì được sai phạm, và được sai phạm ở mức nào?

Bài báo trên Báo công an Đà Nẵng. Ảnh chụp màn hình.
Bài báo trên Báo công an Đà Nẵng. Ảnh chụp màn hình.

Câu nói này tỏ ra là ông rất có quyền hành nhưng người nghe và nhân dân vẫn có quyền suy luận, nghĩ rằng ông đang động chạm đến cán bộ lãnh đạo liêm chính của đất nước và chính cá nhân ông.

Những người mua nhà là những người dân, cán bộ công chức có nhu cầu về nơi ở. Họ mua nhà bằng nguồn tiền lao động mồ hôi nước mắt của mình làm ra. Sao lại gọi 39 căn hộ nhân dân đã được bàn giao là những nạn nhân bình phong?

Cách hiểu này theo tôi, không đúng bản chất sự việc, có thể quy chụp bằng ý chí chủ quan của Bí thư, có khả năng làm mất lòng tin của nhân dân thậm chí còn gây bất bình trong nhân dân.

Bí thư Đà Nẵng cho rằng: “chủ đầu tư dựa vào Thanh tra Bộ xây dựng và một số tờ báo để đưa ra những thông tin làm dư luận hiểu không đúng về quá trình xử lý của Thành phố”.

Chúng tôi lại cho rằng: người dân, doanh nghiệp có quyền kêu oan đến các cấp có thẩm quyền để được giải quyết khi họ thấy bị oan.

Các cơ quan hành chính Nhà nước, đặc biệt cơ quan thanh tra chuyên ngành các Bộ, Ngành là cơ quan thường trực tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo theo quy định của pháp luật.

Việc cơ quan thanh tra chuyên ngành xây dựng vào kiểm tra theo đơn kêu cứu của doanh nghiệp là một chuyện bình thường mà pháp luật quy định.

Pháp Luật không cho phép ai miệt thị các cơ quan Thanh tra nhà nước đang thực thi công vụ.

Đôi điều với Bí thư Trương Quang Nghĩa về quản lý đô thị ảnh 4"Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần làm rõ tài sản của Chủ tịch Đà Nẵng"

Trong trường hợp cơ quan thanh tra cấp Bộ làm không đúng thì chính quyền địa phương đề nghị hoặc yêu cầu thanh tra chính phủ xem xét các kết luận đó.

Đà Nẵng cũng không đứng ngoài các quy định của pháp luật.

Qua tìm hiểu của chúng tôi thì Thanh tra Bộ Xây dựng cũng đang tiếp cận hồ sơ và chưa có kết luận về vấn đề này.

Vì vậy, ông Bí thư chưa có cơ sở để phát ngôn trước nhân dân, cơ quan Thanh tra nói sai sự thật.

Về các bài báo đưa tin sự việc này, tôi thấy rằng: Trong các bài báo Nhà báo đã đưa từng loại văn bản có số, ngày, tháng, năm; có nội dung cụ thể.

Sao lại nói việc này là sai sự thật? (trừ trường hợp Bí thư Đà Nẵng đủ bằng chứng chứng minh đó là những “văn bản giả” được cơ quan chức năng thẩm định).

Sự việc xảy ra nhiều năm, việc ra các văn bản kiểu “tiền hậu bất nhất” như ở Đà Nẵng mà các báo đã nêu là việc không nên làm, không thể xảy ra.

Đành rằng, ở cơ quan, tổ chức thì người đứng đầu có thể thay đổi nhưng một chủ trương của tập thể thường vụ, của Ủy ban nhân dân thành phố phải được kế thừa.

Trừ trường hợp việc đó có thể xảy ra những vấn đề lớn phức tạp gây ảnh hưởng đến Kinh tế xã hội, An ninh Quốc phòng thì có thể điều chỉnh nhưng phải được công khai xin lỗi nhân dân và bồi thường thiệt hại cho nhân dân (nếu có).

Lãnh đạo Liêm chính, vì dân là phải làm được như thế.

Trong khi sự việc đang tồn đọng nhiều năm, ông Bí thư thì mới nhận nhiệm vụ thời gian ngắn, không biết ông đã đủ thời gian tìm hiểu về thực tiễn của địa phương, tìm hiểu các văn bản của thành phố đã giải quyết trước đây qua các thế hệ lãnh đạo để chỉ đạo, giải quyết từng vụ việc một cách thấu tình đạt lý, giữ được trật tự an toàn xã hội chưa?

Làm được hết các việc trên là điều mà nhân dân đang cần ở người lãnh đạo Thành phố.

Tài liệu tham khảo

http://cadn.com.vn/news/102_191859_co-hoi-de-chon-can-bo-co-tam-co-tam-co-ban-linh.aspx

Duy Nguyên