Đồng tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

12/08/2018 07:00
ĐẶNG VIỆT THỦY
(GDVN) - Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Phạm Văn Đồng, cuối năm Ất Dậu -1945, những đồng tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời tại hầm nhà Bát Giác.

LTS: Chia sẻ về những đồng tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong năm đầu sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đại tá Đặng Việt Thủy đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đánh dấu một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do và dân chủ trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Về mặt tổ chức, sau khi Chính phủ lâm thời ra đời, các bộ, các ngành ở trung ương và chính quyền các cấp cũng được thành lập để giúp Chính phủ quản lý và điều hành chuyên sâu các mặt hoạt động.

Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định thành lập Bộ Tài chính để phục vụ mọi mặt chi tiêu của Chính phủ, xây dựng và quản lý việc thu chi ngân sách, từng bước xây dựng và phát triển nền tài chính tiền tệ của nước Việt Nam độc lập. (1)

Khi Cách mạng tháng Tám thành công, mặc dù Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không chiếm được Ngân hàng Đông Dương nhưng Chính phủ đã đặt cơ chế kiểm soát ngân hàng, vì vậy ngân hàng phải xuất tiền cho ta. Tiền Đông Dương lúc này vẫn là đồng tiền chính lưu thông trên thị trường.

Đồng tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa  ảnh 1Những điều ít biết về nhà máy in tiền đầu tiên ở Việt Nam

Trước tình hình đó, Chính phủ đã đưa ra một giải pháp là phải kiểm soát ngân hàng để phục vụ cách mạng. Ngày 28/8/1945 ta gửi tấm séc đầu tiên tới ngân hàng để lấy tiền chi tiêu.

Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, vấn đề tài chính, tiền tệ một lần nữa lại được đặt ra cấp thiết.

Đến khi thực dân Pháp đánh chiếm Nam Bộ, việc rút tiền qua tài khoản ở ngân hàng Đông Dương chấm dứt.

Hơn bao giờ hết, đồng tiền của nước Việt Nam độc lập cần gấp rút ra đời phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

Ngày 27/10/1945, Hội đồng Chính phủ đã họp và quyết định việc in giấy bạc sẽ đặt tên là đồng bạc Việt Nam.

Vấn đề tiền tệ tiếp tục được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng khẳng định trong Chỉ thị "Kháng chiến kiến quốc" ngày 25/11/1945: "Lập quốc gia ngân hàng, phát hành giấy bạc, định lại các ngạch thuế, lập ngân quỹ toàn quốc, các xứ, các tỉnh". (2)

Để in được giấy bạc đòi hỏi nhiều yếu tố phức tạp như mẫu vẽ, giấy, nhà in, còn dập tiền kim loại thì đơn giản hơn, vì vậy Chính phủ đã phê duyệt phương án vừa dập tiền kim loại vừa in giấy bạc nhưng dập tiền kim loại được tiến hành trước.

Đồng chí Phạm Văn Đồng, Ủy viên lâm thời Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ giao chỉ đạo toàn bộ công việc in và phát hành giấy bạc Việt Nam. (3)

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phạm Văn Đồng, ngay những ngày cuối năm Ất Dậu -1945, những đồng tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời ngay tại hầm nhà Bát Giác (Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ngày nay).

Những đồng tiền đầu tiên xuất xưởng là đồng 2 hào, 5 hào, rồi đồng 1 đồng bằng nhôm và 2 đồng bằng đồng.

Đồng 5 hào có đặc điểm: hình ảnh mặt thứ nhất là cái đỉnh vàng, xung quanh phía trên có 6 chữ "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". Dưới chân đỉnh có số 1946.

Mặt sau đồng tiền có hình ngôi sao 5 cánh. Trong nền sao có chữ 5 hào. 5 khe cánh của ngôi sao khắc 5 triện quả trám. Ở cạnh rìa xung quanh đồng tiền có khía răng cưa. 

Năm 1945 - 1946, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát hành bộ tiền xu (Ảnh minh họa: vietnamnet.vn).
Năm 1945 - 1946, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát hành bộ tiền xu (Ảnh minh họa: vietnamnet.vn).

Đồng 1 đồng có một mặt in ảnh nghiêng Bác Hồ, xung quanh có 6 chữ "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". Mặt sau là hình bông lúa có viền răng cưa quanh chữ 1 đồng.

Ngày 1/12/1945, Sở Ngân khố cho lưu hành đồng 2 hào mới bằng nhôm, sau đó là đồng 5 hào cũng bằng nhôm, rồi các loại tiền 2 đồng bằng đồng và 1 đồng bằng nhôm.

Những đồng tiền này ngay lập tức đã được sự hưởng ứng nhiệt tình của quần chúng nhân dân, trước hết đó là tiền của một nước độc lập, mặt khác đã giải quyết được nạn khan hiếm tiền lẻ trong tiêu dùng của nhân dân lúc đó.

Để loại dần ảnh hưởng của giấy bạc Đông Dương và khẳng định nền tài chính độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trải qua một quá trình đấu tranh quyết liệt trong điều kiện đối phó với với thực dân Pháp và đồng Quan kim, Quốc tệ của Trung Quốc, khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, chúng ta đã chính thức phát hành tờ giấy bạc Việt Nam vào ngày 31/1/1946.

Tiền Việt Nam được phát hành có nhiều mệnh giá: 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng, 200 đồng.

Các loại giấy bạc này có ký tên Bộ trưởng Tài chính Phạm Văn Đồng hoặc Lê Văn Hiến và Giám đốc Ngân khố Trung ương, do đó ngoài tên gọi là giấy bạc Cụ Hồ, còn gọi là "đồng bạc tài chính".

Giấy bạc Việt Nam một mặt có chữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” (chữ Quốc ngữ và chữ Hán), có hình Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một mặt có hình Nông - Công - Binh. Các loại giấy bạc đều có có ghi chữ số Ả Rập, chữ Quốc ngữ, chữ Hán, Lào, Campuchia chỉ mệnh giá.

Tờ giấy bạc 100 đồng ra đời đại diện cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc, chủ quyền thiêng liêng của quốc gia in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu)
Tờ giấy bạc 100 đồng ra đời đại diện cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc, chủ quyền thiêng liêng của quốc gia in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu)

Theo Sắc lệnh số 18-b ngày 31/1/1946, thì giấy bạc Việt Nam bắt đầu được lưu hành ở Nam Trung Bộ từ vĩ tuyến 16 trở vào. Đến Sắc lệnh số 154 ngày 31/8/1946, thì được lưu hành ở cả Bắc Trung Bộ.

Việc lưu hành giấy bạc phải thận trọng như vậy là vì quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Tưởng cũng như Pháp lúc bấy giờ đang ở vào tình thế khó khăn. Hơn thế nữa, nơi đây không có sự kiểm soát của các lực lượng nước ngoài.

Giấy bạc Cụ Hồ ra đời được nhân dân Khu 5 đón nhận nhiệt tình. Từ giấy bạc Cụ Hồ, chúng ta đổi ra tiền Đông Dương ngay trên địa bàn Khu 5, sau đó chuyển ra Bắc để chi tiêu.

Tuy Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 giữa Việt Nam và Pháp ký kết quy định tiền Đông Dương lúc này vẫn là đồng tiền chính thức được lưu hành trong cả nước, nhưng với ý thức người dân của một nước độc lập, những đồng bạc Cụ Hồ từ Nam Trung Bộ đã nhanh chóng lưu hành tới Khu 4.

Từ giữa năm 1946 thì gần như mọi nơi đều sử dụng giấy bạc Cụ Hồ. Những vùng miền núi xa xôi, hẻo lánh như Tây Bắc, những nơi sử dụng đồng Quan kim, Quốc tệ trước đây như Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn, Yên Bái... đồng tiền Cụ Hồ cũng đã nhanh chóng có mặt.

Ở Nam Bộ, ta chưa chủ trương phát hành nhưng quần chúng nhân dân hết sức tín nhiệm tiền Việt Nam, đã tự động đưa về tiêu ở các vùng căn cứ giải phóng.

Tuy nhiên, Tạm ước 14/9/1946 một lần nữa đã làm cản trở sự phát hành giấy bạc của Việt Nam.

Đồng tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa  ảnh 4Mua tiền lưu niệm của Ngân hàng nhà nước ở đâu?

Đến tháng 10/1946, ngân khố đã gần như trống rỗng (chỉ có vẻn vẹn 1 triệu đồng Đông Dương), trong lúc quan hệ giữa Việt Nam và Pháp hết sức căng thẳng, nguy cơ của một cuộc chiến tranh là không thể tránh khỏi.

Vì vậy, cuối tháng 11/1946, Quốc hội họp và tuyên bố công khai quyết định phát hành đồng bạc Việt Nam trên toàn quốc.

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, việc liên lạc giữa các địa phương trong cả nước gặp nhiều khó khăn, vì vậy Đảng và Chính phủ đã có những giải pháp linh hoạt về vấn đề tiền tệ để đảm bảo cho sự thông thương hàng hóa, phục vụ cho đời sống của nhân dân và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ở vùng tự do Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, chủ yếu là Việt Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình lưu hành giấy bạc tài chính do Trung ương phát hành.

Tại các tỉnh Liên khu 5, chủ yếu là 4 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên lúc đầu lưu hành tiền tài chính Trung ương phát hành.

Khi chiến tranh lan rộng, giấy bạc Cụ Hồ chuyển vào khó khăn, nên Trung ương cho phép Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ in các loại tín phiếu đưa vào lưu hành và có giá trị như giấy bạc Cụ Hồ. Như vậy, ở Liên khu 5 giấy bạc tài chính và tín phiếu cùng lưu hành song song.

Ở Nam Bộ, do tình hình chiến sự lan nhanh nên một số vùng căn cứ kháng chiến từ năm 1945 đến đầu năm 1947 lưu hành bạc tài chính đưa từ miền Nam Trung Bộ vào.

Về sau tình hình chiến sự ngày càng phức tạp, việc sản xuất giấy bạc gặp nhiều khó khăn, nên giấy bạc tài chính Trung ương không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, vì vậy ở Nam Bộ chủ yếu là dùng biện pháp đóng dấu của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ lên các tờ bạc Đông Dương để tiêu dùng.

Đến cuối năm 1947, Trung ương cho phép Nam Bộ được phát hành giấy bạc riêng và lưu hành chủ yếu ở miền Tây Nam Bộ.

Những tờ giấy bạc loại 1 đồng, 5 đồng, 20 đồng, rồi 50 đồng, 100 đồng in ảnh Cụ Hồ rất đẹp, có chữ ký của ông Phạm Văn Bạch, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ và ông Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Sở Tài chính Nam Bộ (được sự ủy quyền của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) đã ra đời ngay trong vòng vây của thực dân Pháp.

Con đường thứ năm chi viện cho chiến trường miền Nam thời đánh Mỹ

Bên cạnh đó, Nam Bộ còn có các phiếu tiếp tế, phiếu đổi chác, tín phiếu các loại 1 đồng, 5 đồng 10 đồng.

Các loại tiền tệ này do Ủy ban Kháng chiến Hành chính các tỉnh Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Thủ Biên (Biên Hòa và Thủ Dầu Một), Bạc Liêu, Rạch Giá... tự in và phát hành nên chỉ được phép lưu hành trong tỉnh.

Như vậy, chỉ trong vòng hơn một năm sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công cho đến khi Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nước ta đã có đồng tiền riêng phát hành trong toàn quốc từ Bắc đến Nam, được nhân dân tin dùng.

Mặc dù còn có những nhược điểm nhất định, song sự ra đời, sức sống của những đồng tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong năm đầu sau Cách mạng tháng Tám là một thắng lợi to lớn.

Một mặt đã đấu tranh quyết liệt chống thù trong giặc ngoài, góp phần bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia, mặt khác nó đặt những nền móng đầu tiên trong việc xây dựng nền tài chính của nước Việt Nam mới.

Tài liệu tham khảo:

(1). Đồng bạc Tài chính - Đồng bạc Cụ Hồ, 1945 - 1954, Nxb Tài chính, Hà Nội, 2000, tr.12.

(2). Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8 (1945-1947), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.28.

(3). Đồng bạc Tài chính - Đồng bạc Cụ Hồ, Sách đã dẫn, tr.16.

ĐẶNG VIỆT THỦY