Dư luận Trung Quốc bị “nhuộm đen” về vấn đề Biển Đông như thế nào?(P2)

08/07/2012 05:38
Hồng Chính Quang
(GDVN) - Tiếp tục cuộc trao đổi với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam, ông Dương Danh Dy nói: "Tư tưởng dân tộc cực đoan sau một thời gian dài được nuôi dưỡng, nay bắt đầu phát tác tại Trung Quốc".
Phần 1, trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam, trước câu hỏi: "Nhiều chuyên gia đang ví hình ảnh “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc trong thời điểm hiện tại giống như một con hổ sau 20 năm vùi mình chờ thời, “mài giũa móng vuốt”, nay vươn mình đứng dậy, “giễu võ dương oai”?", ông Dương Danh Dy đã nói: "Tôi không thích so sánh Trung Quốc với con hổ vì Trung Quốc còn kinh khủng hơn “con hổ” nhiều. Con hổ ăn no thì nằm ngủ nhưng Trung Quốc thì không như vậy. Để nói về Trung Quốc thì chỉ có thể dùng những tính từ như phương Tây đã dùng để mô tả: bá quyền nước lớn, tham lam vô độ không điểm dừng… chứ không thể ví với bất kỳ hình tượng nào".

Theo đánh giá của chuyên gia này, sự “trỗi dậy hòa bình” trước đây và sự “trỗi dậy hòa bình” trong mấy năm gần đây của Trung Quốc chỉ là một. Dạo trước Trung Quốc dùng chữ “trỗi dậy” nhưng sau đó bị phương Tây phản ứng nên Trung Quốc chuyển thành “phát triển” để làm vừa ý các nước khác. Trong văn kiện Đại hội Đảng của Trung Quốc có mục tiêu đến năm 2020, GDP của Trung Quốc vượt Anh, Đức, Pháp chỉ thua Nhật và Mỹ. Tuy nhiên, mục tiêu này của Trung Quốc đã sớm đạt được khi GDP của Trung Quốc vượt Nhật đứng thứ 2 thế giới. Và Trung Quốc chuyển mục tiêu sang năm 2020, Trung Quốc vượt Mỹ. Sự trỗi dậy của Trung Quốc nhằm đưa Trung Quốc trở thành cường quốc về kinh tế, quân sự.

Tại sao vào thời điểm cách đây 20 năm, “con hổ” đó lại phải nép mình, thưa ông?

Trước năm 2010, “con hổ” đó nép mình chờ thời quyết không đi đầu sau sự sụp đổ của Liên Xô. Đường lối này của Đặng Tiểu Bình rất hay vì đã rút kinh nghiệm Liên Xô trước đây ra mặt đối đầu với Mỹ và phương Tây về mọi mặt. Đặng Tiểu Bình đã rút kinh nghiệm là không đối đầu với Mỹ nữa mà cái gì vừa ý cả hai bên thì hai bên cùng phát triển, cái gì không vừa ý thì tránh đi. Đó là thái độ khôn ngoan khi không trở thành đối tượng trực tiếp đối đầu với Mỹ và phương Tây.

Đảo Phan Vinh can trường trong gió bão.
Đảo Phan Vinh can trường trong gió bão.


Tuy nhiên, sự thay đổi của Trung Quốc hiện nay đã thể hiện rất rõ. Điều này bắt nguồn từ tiềm lực của Trung Quốc đã thay đổi. Trung Quốc đã mạnh rồi nhưng có đủ để tạo thành đối trọng với Mỹ hay không thì còn phải xem xét thêm. Cũng cần phải nhắc lại, GDP của Trung Quốc đứng thứ 2 thế giới và người ta dự tính sẽ vượt Mỹ nhưng GDP tính theo đầu người thì còn thua xa.
Sự lớn mạnh của Trung Quốc là điều không thể phủ nhận, nhưng dường như, lòng tin của các nước vào quốc gia này cũng không còn như trước?
Sức mạnh của Trung Quốc thì không ai có thể phủ nhận được nhưng Trung Quốc cũng còn những điểm chưa mạnh. Về mặt vật chất thì tài nguyên cạn kiệt, môi trường ô nhiễm. Còn về nội bộ nhân dân thì có sự phân hóa sâu sắc, hố lớn phân cách giàu nghèo ngày càng lớn, mâu thuẫn dân tộc như ở Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông. Trong nước họ cũng tồn tại nhiều vấn đề, các phe nhóm lợi ích trong nước đại diện cho những nhóm lợi ích cũng không nhất trí với nhau và có nhiều mâu thuẫn trong những vấn đề cụ thể.

Có những cái họ tạm thời nhất trí được với nhau như đưa Trung Quốc trở thành cường quốc số 1 thế giới về kinh tế, quân sự… nhưng còn nhiều chuyện họ chưa nhất trí được với nhau. Vụ Bạc Hy Lai là một ví dụ cho thấy điều này. 

Thêm nữa, lòng tin của các nước khác trên thế giới vào Trung Quốc cũng không còn như trước, họ e dè trước một Trung Quốc nói một đằng lằm một nẻo.

Ông có thể phân tích cụ thể hơn?

Các nước châu Á thì đã biết rõ bản chất Trung Quốc. Các nước châu Phi ban đầu tưởng Trung Quốc như thế nào nhưng sau đó họ đã nhận ra bản chất thực sự sau khi Trung Quốc sang khai thác tài nguyên nên họ tỏ thái độ e dè. Vì lẽ đó, trên phương diện thế giới, Trung Quốc không nhận được cảm tình của các nước. Trung Quốc chưa đưa ra được một mô hình phát triển mà thế giới có thể tiếp thu, học hỏi và nghe theo.

Hàng loạt những sự kiện làm “hâm nóng Biển Đông” trong thời gian gần đây của Trung Quốc, dư luận thấy vai trò rất lớn của truyền thông quốc gia này. Nhiều ý kiến lo ngại rằng, tư tưởng dân tộc cực đoan sau một thời gian dài được nuôi dưỡng, nay bắt đầu phát tác tại Trung Quốc?

Đúng là như vậy. Nhân dân Trung Quốc trong hơn 30 năm qua trong quan hệ với Việt Nam đang bị “nhuộm đen” rằng: Việt Nam là nước vô ơn bạc nghĩa, xâm lược Trung Quốc… nên phải “dạy cho Việt Nam một bài học”. Tiếp đó là những tuyên truyền chủ quyền thể hiện qua việc tuyên bố chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa vốn của Việt Nam. Nhân dân Trung Quốc bị nhuộm đen đến mức Trung Quốc cho rằng nếu xảy ra "sự cố bất ngờ" với Việt Nam thì không phải làm công tác tuyên truyền.

TOÀN CẢNH TRƯỜNG SA - HOÀNG SA NHÌN TỪ ĐẤT LIỀN
BẤM VÀO ĐÂY XEM CHÙM ẢNH: CÔNG BỐ NHỮNG HÌNH ẢNH "KHÔNG THỂ KÌM NỔI" VỀ TRƯỜNG SA
AI CHƯA ĐẾN TRƯỜNG SA CẦN XEM 31 TẤM HÌNH NÀY


Ông có thể phân tích cụ thể hơn, cơ quan truyền thông Trung Quốc đã tuyên truyền về vấn đề chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam như thế nào?

Dù không có chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhưng các cơ quan truyền thông tại Trung Quốc luôn tuyên truyền một cách xuyên tạc cho người dân của họ, nhất là thanh niên và trẻ em rằng hai quần đảo kia là của họ, rằng Việt Nam chiếm hai quần đảo đó của họ. Việc này diễn ra trong thời gian dài và nhiều lần nên đã tạo cho người dân Trung Quốc có suy nghĩ lệch lạc rằng hai quần đảo Hoàng Sa vàTrường Sa vốn thuộc chủ quyền Việt Nam là của Trung Quốc.

Chính vì lẽ đó, những hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại hai quần đảo này của Trung Quốc được nhiều người dân nhất là thế hệ trẻ của Trung Quốc nghĩ là không sai. 

Vậy ông đánh giá gì về công tác truyền thông của chúng ta hiện nay về vấn đề chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa?

Thời gian vừa qua, công tác tuyên truyền chúng ta về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa bị xem nhẹ. Tuy nhiên, trong 2 – 3 năm gần đây, chúng ta đã chú ý đến vấn đề này như báo chí lên tiếng, tăng cường tuyên truyền chủ quyền qua các phương tiện thông tin đại chúng… Chính những động thái đó đã góp phần vào việc cảnh tỉnh nhân dân Trung Quốc.

Còn nữa...

Tiếp tục cuộc trao đổi thú vị về vấn đề chủ quyền Biển Đông và nghệ thuật ngoại giao của Việt Nam trong tình hình mới, ông Dương Danh Dy nhắc tới "phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh" và những câu chuyện về Hồ Chí Minh với Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông và ông Đặng Tiểu Bình. 

"Tôi còn nhớ câu chuyện về ngoại giao được nhiều vị chứng kiến kể lại: Sau khi thuyết phục và gây sức ép yêu cầu Đảng ta từ bỏ Liên Xô đi theo Trung Quốc bằng nhiều lời hứa hẹn viện trợ không được, Đặng Tiểu Bình rất bực bội. Ngày ông ta rời Hà Nội, Hồ Chủ tịch và mấy đồng chí đến tiễn tại nhà khách. Lúc Bác tới, ông Đặng đang ngồi trên ghế và khi thấy Bác vào ông ta cũng không đứng dậy theo phép lịch sự. Mấy đồng chí đi theo Bác rất bất ngờ vì tình huống đó. Thế nhưng, Bác vẫn bình thản bước tới...".

Trân trọng kính mời bạn đọc theo dõi kỳ tiếp theo.
Hồng Chính Quang