Dư luận sau bài phát biểu của Thủ tướng tại Đối thoại Shangri-La 12

02/06/2013 07:42
Theo QĐND
Tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 diễn ra ở Xin-ga-po, bài phát biểu đề dẫn của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã thu hút được sự chú ý của đông đảo dư luận trong nước cũng như giới học giả, ngoại giao và báo giới quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu quan trọng về chủ đề an ninh khu vực. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu quan trọng về chủ đề an ninh khu vực. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngay sau khi Thủ tướng kết thúc bài phát biểu, hàng loạt hãng thông tấn nước ngoài đã có những tin, bài truyền đi thông điệp của Thủ tướng về xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như chính sách quốc phòng của Việt Nam thông qua bài phát biểu. Hầu hết ý kiến đều cho rằng, bài phát biểu dẫn đề đầu tiên của một Thủ tướng Việt Nam tại diễn đàn an ninh quan trọng này, không những ấn tượng và xuất sắc, mà còn đưa ra thông điệp mạnh mẽ, rõ ràng, thể hiện vai trò và vị thế then chốt của Việt Nam trong khu vực.

*Thông điệp minh bạch, thẳng thắn về quan điểm của Việt Nam về an ninh khu vực

Dư âm bài phát biểu đề dẫn tối 31-5 tại Đối thoại Shangri-La 12 của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng thể hiện rất rõ trong các cuộc trao đổi hôm sau, bên hành lang Hội trường Island Ballroom của Khách sạn Shangri-La, nơi diễn ra các phiên họp toàn thể của đối thoại lần này.

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, Thủ tướng Việt Nam đã có một bài phát biểu xuất sắc, đưa ra thông điệp minh bạch, thẳng thắn về quan điểm của Việt Nam trong các vấn đề liên quan đến an ninh khu vực, cũng như cách thức xử lý một trong những quan ngại lớn nhất của cộng đồng quốc tế hiện nay, đó là tình trạng căng thẳng quanh các tranh chấp trên biển, những thách thức an ninh phi truyền thống, sự can dự của các cường quốc trong khu vực.

Giáo sư Can Thay-ơ (Carl Thayer), một chuyên gia nổi tiếng về các vấn đề an ninh quốc phòng châu Á thuộc Học viện Quốc phòng Ô-xtrây-li-a, được mời tham gia buổi tiệc chiêu đãi khai mạc Đối thoại Shangri-la 12 cho biết, hầu hết những người ngồi ở bàn ông đều có phản ứng tích cực trước bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhìn chung đều cho rằng Thủ tướng Việt Nam đã “có một bài phát biểu xuất sắc, được diễn đạt và dịch bằng một thứ tiếng Anh rõ ràng và hoàn hảo”.

Tiến sĩ Tim Hiu-xli (Tim Huxley), Giám đốc khu vực châu Á của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại Luân Đôn, đơn vị tổ chức diễn đàn Đối thoại Shangri-La trong 12 năm qua nói: “Chúng tôi mong đợi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm rõ được vai trò của Việt Nam trong vấn đề an ninh khu vực”.

Trong các cuộc tiếp xúc song phương với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nước ta, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, các quan chức quốc phòng an ninh cao cấp đều bày tỏ sự thích thú trước thông điệp mà nhà lãnh đạo của Việt Nam đưa ra trên một trong những diễn đàn an ninh thuộc loại lớn nhất thế giới.

Bộ trưởng Quốc phòng Ô-xtrây-li-a Xtê-phen Xmít (Stephen Smith) nói với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trong buổi tiếp xúc song phương sáng 1-6: “Thủ tướng Việt Nam đã có một bài phát biểu rất ấn tượng”.

Đô đốc Xa-mu-en Lốc-lia (Samuel Locklear), Tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương cho biết, ông rất ấn tượng về bài phát biểu đề dẫn của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng ở Đối thoại Shangri-La cũng như phần trả lời sau bài phát biểu của Thủ tướng.

Bộ trưởng Quốc phòng Ma-lai-xi-a, ông Đa-tô Xê-ri Hi-sa-mu-đin bin Tun Hu-xên (Dato Seri Hishamudin bin Tun Husein) đã chúc mừng Việt Nam vì “Thủ tướng của các bạn có một bài phát biểu thẳng thắn và thông điệp rõ ràng”. ông Đa-tô Xê-ri Hi-sa-mu-đin bin Tun Hu-xên đặc biệt tâm đắc với phần nội dung trong bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam liên quan đến sự can dự của các nước lớn trong khu vực. “Cả Việt Nam và Ma-lai-xi-a đều đã phải nỗ lực rất nhiều mới giành được độc lập dân tộc, bởi thế chúng ta có quyền quyết định số phận của mình, không phụ thuộc vào sự can dự của những nước lớn”, ông nói.

Trong khi đó, giới báo chí nhận định Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra những thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng hướng đến những quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất đến an ninh của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã khéo léo tránh nêu tên các quốc gia, hay các sự cố gây ảnh hưởng đến an toàn hàng hải, an ninh biển khi đại biểu đoàn Trung Quốc chất vấn. Cách “trả lời mà như không trả lời” cho 2 câu hỏi hóc búa nữa mà các đại biểu đặt ra về quan điểm của Việt Nam trước việc Phi-líp-pin kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, hay thái độ của Việt Nam trước hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc, cũng được nhiều học giả và nhà ngoại giao đồng tình. “Không nên chỉ trích lộ liễu ai ở tại diễn đàn này”, nhà ngoại giao Mai-cơn Mắc-lay (Michael Maclay) từ Thụy Điển nói.

Còn ông Chri-xti-an Lê Mi-ê-rê (Christian Le Mière), chuyên gia hải quân và an ninh biển của IISS, một trong ba người đã đặt câu hỏi với Thủ tướng nói, ông “rất hài lòng với bài phát biểu” và “đồng ý với các câu trả lời hỏi đáp của Thủ tướng Việt Nam”.

Tờ Strait Times, một trong những tờ báo có lượng người đọc lớn nhất ở Xin-ga-po và Ma-lai-xi-a, trong số ra ngày 1-6 đã giật tít lớn lấy ý chính trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Cần có “lòng tin chiến lược” để duy trì sự ổn định”. 

*Tiếp tục khẳng định chính sách quốc phòng vì hòa bình và tự vệ của Việt Nam

Ngay sau bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên khai mạc diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La vào tối 31-5 ở Xin-ga-po, trang web của Viện Nghiên cứu quốc tế (IISS) đã đăng toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng với tiêu đề “Xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của châu Á”. Trong khi đó, hãng tin NHK của Nhật đặc biệt quan tâm đến kêu gọi đoàn kết khu vực, cùng xây dựng một giải pháp có tính ràng buộc về pháp lý đối với các tranh chấp biển, đảo ở Biển Đông. Hãng tin BBC lại đặc biệt quan tâm đến kỳ vọng vào vai trò của các nước lớn trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ngoài ra, BBC nhấn mạnh đến lời tái khẳng định chính sách quốc phòng vì hòa bình và tự vệ, không liên minh quân sự với nước nào của Việt Nam.

Đoàn kết nội khối ASEAN và xây dựng “lòng tin chiến lược” cũng là 2 trọng tâm mà hãng thông tấn Roi-tơ đưa tin về bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Bài của Roi-tơ sau đó cũng được tờ Star Online của Phi-líp-pin và trang web của kênh truyền hình NBC của Mỹ đăng lại.

Tờ Channel News Asia hay Strait Times của Xin-ga-po cũng tập trung nhấn mạnh đến kêu gọi xây dựng lòng tin chiến lược của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong bối cảnh căng thẳng và tranh chấp lãnh thổ tăng cao trong những năm gần đây, đe dọa đến sự phồn thịnh của khu vực. Tờ Strait Times ấn tượng với câu nói “Mất niềm tin là mất tất cả” trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi nhắc đến những xung đột dai dẳng trong khu vực. Theo tờ báo, Thủ tướng Việt Nam kêu gọi các nước xây dựng lòng tin chiến lược lớn hơn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bởi tình trạng căng thẳng âm ỉ và các tranh chấp lãnh thổ trong vài năm qua đang đe dọa sự thịnh vượng của khu vực. Tờ này cũng nhanh chóng đưa những dòng đầu tiên về nội dung bài phát biểu cùng với hình ảnh Thủ tướng đang phát biểu. Tờ Straits Times nhận định diễn đàn an ninh năm nay diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng vì những tranh chấp hàng hải trong khu vực.

AsiaOne sau đó đã lấy lại ảnh của Straits Times đồng thời dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, để tăng cường lòng tin trong khu vực, các nước dù là lớn hay nhỏ phải tuân thủ luật pháp quốc tế và nhận thức được trách nhiệm của mình.

Channel News Asia cũng dành một bài với tiêu đề "Xây dựng lòng tin song phương và chiến lược ở châu Á là việc quan trọng" để nói về bài phát biểu của Thủ tướng. Bài của Channel News Asia cũng nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của biển đối với thương mại toàn cầu. Trong khi đó, hãng thông tấn Pháp AFP chú ý đến thông báo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc Việt Nam sẽ lần đầu tiên tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, trong các lĩnh vực công binh, quân y, quan sát viên quân sự. 

Theo QĐND