Đủ mọi chiêu "ăn" tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP. HCM

14/11/2013 09:16
Ngọc Luân
(GDVN) -  Như chúng tôi đã thông tin về những sai phạm trong vấn đề “ăn cắp” giờ công để làm dịch vụ, cũng như chưa làm hết trách nhiệm và y đức của một bộ phận y – bác sĩ tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP. HCM. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả những sai phạm trong quá trình hoạt động của bệnh viện này những năm gần đây. Cơ quan thanh tra còn phát hiện thêm nhiều chuyện “động trời” tại cái bệnh viện chuyên khoa đầu ngành hạnh nhất này của TP. HCM.

Trời bất dung gian

Liên tục thời gian gần đây, Sở Y tế TP. HCM cùng Công an TP. HCM đều nhận được nhiều đơn thư tố cáo tiêu cực tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP. HCM. Trong đó, những tố cáo này chủ yếu tập trung vào việc có nhiều “nhóm lợi ích” và đặc biệt là các thủ đoạn “ăn” của một bộ phận cán bộ biến chất tại bệnh viện này.

Sự việc vỡ lở khi một bác sĩ đang công tác ở bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP. HCM về quê thăm người thân ở tỉnh Bến Tre. Khi xem phim X-quang cho một cụ già, bác sĩ này được biết cụ đau vùng vai và cổ, được người nhà đưa lên bệnh viện Chấn thương chỉnh hình chụp cột sống cổ ở bốn tư thế: thẳng, nghiêng, chếch 3/4 bên trái và bên phải.

Quá tải ở bệnh viện Chấn thương chỉnh hình là nỗi khổ của bệnh nhân nhưng là niềm vui của các bác sĩ biến chất
Quá tải ở bệnh viện Chấn thương chỉnh hình là nỗi khổ của bệnh nhân nhưng là niềm vui của các bác sĩ biến chất

Bệnh nhân phải nộp 240.000 đồng để mua hai phim chụp X-quang. Nhưng khi xem hồ sơ, bác sĩ này phát hiện phiếu thu tiền chụp phim X-quang cho người bệnh là loại lớn, trong khi hai tấm phim chụp thực tế thì nhỏ, nhìn không rõ.

Thay vì phải chụp trên hai phim, kỹ thuật viên đã ghép cả bốn tư thế chụp trên một phim rồi cắt làm hai.

Từ việc “lạ đời” này, một nhóm bác sĩ ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình đã đi tìm sự thật. Họ phát hiện một số bác sĩ ở khoa Chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện này đã “ăn phim” từ năm 2007, kéo dài đến năm 2012.

Theo tố cáo, nhóm 3 người tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh của ông Hồ Văn Thạnh (Trưởng khoa), ông Bùi Văn Hải (Phó khoa) và ông Bùi Bảo Vinh (kỹ thuật viên trưởng) đã có hành vi tham ô tài sản. Từ năm 2007 đến nay, ba người này chỉ đạo các nhân viên dưới quyền ghép, cắt, đổi, gian lận để hưởng lợi hàng tỷ đồng.

“Ăn phim như ăn gỏi”

Trước những tố cáo này, trong đợt thanh tra vừa qua, Đoàn thanh tra Sở Y tế TP. HCM không những tập trung làm rõ những sai phạm trong công tác khám chữa bệnh dạng dịch vụ, mà còn thanh tra việc quản lý sử dụng vật tư tiêu hao như phim X-quang, hóa chất... tại bệnh viện này.

Thủ đoạn tráo phim của Khoa Chấn đoán hình ảnh gây thiệt hại hàng tỷ đồng mỗi năm cho bệnh nhân
Thủ đoạn tráo phim của Khoa Chấn đoán hình ảnh gây thiệt hại hàng tỷ đồng mỗi năm cho bệnh nhân

Theo phân tích của đoàn thanh tra về hoạt động tại Khoa chẩn đoán hình ảnh cho thấy, báo cáo số phim sử dụng từ Khoa này gửi cho các Phòng chức năng của bệnh viện luôn vượt quá số phim mà Phòng Tài chính kế toán thu của người bệnh. Hệ quả là Phòng Tài chính kế toán và Khoa dược cung cấp cho Khoa chẩn đoán hình ảnh đúng với số lượng phim được khoa báo cáo mà không có sự đối chiếu, kiểm tra với số liệu thu thực tế.

Hậu quả là bệnh viện thất thoát 15.569 tờ phim chỉ trong trong 3 năm 2010, 2011, 2012.

Không dừng lại ở đó, đoàn thanh tra kiểm tra ngẫu nhiên phim chụp cho bệnh nhân ngoại trú lưu trữ trong tháng 10/2011, ghi nhận 444 trường hợp đổi phim A thành B trong tổng số 1.126 tờ phim lưu (chiếm tỷ lệ 39,43%).

Phim A hiện có giá khoảng 42.000 đồng/tờ, phim B và C giá 25.000 đồng/ tờ.

Do số liệu lưu trữ không đầy đủ, một số tài liệu tại khoa Chẩn đoán hình ảnh bị thất lạc không rõ lý do nên đoàn thanh tra không phân tích cụ thể được số tiền chênh lệch gây thiệt hại cho phía bệnh viện hay…bệnh nhân.

Theo Thanh tra Sở Y tế TP. HCM, tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, chỉ trong một tháng, số lượng phim X-quang bị tráo từ kích thước A sang kích thước B có giá tiền rẻ hơn 20.000 đồng là 40%. Tức, cứ 10 trường hợp đóng tiền chụp phim loại A thì có 4 trường hợp bị chụp phim loại nhỏ hơn.

Không chỉ đổi phim lớn thành phim nhỏ, một số bác sĩ khoa Chẩn đoán hình ảnh còn dùng “chiêu” chụp ghép nhiều hình ảnh trên một tấm phim loại A, trong khi đó, bệnh nhân phải đóng tiền cho 2 phim loại B. Như vậy, mỗi lần ghép phim, bệnh nhân phải chi khoảng 80.000 đồng cho hai tấm phim B, trong khi thực tế tiền một tấm phim A chỉ 60.000 đồng.

“Chỉ với một bệnh nhân, họ đã 'rút ruột” được 20.000 đồng. Cầm phim trên tay, bệnh nhân không biết tấm phim này không phải là phim mà họ đã đóng tiền. Hầu hết bệnh nhân không quan tâm điều này, mà có quan tâm cũng không phải ai cũng biết” – ông Bùi Minh Trạng – Chánh Thanh tra Sở Y tế TP. HCM cho biết như vậy.

Tang vật mà Đoàn thanh tra thu giữ tại Khoa chẩn đoán hình ảnh
Tang vật mà Đoàn thanh tra thu giữ tại Khoa chẩn đoán hình ảnh

Hiện, trung bình mỗi tháng bệnh viện này sử dụng từ 28.000 đến 30.000 tờ phim. Điều tréo ngoe là số phim B thực sử dụng là ba phần, trong khi phim A là hai phần, nhưng trong báo cáo, bệnh viện ghi ngược lại là phim A sử dụng ba phần, còn phim B hai phần.

Theo cơ quan Thanh tra tính toán: số phim được hoán đổi mỗi tháng là từ 5.000 đến 6.000 tờ. Riêng phần đổi phim, cứ lấy 5.000 nhân với đơn giá 19.000 đồng/tờ, nhóm cán bộ tham nhũng này đã hưởng chênh lệch khoảng 90 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể nhóm này hưởng chênh lệch từ số phim dư ra do ghép phim và xén phim.

Cụ thể, chỉ trong vòng 3 tháng cuối năm 2011, số lượng phim dư ra là 10.860 tờ, tương đương 3.620 tấm phim/tháng. Và, với giá thành 42.000 đồng/tấm, tổng cộng số tiền mà nhóm bác sĩ này thu được hơn là 152 triệu đồng/tháng. “Bằng cách này mỗi tháng tổng số tiền bệnh nhân bị móc túi lên tới hơn 240 triệu đồng”- Chánh thanh tra Sở  nhận định.

Thật ra, những khuất tất như trên xảy ra tại Khoa chẩn đoán hình ảnh không khó để bị phát hiện. Tuy nhiên, theo một bác sĩ trong nhóm đứng ra tố cáo thì sự việc được phát giác vào cuối năm 2012 và một số người nằm trong “nhóm lợi ích” ở Khoa chẩn đoán hình ảnh thừa nhận có sự tráo đổi phim và cắt phim theo chỉ đạo của lãnh đạo Khoa. “Nhưng không hiểu sao, lãnh đạo bệnh viện đã không xử lý rốt ráo?” – vị bác sĩ này bức xúc nói.

Va cũng chính vì quá bức xúc trước việc bệnh nhân bị móc túi hàng tỷ đồng mỗi năm, và sự việc có dấu hiệu bị báo che nên các bác sĩ đã gửi đơn tố cáo sự việc sang cơ quan Công an và Sở Y tế TP. HCM.

Khó bồi hoàn lại được cho bệnh nhân

Qua quá trình thanh tra, cơ quan chức năng đã thu giữ tang vật là trên 6.600 tấm phim sai và bị cắt đôi. Ngoài ra, thanh tra cũng xác định trong 3 năm qua, bệnh viện làm thất thoát hơn 15.000 tấm phim, mở sai kích thước trên 227.600 phim, cắt ghép phim thừa ước tính 2.500 tờ phim/tháng (bệnh viện chỉ lưu ghi chép 5 tháng cuối năm 2011).

Hiện, Đoàn thanh tra Sở Y tế cho biết vẫn chưa thể chắc chắn hành vi cắt, ghép phim để tạo ra phim thừa xảy ra từ khi nào và số phim thừa này do ai quản lý, chiếm dụng ra sao. Lãnh đạo khoa Chẩn đoán hình ảnh và bệnh viện đều không thừa nhận trách nhiệm trước cơ quan điều tra.

Dù bị "móc túi" nhưng người bệnh rất khó được bồi hoàn
Dù bị "móc túi" nhưng người bệnh rất khó được bồi hoàn

Được biết, sau khi phát hiện những sai phạm nghiêm trọng tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Sở Y tế TP. HCM đã có công văn kiến nghị UBND TP. HCM tie6`1n hành thanh tra toàn diện hoạt động tại đây.

Thanh tra Sở Y tế xác định, các sai phạm trên do bác sĩ Hồ Văn Thạnh - Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, chịu trách nhiệm chính về việc để xảy ra thất thoát phim X- quang, Ban Giám đốc bệnh viện cần kiểm điểm và xử lý trách nhiệm các cá nhân liên quan trong giờ trực đã tham gia phẫu thuật yêu cầu; kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong việc quản lý Khoa Chẩn đoán hình ảnh của Ban Giám đốc bệnh viện...

Trước những sai phạm đã được vạch rõ này, có thể thấy, số tiền mà người bệnh bị “móc túi” tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP. HCM là vô cùng lớn. Tuy ve65y, nói theo ông Bùi minh Trạng – Chánh thanh tra Sở thì: “Thật tình là không thể nào bồi hoàn lại tiền thiệt hại cho bệnh nhân do khó xác định ai bị thiệt. Nhưng UBND TP. HCM đã có ý kiến chỉ đạo giám đốc sở Y tế phát đi thông báo xin lỗi bệnh nhân. Tiền thất thoát sau khi thu hồi được sẽ sung vào công quỹ.”

Ngọc Luân