Đưa vào sử dụng cầu lắp ghép đầu tiên ở Hà Nội

24/04/2012 10:01
Theo Trần Hằng - Nguyễn Hương/Công an nhân dân
Hai cây cầu ghép được khánh thành vào ngày 26/4 sẽ là giải pháp mới tháo gỡ hai điểm ùn tắc giao thông lớn của Hà Nội: Láng Hạ - Thái Hà và Chùa Bộc - Tây Sơn.
Một sự kiện được đông đảo người dân Thủ đô quan tâm là tới ngày 26 và 27/4, hai cây cầu lắp ghép bằng sắt đầu tiên của Hà Nội được lắp đặt tại nút giao thông ngã tư Láng Hạ - Thái Hà và Chùa Bộc – Tây Sơn sẽ chính thức thông xe và đưa vào sử dụng. Đây là công trình chào mừng kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) và đặc biệt hơn khi đưa vào sử dụng, 2 cây cầu này sẽ góp phần làm giảm tải ùn tắc ở 2 nút giao thông trọng điểm của thành phố.

Theo ghi nhận của chúng tôi, thời điểm này hàng trăm kỹ sư, công nhân đang ngày đêm hối hả thi công để đưa cây cầu về đích đúng tiến độ.

Chiều 20/4, có mặt ở công trình cầu vượt lắp ghép tại nút giao thông Láng Hạ - Thái Hà, hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp chính là sự hối hả, không khí làm việc hăng say của các kỹ sư cũng như công nhân đang đầm mình dưới thời tiết nóng bức đầu mùa để hoàn thiện nốt các hạng mục còn lại của cây cầu. Đích thân Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí 4 và Xây dựng Thăng Long Phạm Văn Tiềm đang có mặt kiểm tra công tác an toàn kỹ thuật cho ngày thông xe tới đây.

Cho đến nay, cây cầu vượt bằng sắt này đã về sát đến đích, vượt kế hoạch đặt ra gần 1 tháng. Mọi phần thi công, lắp đặt trên mặt cầu đã hoàn tất, hiện đang tiến hành lắp đặt lan can và hoàn thiện nốt vỉa hè dưới chân cầu. “Lúc đầu chúng tôi dự tính khánh thành vào ngày 19/5, nhưng do tiến độ thi công khá tốt nên đã hạ xuống ngày 30/4 và rồi quyết định khánh thành vào ngày 26/4”- ông Tiềm hồ hởi cho biết.

Đưa vào sử dụng cầu lắp ghép đầu tiên ở HN, Tin tức trong ngày, cau lap ghep, cau vuot, cau vuot chong un tac, un tac, cau vuot nhe, bao, tin hay, tin hot, tin tuc

Ngày 26/4, cầu vượt tại ngã tư Láng Hạ - Thái Hà, Chùa Bộc - Tây Sơn sẽ thông xe

Nút giao thông Láng Hạ - Thái Hà là một trong những nút giao thông thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Chính vì thế, phương án xây dựng cầu vượt lắp ghép để chống ùn tắc giao thông tại đây đã được dư luận đồng tình ủng hộ. Cọc nhồi đầu tiên của cây cầu này được khởi công đúng vào ngày mùng 1 Tết Nhâm Thìn. So với cầu vượt bê tông thì ưu điểm của cầu vượt lắp ghép là tháo lắp dễ dàng, ít tốn kém, lắp ghép nhẹ nhàng, trụ cầu bằng cọc bọc thép và dùng rôbốt để ép nên không gây ô nhiễm môi trường…

Từ ngày khởi công đến ngày khánh thành chỉ mất 99 ngày, đây là ưu điểm của cầu vượt lắp ghép mà nhiều nước trên thế giới lựa chọn. Tuy gặp trở ngại do thi công trong thành phố có nhiều công trình ngầm, mật độ giao thông lớn, nhưng để khắc phục, công ty đã bố trí cho công nhân tranh thủ làm việc ban đêm.

“Từ mùng 1 Tết đến nay, tất cả các cán bộ, kỹ sư, công nhân đều làm việc liên tục 3 ca, không có ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết. Chúng tôi đã tập trung mọi nguồn lực, thiết bị hiện đại nhất, công nhân lành nghề nhất để làm việc, đảm bảo đúng với thiết kế. Có lúc cao điểm, chúng tôi huy động tới 100 công nhân và 12 kỹ sư để cho kịp tiến độ” - ông Tiềm cho biết.

5h30’ ngày 20/4, chiều, chúng tôi có mặt ở nút giao thông Chùa Bộc - Tây Sơn và thấy dòng phương tiện ở ngã tư này đã đan kín. Đây là nút giao thông quá tải về mật độ phương tiện, luôn xảy ra tình trạng tắc nghẽn. Dưới chân cầu vượt, các công nhân của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công trình giao thông Hà Nội đang tiến hành san lấp hè cầu, làm hệ thống ống thoát nước.

Theo anh Lê Tự Hạnh, cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần Cầu 3 Thăng Long thì, khởi công từ ngày 21/1 (tức ngày 28 Tết Nguyên đán Nhâm Thìn) cho đến thời điểm này, cây cầu vượt ghép sắt Chùa Bộc - Tây Sơn về cơ bản đã được hoàn thành, chỉ còn phần lắp lan can nữa là xong. “Công việc này tương đối nhanh, chỉ hơn 1 ngày đến 1 ngày rưỡi là xong” - anh Hạnh cho biết.

Theo chúng tôi được biết, do đây là nút giao thông có mật độ phương tiện lớn nên các công nhân phải chuyển sang làm ca đêm là chính. Đêm 20/4, công ty đã bàn giao mặt bằng cho Công ty TNHH Nhà nước một thành viên công trình giao thông Hà Nội để hoàn thiện nốt hệ thống thoát nước khu vực gầm cầu. “Công việc gần như hoàn thành rất tốt, ngày 26/4 cầu vượt ghép sắt Chùa Bộc – Tây Sơn sẽ tổ chức thông xe kỹ thuật” - anh Hạnh phấn khởi cho biết.

Khi các cây cầu vượt được đưa vào sử dụng sẽ phát huy hiệu quả trong việc giảm ùn tắc giao thông cho Hà Nội như thế nào? Trung úy Phùng Ngọc Hiệp, Đội CSGT số 3, Công an TP Hà Nội - làm nhiệm vụ tại ngã tư Láng Hạ - Thái Hà cho biết, tại ngã tư này thông thường đều có từ 2-3 chiến sỹ CSGT “cắm” chốt. Vào giờ cao điểm, lực lượng CSGT phải tăng cường thành 5 người phối hợp cùng với lực lượng Thanh tra GTVT tổ chức phân luồng, điều khiển giao thông rất vất vả.

Trung úy Hiệp cũng cho biết, nếu cây cầu vượt ghép sắt này được đưa vào sử dụng chắc chắn sẽ tạo hiệu quả cao trong việc chống ùn tắc giao thông, không những thế còn tiết kiệm được sức người. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là việc người tham gia giao thông cũng cần phải tự nâng cao văn hoá giao thông, ý thức chấp hành Luật Giao thông, đi đúng làn đường.

Như vậy, hai cây cầu vượt lắp ghép đầu tiên của Hà Nội sắp được đưa vào sử dụng. Cùng với đó Hà Nội tiếp tục chuẩn bị xây dựng thêm nhiều cầu vượt lắp ghép tại các nút giao thông trọng điểm nhằm giảm bớt sự ách tắc đang ngày một quá tải.

Cầu vượt bằng sắt nút giao thông Láng Hạ - Thái Hà có chiều dài 189m, gồm 8 nhịp dầm thép liên tục, tổng vốn đầu tư hơn 67 tỷ đồng. Cầu cao 4,75m, rộng 9m, 2 làn ôtô, 2 làn xe máy, lan can cầu cao 1,1m, cho phép xe dưới 3 tấn lưu hành với vận tốc 40km/h. Cầu vượt sẽ thông xe kỹ thuật vào ngày 25/4 và khánh thành vào ngày 26/4.

Cầu vượt bằng sắt nút giao thông Chùa Bộc - Tây Sơn được xây dựng dọc theo tuyến đường Tây Sơn, dài 249m, 8 nhịp dầm thép liên tục, tổng vốn đầu tư 65,5 tỷ đồng. Cầu có kích cỡ giống như cầu vượt nút giao thông Láng Hạ - Thái Hà. Cầu sẽ thông xe kỹ thuật vào ngày 26/4 và khánh thành vào ngày 27/4.
Theo Trần Hằng - Nguyễn Hương/Công an nhân dân