“Được thăm lại đồng đội, giờ có nằm xuống chúng tôi cũng thấy mãn nguyện”

22/12/2015 13:04
Thủy Phan
(GDVN) - Những người cựu chiến binh già với bộ quân phục cũ đeo đầy huân, huy chương đến thăm lại chiến trường cũ, đến dâng hương lên mộ Đại tướng.

Nhân lễ kỷ niệm 71 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, nhiều người cựu chiến binh ở Quảng Bình đã đến thăm lại chiến trường cũ ở đường 20 Quyết Thắng và đến dâng hương tại mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa – đảo Yến.

“Được thăm lại đồng đội, giờ có nằm xuống chúng tôi cũng thấy mãn nguyện” ảnh 1
Nhiều cựu chiến binh ở Quảng Bình đến thăm lại đồng đội ở đường 20 Quyết Thắng (Ảnh: Thủy Phan)

Họ là những người lính già, từng tham gia trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập thống nhất đất nước, may mắn bây giờ vẫn đứng được ở đây để viếng thăm đồng đội.

Trên đường 20 Quyết Thắng, ở km 16+500 có một cái tên đã trở thành huyền thoại.

Ngược thời gian 43 năm về trước, ngày 14/11/1972, máy bay giặc ập đến dội bom bắn phá ác liệt trên tuyến đường 20 nhằm ngăn cản sự chi viện cho miền Nam. 

Vào thắp hương tại hang Tám cô (Ảnh: Thủy Phan)
Vào thắp hương tại hang Tám cô (Ảnh: Thủy Phan)

Lúc đó, 8 thanh niên xung phong cùng quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa gồm 4 nam và 4 nữ đang làm nhiệm vụ giữ huyết mạch giao thông đã vào hang Tám Cô trú ẩn, không may bom đánh 1 khối đá khổng lồ rơi xuống lấp miệng hang. 

Những ngày sau đó, đồng đội đã dùng mọi cách để kéo khối đá ra nhưng bất lực và 8 thanh niên xung phong đã ra đi mãi mãi. 

Vào dịp này, các cựu chiến binh cũng đến dâng hương tại mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh: Thủy Phan)
Vào dịp này, các cựu chiến binh cũng đến dâng hương tại mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh: Thủy Phan)

Mãi đến năm 1996, người ta mới phá đá cửa hang, tìm thấy nhiều di vật cũng như hài cốt của các thanh niên xung phong anh hùng. Sau đó, địa phương đã xây cất 1 ngôi đền bên cạnh để hương khói, thờ cúng các anh hùng liệt sĩ trên tuyến.

Hôm nay, những cựu chiến binh về đây, họ thắp nén hương tưởng nhớ 8 thanh niên xung kích, cầu cho linh hồn đồng đội được siêu thoát.

Mỗi nén hương dâng lên phần mộ Đại tướng như một lời tri ân của thế hệ sau đối với Người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam (Ảnh: Thủy Phan)
Mỗi nén hương dâng lên phần mộ Đại tướng như một lời tri ân của thế hệ sau đối với Người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam (Ảnh: Thủy Phan)

Theo cụ Nguyễn Thị Uân (74 tuổi, quê ở xã Nghĩa Ninh, TP. Đồng Hới, Quảng Bình), cụ từng là một trong những nữ thanh niên xung phong lên mở đường 20 Quyết Thắng vào những năm 1966. 

Con đường này đã hứng chịu không biết bao nhiêu bom đạn nhưng các thanh niên xung phong vẫn kiền cường để giữ huyết mạch giao thông để quân đội ta chi viện cho miền Nam. Trên tuyến đường này, đã có rất nhiều người là đồng đội của tôi hy sinh. 

Đứng trước vong linh của đồng đội, tôi như lại được sống lại khoảng thời gian đó, khoảng thời gian có quá nhiều khó khăn và gian khổ…
”, cụ Uân nghẹn ngào nói.

 “Chúng tôi là những người từng trải qua hai cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc. Thời kỳ đó cơ cực lắm, nhưng quân và dân ta vẫn cố gắng hết sức để đánh thắng giặc.

Thời gian đã qua đi, nhưng những ký ức về chiến tranh, về những người đồng đội trong kháng chiến vẫn còn nguyên vẹn. Hôm nay được đến thăm lại đồng đội, tôi thấy rất vui và xúc động, bây giờ nếu có nằm xuống thì tôi cũng thấy mãn nguyện”
, cụ Trần Ngọc Duyệt (87 tuổi, ở TP. Đồng Hới) chia sẻ.

Mỗi nén hương dâng lên phần mộ Đại tướng như một lời tri ân của thế hệ sau đối với Người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam (Ảnh: Thủy Phan)
Mỗi nén hương dâng lên phần mộ Đại tướng như một lời tri ân của thế hệ sau đối với Người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam (Ảnh: Thủy Phan)

Mỗi nén hương dâng lên phần mộ như một sự tưởng nhớ của các cựu chiến binh đối với đồng đội của mình.

Cũng trong dịp này, những cựu chiến binh này đã đến dâng hương tại mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam ở Vũng Chùa, đảo Yến.

Ông Nguyễn Thanh Hoanh, (72 tuổi, ở xã Hàm Ninh, TP. Đồng Hới, Quảng Bình) cho biết: “Tôi từng nhiều lần được gặp và làm việc Đại tướng, hình ảnh người để lại trong tôi vô cùng sâu sắc. Cứ vào mỗi dịp lễ, tôi lại đến dâng hương để tưởng nhớ Đại tướng- người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam”.

Thủy Phan