Dương Tự Trọng đã dùng những đối tượng cộm cán nào để giúp cho anh trai bỏ trốn?

19/12/2013 14:42
Phong Vũ
(GDVN) - Dưới sự trợ giúp của nhiều cán bộ Công an TP Hải Phòng, tội phạm trốn lệnh truy nã và kẻ giang hồ khét tiếng, Dương Tự Trọng đã lên kế hoạch đưa anh trai mình bỏ trốn ra nước ngoài để tránh tội.
Kẻ mật báo thông tin để Dương Chí Dũng bỏ trốn vẫn còn là bí mật

Như Báo Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, trong các ngày 12 – 13 - 14 và 16/12 vừa qua, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “Cố tình làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra ở Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Kết thúc phiên toà, HĐXX đã tuyên án tử hình đối với Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam. 

Trong quá trình xét xử vụ án nói trên, HĐXX cũng đề cấp đến vấn đề Dương Chí Dũng bỏ trốn vào tháng 5/2012, ngay khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tổ bị can và có lệnh bắt tạm giam đối với Dũng. Theo đó, Dũng khai rằng, khoảng 6h00 tối ngày 17/5/2012, Dũng đã nhận được một cuộc điện thoại từ người thân. Nội dung cuộc điện thoại này nói rằng: “Anh hãy tạm lánh đi đâu đó một thời gian. Cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố và có lệnh bắt anh rồi!”

Dương Tự Trọng (đứng giữa) khi còn đương chức. (Ảnh: Lao Động)
Dương Tự Trọng (đứng giữa) khi còn đương chức. (Ảnh: Lao Động)

“Sau khi nghe vậy, tôi hoảng quá, vội vàng bỏ đi luôn mà không suy nghĩ gì cả. Tôi bỏ đi không phải vì sợ tội và để trốn tránh trách nhiệm. Nếu không có cuộc điện thoại đó thì tôi không bao giờ bỏ đi,” Dũng khẳng định.

Theo lời khai của Dũng, trước đó bị can đã được Cơ quan điều tra mời lên làm việc liên quan đến những sai phạm trong việc đầu tư dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam và việc mua ụ nổi 83M của Vinalines. 

Khi HĐXX hỏi ai là người đã báo tin trong cuộc điện thoại nói trên, Dũng nói: “Điều này bị can đã khai với Cơ quan điều tra trong một vụ án khác rồi. Nếu tòa yêu cầu bị can phải khai thì bị can sẽ khai. Nhưng nếu không, bị cáo xin phép được không nói ở đây, vì ở đây, bị cáo đang khai về vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản. Hơn nữa, nói ra điều này ở đây có thể tạo dư luận không tốt.”

Khi nghe lời khai của Dũng, nhiều người đã phỏng đoán rằng, kẻ đã báo tin cho Dương Chí Dũng cũng chính là người đã tổ chức cho Dũng trốn ra nước ngoài, đó chính là Dương Tự Trọng, em trai của Dũng. 

Theo dự kiến, vào cuối tháng này, TAND TP Hà Nội sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án Dương Tự Trọng và đồng phạm liên quan đến hành vi tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài. Cáo trạng vụ án ghi rõ:

“Chiều ngày 17/5/2012, Dương Chí Dũng (lúc này đang là Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam) biết được thông tin sẽ bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng (…), nên đã thông báo với em trai là Dương Tự Trọng (khi đó là Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng) và được Dương Tự Trọng hướng dẫn tạm thời đến trốn tại nhà H.K.N…”

Như vậy, có vẻ như Dương Tự Trong không phải là người đã thông báo cho Dũng biết việc đã bị khởi tố và có lệnh bắt tạm giam để Dũng biết và bỏ trốn ngay trước khi Cơ quan điều tra tổ chức bắt tạm giam. Cho tới nay, kẻ mật báo thông tin cho Dương Chí Dũng trong cuộc điện thoại nói trên vẫn còn là một bí mật.

Bao che cho tội phạm truy nã để đưa anh trai bỏ trốn 

Theo cáo trạng, vào tối ngày 17/5/2012, sau khi biết anh trai là Dương Chí Dũng sẽ bị khởi tố, bắt tạm giam, Dương Tự Trọng hướng dẫn Dũng tạm thời đến trốn tại nhà chị H.K.N (bạn gái Trọng) ở phố Nguyễn Khánh Toàn, phường Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội.

Sau đó, Trọng đã “triệu tập” các đồng phạm để bàn bạc, lên kế hoạch đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn. Trong số các đồng phạm này, có 3 người khi đó đang là cán bộ Công an TP Hải Phòng, 1 nguyên cán bộ Công an TP Hải Phòng là tội phạm đang trốn lệnh truy nã, 1 tên giang hồ khét tiếng, 1 người là bạn thân của Trọng. 

Cụ thể, 6 đối tượng đã trợ giúp đắc lực cho Dương Tự Trọng trong vụ án này bao gồm: Vũ Tiến Sơn (nguyên Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trận tự xã hội, Công an TP Hải Phòng); Hoàng Văn Thắng (nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra các tội phạm về môi trường, Công an TP Hải Phòng), Nguyễn Trọng Ánh (nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội, Công an TP Hải Phòng);

Phạm Minh Tuấn (bạn thân của Trọng, Giám đốc xí nghiệp Bạch Đằng, Hải Phòng); Đồng Xuân Phong (nguyên cán bộ Cục Hải quan TP Hải Phòng, bị Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố bị can, truy nã, đang bỏ trốn); Trần Văn Dũng (còn có tên gọi khác là Dũng Bắc Cạn, từng bị TAND tỉnh Bắc Thái xử phạt 3 năm tù cho án treo về tội Buôn lậu vào năm 1996; bị TAND tối cao tuyên phạt 2 năm tù giam về tội Tàng trữ trái phép chất ma tuý, buộc chấp hành 3 năm tù về tội Buôn lậu theo bản án năm 1996 của Toà án tỉnh Bắc Thái. Dũng thụ án từ 2002, đến năm 2006 mãn hạn). 

Không lâu sau khi Dương Chí Dũng bị tuyên án tử hình, em trai là Dương Tự Trọng lại phải đứng trước vành móng ngựa và đối mặt với bản ản 20 năm tù.
Không lâu sau khi Dương Chí Dũng bị tuyên án tử hình, em trai là Dương Tự Trọng lại phải đứng trước vành móng ngựa và đối mặt với bản ản 20 năm tù.

Theo hồ sơ vụ án, sau khi bàn bạc, thống nhất, Trọng đã giao cho Vũ Tiến Sơn tổ chức, chỉ đạo, phân công Thắng, Ánh, Tuấn, Phong, Dũng và một số đối tượng khác sử dụng xe ô tô chở Dũng từ Hà Nội về Quảng Ninh ngay trong đêm 17/5. 

Ngày 21/5/2012, các đối tượng tiếp tục đưa Dũng từ Quảng Ninh đến khu vực cửa khẩu Tây Ninh và tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn sang Campuchia vào khoảng 19h00 ngày 23/5/2012.

Ngày 24/5/2012, Phong đã mua vé máy bay để đưa Dương Chí Dũng bay sang Singapore làm thủ tục xuất cảnh đi Mỹ. Ngày 27/5/2012, do không được phép nhập cảnh vào Mỹ, Dương Chí Dũng buộc phải trở về Campuchia và được Dương Tự Trọng chỉ đạo bố chí chỗ ăn ở tại đây.

Ngày 4/9/2012, Dương Chí Dũng đã bị cơ quan chức năng Campuchia và Việt Nam bắt giữ, kết thúc hành trình trốn chạy gần 4 tháng. Ngay sau đó, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải đã được di lý về Việt Nam để xử lý theo pháp luật.

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội có tổ chức, do Dương Tự Trọng là người chủ mưu, cầm đầu, Vũ Tiến Sơn tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của Trọng bằng nhiều thủ đoạn tinh vi như sử dụng sim rác, thương xuyên thay đổi số điện thoại để liên lạc, thay đổi địa điểm trốn, phương tiện đưa đón, cung cấp tiền, giao cho các đối tượng thực hiện từng phần việc khác nhau nhằm che dấu hànhh vi phạm tội. 

Đáng chú ý, trong quá trình bỏ trốn, nhằm tránh bị cơ quan điều tra phát hiện, các đối tượng đã nghĩ ra cách dùng “mật danh” để gọi tên, liên lạc. Theo đó, Dũng được gọi là “Đồng”, Đồng Xuân Phong là “Gió”, Trần Văn Dũng là “Cạn”.

Hành vi tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn của Dương Tự Trọng và các đồng phạm nói trên đã xâm hại trực tiếp đến trật tự quản lý kinh tế Nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh; đã cản trở, gây khó khăn rất lớn đến quá trình điều tra vụ án “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Vinalines.

Vụ việc này còn tao ra dư luận xã hội không tốt, gây mất lòng tin của nhân dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uý tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Trong vụ án này, Dương Tự Trọng là người khởi xướng, chủ mưu, chỉ đạo và giao cho Vũ Tiến Sơn cùng các bị can trong vụ án này và các đối tượng khác tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn áng Campuchia. Trong quá trình điều tra, Trọng chưa thành khẩn khai báo, không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. 

Trên cơ sở đó, Viện Kiểm sát đề nghị truy tố nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng  về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” theo Khoản 3, điều 275 Bộ Luật Hình sự với khung hình phạt từ 12 đến 20 năm tù.

Cùng tội danh và khung hình phạt đề nghị truy tố với Dương Tự Trọng còn có Vũ Tiến Sơn. Sơn là người được Trọng bàn bạc, thống nhất và giao việc liên lạc, phối hợp, điều khiển mọi hoạt động của các bị can và các đối tượng khác tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn. Sau đó, Sơn đã 2 lần nhận tiền của Trọng (34.000 USD) để giao cho Đồng Xuân Phong, Trần Văn Dũng mang sang Campuchia cho Dũng.

Các bị can còn lại bao gồm Thắng, Phong, Dũng, Ánh, Tuấn phạm tội với vai trò là các đồng phạm, người thực hành, bị đề nghị truy tố theo Khoản 1, điều 275 Bộ Luật Hình sự với khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù. 

Trong đó, Hoàng Văn Thắng và Nguyễn Trọng Ánh  được xác định là phạm tội do nể nang trong hoàn cảnh là cấp dưới của Dương Tự Trọng. Đồng Xuân Phong phạm tội trong hoàn cảnh đang được Dương Tự Trọng bao che trong việc trốn lệnh truy nã. Trần Văn Dũng phạm tội do bị Dương Tự Trọng và Vũ Tiến Sơn ép buộc. Phạm Minh Tuấn phạm tội do nể nang vì mối quan hệ bạn bè với Dương Tự Trọng./.

Phong Vũ