GS Ngô Đức Thịnh: Nghi lễ khai ấn bị biến thành lễ hội “cầu quan”

27/02/2013 15:03
Nguyễn Huệ (thực hiện)
(GDVN) - Mặc dù đã huy động lực lượng người bảo vệ lễ hội khai ấn đền Trần (Nam Định) nhưng vẫn không ngăn được hiện tượng “mưa tiền” khi sắp đến giờ phát ấn. Người dân thi nhau ném tiền vào kiệu rước ấn, nhét tiền vào đầu rồng, “cướp” hoa, lộc trên ban thờ… Thậm chí hộ giẫm đạp lên nhau để được phát ấn.
Năm 2013, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh có cam kết, lãnh đạo Bộ sẽ chỉ đạo quyết liệt và kiểm tra, đôn đốc thường xuyên để Xuân Quý Tỵ có một mùa Lễ hội an ninh, an toàn nhưng những hình ảnh trên vẫn tái diễn.

Trước những hình ảnh đang làm xấu đi những nét đẹp vốn có của lễ hội đền Trần nói riêng, lễ hội truyền thống trên cả nước nói chung, GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, chia sẻ cùng độc giả:

Giáo sư Ngô Đức Thịnh.
Giáo sư Ngô Đức Thịnh.

PV: Theo Giáo sư, vì sao ấn đền Trần lại có “sức hút” với người dân như vậy?

GS Ngô Đức Thịnh: Lễ khai ấn đền Trần năm 2013 diễn ra vào nửa đêm 14 âm lịch, tức rạng sáng ngày 15 tháng giêng (đêm ngày 23 rạng sáng ngày 24/2) tại Tiên Miếu nhà Trần (hương Tức Mạc xưa), Nam Định. Nguyên ủy việc khai ấn đơn giản là nghi lễ mở đầu công việc của nhà nước quân chủ thời Nhà Trần.

Sau này khi Nhà Trần sụp đổ thì thì nghi lễ này được con cháu Nhà Trần ở Tức Mạc thực hiện dưới hình thức nghi lễ dân gian. Việc đóng ấn và phát ấn chỉ trong phạm vi hạn hẹp. Vào những năm 90 thế kỷ trước, tỉnh Nam Định có chủ trương phục hồi và nâng cấp lễ hội đền Trần, trong đó có nghi lễ khai ấn đầu năm.

Tuy nhiên trong việc phục hồi và nâng cấp này thì việc khai ấn đã bị xuyên tạc theo hướng là nghi lễ thăng quan thưởng quan, tạo nên tâm lý “cầu quan”, “bổng lộc” trong bối cảnh xã hội hiện nay.

PV: Người dân đổ xô, thậm chí giẫm đạp lên nhau để được phát ấn đền Trần, nhưng liệu họ có hiểu được ý nghĩa của việc phát ấn tại đây?

GS Ngô Đức Thịnh: Đến lễ hội không giống như vào khách sạn 5 sao, vào đó cái gì cũng sạch sẽ, cái gì cũng theo trật tự. Lễ hội cũng có lúc phải có cái xô bồ, phải chen lấn, khiến dân gian xưa thốt lên “muốn tả tơi đi xem hội”. Nhưng đó là cái xô bồ, chen lấn mang tính phong tục.

Thực hiện nghi lễ phải trên cơ sở hiểu biết và phải có tâm thế của người thực hiện nghi lễ. Nhưng ngày nay chúng ta đi lễ hay đi hội đều trên cơ sở chưa hiểu hết về ý nghĩa của lễ hội đó. Nhiều người thấy bát hương là tới khấn vái nhưng họ không biết, không hiểu bát hương ấy là thờ ai, nghi lễ phải thực hiện những gì… Thậm chí họ không biết cả những quan niệm dân gian đã đặt ra như vào hội thì nơi chính để đặt hương ở đâu; đền, chùa, phủ là thờ ai…

Điển hình là đi xin ấn ở đền Trần nhiều người đã không còn chú ý đến ý nghĩa lịch sử, văn hóa cao cả của nó mà chỉ chăm chăm đến việc phát ấn, làm sao có được chiếc ấn, coi đó là yếu tố quan trọng nhất của lễ hội đền Trần, từ đó tạo nên những cảnh tượng chen lấn, tranh cướp không đáng có.

ắt đầu phát Ấn cũng là lúc bắt đầu mọi thứ ở khu vực xếp hàng nhận ấn bị đảo lộn.
ắt đầu phát Ấn cũng là lúc bắt đầu mọi thứ ở khu vực xếp hàng nhận ấn bị đảo lộn.

PV: Hiện nay vấn đề thương mại hóa lễ hội đang được đặt ra trong nhiều lễ hội nói chung, lễ hội đền Trần nói riêng, chúng ta có nên trả lại lễ hội cho cộng đồng?

GS Ngô Đức Thịnh: Lễ hội vốn thuộc về cộng đồng. Sau một thời gian dài từ những năm 50 đến những năm 90 của thế kỉ XX, những tri thức, hiểu biết về văn hóa lễ hội bị đứt gẫy bởi chiến tranh rồi phong trào chống “mê tín dị đoan”, rất nhiều các lễ hội tại Việt Nam bị cấm đoán. Bây giờ, khi được khôi phục lại, các lễ hội truyền thống mới lúng túng đi tìm một cách tồn tại mới, trong một bối cảnh xã hội mới nhưng lại không có sự kế thừa.

Trả lại lễ hội cho cộng đồng là xác lập vai trò chủ thể của người dân. Điều này rất cần thiết và nên làm. Trong lễ hội, không chỉ có Nhà nước mà phải để dân tham gia quản lý thì người dân mới ý thức được hết vai trò, trách nhiệm của mình mà tự làm chủ được hành động của mình mỗi khi tham gia.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, việc huy động lực lượng bảo vệ quá đông, vô hình trung tạo nên sự phản cảm trong lễ hội đền Trần. Ý kiến của Giáo sư như thế nào trước luồng dư luận này?

GS Ngô Đức Thịnh: Để lễ hội đền Trần diễn ra theo đúng tinh thần của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND TP Nam Định đã huy động lực lượng bảo vệ lớn bao gồm công an, cảnh sát cơ động, dân quân tự vệ, bộ đội... để giữ trật tự cho việc khai ấn đền Trần.

Điều đó chắc ban tổ chức cũng không muốn, mà là việc làm bất khả kháng. Nhưng hiện tượng “vỡ trận” vẫn diễn ra và thậm chí có nhiều hình ảnh phi văn hóa, phi tín ngưỡng như vo tiền lại và ném vào kiệu rước ấn, “cướp” hoa, lộc trên ban thờ…

Đấy là chưa kể việc huy động lực lượng hùng hậu như thế sẽ tạo nên tâm lý không hay trong người dân. Điều quan trọng là chúng ta phải bắt đúng “bệnh” của lễ hội đang diễn ra và giải quyết tận gốc, tránh rơi vào tình trạng đối phó.

Việc huy động lực lượng bảo vệ hùng hậu sẽ tạo tâm lý không hay trong người dân.
Việc huy động lực lượng bảo vệ hùng hậu sẽ tạo tâm lý không hay trong người dân.

PV: Vậy theo ông gốc rễ của việc lập lại trật tự trong lễ hội đền Trần là gì ?

GS Ngô Đức Thịnh. Với lễ hội đền Trần cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm khơi lại ý nghĩa đích thực là tôn vinh giá trị lịch sử và văn hóa của thời đại nhà Trần, một thời đại vẻ vang bậc nhất của lịch sử dân tộc để kế thừa và phát huy hào khí Đông A thời Trần; phải khắc phục tình trạng biến dạng ý nghĩa của lễ hội, trong đó yếu tố gốc đã bị xói mòn, rơi vào trạng thái theo hướng “cuồng tín”, từ đó biểu hiện ra hàng loạt những hành vi lệch chuẩn.

PV: Có những giải pháp gì để trả lại lễ hội cho cộng đồng và người dân hiểu được ý nghĩa nơi lễ hội mình tới?

GS Ngô Đức Thịnh: Xã hội chúng ta đang phát triển rất nhanh với sự pha trộn của nhiều luồng văn hóa. Những guồng quay của cuộc sống và công việc khiến con người ngày càng có nhu cầu tìm đến với hệ thống các giá trị tín ngưỡng để tìm sự cân bằng tâm lý cho mình. Nhưng suốt gần nửa thập kỉ, sự hiểu biết về văn hóa lễ hội bị đứt quãng, khi được phục hồi lại không có sự kế thừa và phát huy, dẫn tới hiện tượng “lệch chuẩn” trong mùa lễ hội với nhiều hình thái biến tướng.

Trước thực tại đó, chúng ta không thể nêu ra những biện pháp trước mắt mà điều cốt yếu là phải có những chiến lược lâu dài. Phải phổ cập lại tri thức về tín ngưỡng và lễ hội. Người dân có sự hiểu biết thì họ sẽ hành động khác. Hơn nữa, người dân phải được làm chủ lễ hội. Đó là hai yếu tố cơ bản giúp xây dựng lễ hội bền vững và lành mạnh. Yếu tố Nhà nước chỉ là yếu tố trợ giúp chứ không phải yếu tố chính.

Nhà nước phải định hướng và hỗ trợ cho người dân để người dân có đầy đủ tư cách thực hiện quyền làm chủ của mình trong lễ hội.  

Nhà trường và các phương tiện thông tin đại chúng chính là phương tiện giúp dân hiểu hơn về điều đó.

Cảm ơn Giáo sư!

Nguyễn Huệ (thực hiện)