GS Trần Lâm Biền: "Chuyện ở chùa Diên Hựu đã bị nói quá sự thật"

23/05/2013 07:35
Ngọc Quang
(GDVN) - Trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam vào trưa qua, GS Trần Lâm Biền đã nhận định, không thể tránh được sự những mâu thuẫn và tiêu cực trong quá trình phát triển, Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào cũng vậy. Vấn đề chỉ khác nhau ở chỗ khi đã tìm ra được bản chất thì cần sự vào cuộc, xử lý đúng mực, còn nếu xử lý không đúng sẽ làm méo mó bản chất của vấn đề, gây ra những tai họa khó lường.

Chuyện ở chùa Diên Hựu đã bị nói quá sự thật

GS Trần Lâm Biền khẳng định, ở đây có sự nói quá lên (điều này cũng được ông Phan Đăng Long – Phó Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội khẳng định tại một buổi giao ban báo chí gần đây). “Tôi thuộc đến từng pho tượng trong chùa và biết rất rõ giá trị của từng pho tượng.

Về các pho tượng thì giá trị không cao nhưng vẫn cần được bảo vệ. Chỉ vì mấy viên ngói xô lệch thì trụ trì hoàn toàn có thể mượn người sửa lại, chứ không nên để dột rồi mặc áo mưa, đội nón cho tượng, rồi đẩy thành vấn đề thành nghiêm trọng như vừa qua, khiến cho nhiều người dân hiểu sai đi, thậm chí sẽ có người bức xúc.

Còn chuyện ngập lụt thì ở Hà Nội vào những thời điểm như vậy có rất nhiều nơi bị chứ không riêng chùa Diên Hựu, ở đâu cũng cần được xem xét xử lý nhanh chóng, chỉ có điều chính quyền họ cũng không thể làm cho nhanh tất cả ngay được”.

GS Trần Lâm Biền nhận định, chuyện tượng phật "đội nón, mặc áo mưa" ở chùa Diên Hựu đã bị nói quá lên.
GS Trần Lâm Biền nhận định, chuyện tượng phật "đội nón, mặc áo mưa" ở chùa Diên Hựu đã bị nói quá lên.

GS Biền cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, ban đầu thông tin trên báo chí khiến nhiều người hiểu lầm nghĩ rằng chùa Một Cột – biểu tượng của lịch sử Việt Nam đang xuống cấp trầm trọng. Nhưng thực tế thì đây là chuyện ở chùa Diên Hựu, còn chùa Một Cột không hề bị ảnh hưởng gì.

“Mấy viên ngói ở chùa Diên Hựu có bị xô lệch theo thời gian thì đó cũng là chuyện bình thường, chỉ cần sửa lại là xong. Tháng 6 tới đây, các cơ quan có liên quan sẽ trình lên Cục Di sản phương án xử lý đối với chùa Một Cột, chùa Diên Hựu và nhà mẫu. Theo tôi, ngoài chuyện xử lý sự xuống cấp của di tích thì còn phải cương quyết bỏ ra ngoài chùa những cái gì đã đưa vào một cách vô lối. Đó là hai con sư tử đá không phải nghệ thuật Việt mà là nghệ thuật ngoại lai, hay những bức tượng thừa…”, GS Biền nhấn mạnh.

Là một nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng hàng đầu Việt Nam, GS Trần Lâm Biền cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, chùa Một Cột và chùa Diên Hựu mang ý nghĩa rất lớn về tinh thần, nhưng không còn dấu tích gì của thời Lý, thời Trần, thời Lê sơ, mà kiến trúc chủ yếu là của thời Nguyễn. Dù vậy, nó đã ăn sâu vào tâm khảm người Việt hiện nay, do đó chúng ta phải bảo vệ nó trước hết vì tinh thần yêu quý di sản của tổ tiên, và còn vì giá trị biểu tượng, tôn trọng bản sắc dân tộc.

Cuối cùng, GS Trần Lâm Biền cho rằng, xảy ra sự việc trên không phải vì cơ quan quản lý văn hóa thờ ơ với di tích, mà kiểm soát không xuể, bởi Hà Nội có đến mấy nghìn di tích. “Trường hợp của chùa Diên Hựu, ông Kiên là trụ trì và cũng là một công dân, khi nghĩ đến vấn đề văn hóa thì cũng phải nghĩ cả chuyện khác nữa. Không nên để chuyện bé xé ra to, không kiểm soát được hành động, dẫn tới những thông tin sai lệch và tạo ra mâu thuẫn trong quần chúng”.

Hơn 80 hộ dân ở Đường Lâm xin trả di tích vì đời sống quá bức bối

GS Trần Lâm Biền nhận định: “Chuyện xảy ra ở làng cổ Đường Lâm thì rốt cuộc chính quyền và ngành văn hóa đã thống nhất được cách giải quyết, dù rằng để xảy ra những điều như thế là hết sức đáng tiếc. Có lần, tôi đã nói, chuyện ở Đường Lâm giống như người ta ứng xử với một đứa con rơi, đẻ ra rồi mặc kệ, không cần quan tâm gì đến nó. Nhưng dù sao thì muộn còn hơn không, cũng phải rút ra một điều là đừng để những khủng hoảng tất yếu đó trở thành bản chất”.

Người dân ở Đường Lâm xin trả di tích vì đời sống quá bức bối.
Người dân ở Đường Lâm xin trả di tích vì đời sống quá bức bối.

Theo GS Trần Lâm Biền, chuyện ở làng cổ Đường Lâm không thể trách ngành văn hóa, vì họ đã tham gia bảo vệ di tích rất tích cực. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là giữa chính quyền địa phương, các sở ngành khác và ngành văn hóa chưa có sự phối hợp đồng bộ.

Ông nói: "Chính quyền lo đến sự phát triển, trong khi ngành văn hóa thì luôn yêu cầu khu vực một phải giữ nguyên trạng. Hai bên đều có cái lý của mình và vì vậy cần phải có một cấp lãnh đạo cao hơn chỉ đạo giải quyết, chỉ tiếc một điều là di tích đã được xếp hạng 8 năm rồi thì bây giờ chuyện giãn dân mới thực sự được đưa vào cuộc sống.

Tôi tin là chẳng người dân nào muốn vậy, vì nếu không thì họ đã làm cái việc này từ 8 năm trước rồi, mà bây giờ nhiều gia đình dựng vợ gả chồng cho con cái, không gian sinh hoạt trật hẹp quá nên thành ra bức bối, chịu đựng mãi nên thành ra bức xúc lớn. Bản chất của vấn đề là họ không muốn trả lại di tích, mà họ đòi hỏi đời sống của họ phải được quan tâm một cách chính đáng”.

Trong tháng 6 tới đây, các cơ quan có liên quan sẽ hoàn thiện một đề án tổng thể trình UBND TP Hà Nội phê duyệt, xử lý dứt điểm “khủng hoảng đời sống” cho người dân ở làng cổ Đường Lâm. Theo quan điểm của GS Trần Lâm Biền thì chính quyền và ngành văn hóa phải bắt tay để giải quyết vấn đề, cần lập khu tân để giãn dân (đồng thời có thể phát triển dịch vụ khách sạn để phục vụ du khách) và khu cựu để bảo tồn văn hóa.

Xây cầu vượt qua đàn Xã Tắc: Muốn phát triển phải tôn trọng lịch sử

Một vấn đề khác cũng đang rất “nóng”, được dư luận Thủ đô đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây là dự án xây cầu vượt qua đàn Xã Tắc đang “tắc tị” vì vấp phải sự phản đối của rất nhiều các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về lịch sử, văn hóa, khảo cổ học… đặc biệt là gần đây TS Nguyễn Hồng Kiên đã chỉ ra rằng phương án mà chủ đầu tư lựa chọn công bố cho là “tốt nhất” thì lại là “tồi nhất” vì nó đi qua trung tâm của đàn Xã Tắc, và khi trôn các trụ cầu sẽ phá hủy toàn bộ di tích này.

TS Nguyễn Hồng Kiên đã chứng minh phương án mà chủ đầu tư công bố cách đây 2 tháng sẽ phá hủy đàn Xã Tắc.
TS Nguyễn Hồng Kiên đã chứng minh phương án mà chủ đầu tư công bố cách đây 2 tháng sẽ phá hủy đàn Xã Tắc.

GS Trần Lâm Biền cho rằng, muốn phát triển thì phải biết tôn trọng lịch sử, phải biết tôn trọng tổ tiên, chuyện xảy ra là do nhiều người coi văn hóa chỉ là chuyện của ngành văn hóa, văn hóa ấy không phải của mình mà là của ai đó, của người xưa. “Vấn đề quan trọng nhất cuối cùng vẫn là làm sao để hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, những nhà nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu sử học và khảo cổ học đã nói rõ quan điểm của mình, còn phía những người nghiêng về hướng phải xây cầu để phát triển cũng có cái lý của họ. Bây giờ phải chờ lãnh đạo của TP Hà Nội quyết định, bao nhiêu vấn đề lớn khác còn xử lý được thì chẳng lẽ lại không có biện pháp gì để gỡ nút thắt này?”, GS Biền bày tỏ.

Ngọc Quang