Ghế nóng thành ghế trống, đại biểu ăn nói thế nào với cử tri?

15/11/2015 15:06
XUÂN QUANG (GHI)
(GDVN) - “Lá phiếu” của mỗi đại biểu có giá trị như nhau, nên không thể nói thiếu một vài người không ảnh hưởng gì tới những quyết sách quan trọng của đất nước”.

LTS: Không ít lần Quốc hội than phiền về việc số lượng đại biểu vắng mặt tại một số kỳ họp. Cá biệt có những phiên họp, số lương đại biểu vắng mặt lên tới cả trăm người.

Có ý kiến cho rằng, việc Đại biểu Quốc hội vắng mặt, ít nhiều ảnh hưởng tới chất lượng kỳ họp cũng như việc đưa ra những quyết sách quan trọng của đất nước.

Để làm rõ hơn vấn đề này, hôm 14/11, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Cuông – nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.

PV: Hiện tượng “ghế nóng” biến thành “ghế trống” tiếp tục được lặp lại tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Cá biệt có những phiên họp số đại biểu vắng đến cả trăm người. Theo ông đâu là nguyên nhân?

Ông Lê Văn Cuông: Thực tế cho thấy, trong tổng số các Đại biểu Quốc hội hiện nay, có đến 2/3 số người kiêm nhiệm chức vụ.

Ngoài việc phải dư họp theo quy định, không ít đại biểu, đặc biệt là người đứng đầu các Bộ, Ngành, địa phương... còn phải giải quyết nhiều vấn đề  liên quan thuộc trách nhiệm của mình. Do đó, việc đại biểu vắng họp là chuyện thường xuyên xảy ra.

Mặt khác, dù Quốc hội đã có quy chế hoạt động cụ thể, nhưng chế tài xử lý các đại biểu vắng mặt vô lý do hoặc có lý do nhưng không chính đáng chưa được thực thi một cách nghiêm túc. Trong khi đó, việc nhắc nhở đại biểu vắng mặt còn mang tính chất chung chung, chưa làm rõ trách nhiệm của họ khi vi phạm quy chế do Quốc hội đề ra.

Ông Lê Văn Cuông (ảnh: Tuổi trẻ).
Ông Lê Văn Cuông (ảnh: Tuổi trẻ).

Bên cạnh việc đại biểu nghỉ họp vì những lý do bất khả kháng (bệnh tật, ốm đau), thì không ít không loại trừ trường hợp trường hợp lợi dụng điều này để vắng họp.

Mặt khác từng có trường hợp trưởng đoàn đoàn đại biểu nể nang, bao che cho việc nghỉ họp không chính đáng của đại biểu đoàn mình.

Do đó, khách quan mà nói, việc nhiều Đại biểu Quốc hội vắng họp vô lý do, suy cho cùng cũng bởi tại anh, tại ả, tại cả đôi đường”.

Như ông nói, với 2/3 số Đại biểu Quốc hội là kiêm nhiệm, nên không ít trường hợp xin nghỉ họp để giải quyết công việc nội bộ. Theo ông điều này có thể chấp nhận được không?

Ông Lê Văn Cuông: Đã là chuyện “quốc kế, dân sinh” thì nhiệm vụ nào cũng quan trọng. Tuy nhiên trong trường hợp này các đại biểu nên xác định vai trò, trách nhiệm của mình trước cử tri, trước những quyết sách quan trọng của đất nước. Từ đó xác định đâu là nhiệm vụ quan trọng nhất, cần kíp nhất.

Bởi lẽ, điều cử tri trông chờ ở các Đại biểu Quốc hội là việc họ thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình để xứng

Ghế nóng thành ghế trống, đại biểu ăn nói thế nào với cử tri? ảnh 2

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm: “Cha làm thầy, con đốt sách” mới là bất hạnh

đáng là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước. Tiếng nói của ĐBQH phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội và cơ quan Nhà nước hữu quan. 

Xét ở cương vị cử tri, ắt hẳn nhiều người sẽ không đồng tình với vị đại biểu do mình bầu ra, vắng mặt dù ít hay nhiều lần tại các phiên họp Quốc hội.

Còn trường hợp đại biểu lợi dụng lý do kiêm nhiệm để nghỉ họp nhưng thực chất họ nghỉ không phải vì trách nhiệm của người lãnh đạo mà vì việc khác không liên quan thì cần phải xem xét lại tư cách của đại biểu đó.

Trong khi đó, tại các phiên họp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đều có mặt dự họp, không có lý gì đại biểu không thể dự họp bởi những lý do không chính đáng.

Tôi phân vân, hay còn có thứ khác quan trọng hơn những quyết sách ảnh hưởng trực tiếp tới sự vận mệnh của đất nước, cho nên họ mới nghỉ nhiều như thế?

Vấn đề Đại biểu Quốc hội vắng họp nhiều còn nói lên điều gì, thưa ông?

Ông Lê Văn Cuông: Dân bầu đại biểu không phải để họ đi họp cho đẹp, cho vui theo kiểu “được chăng hay chớ”.

Ngoài việc đại biểu thiếu nghiêm túc, thiếu trách nhiệm mỗi khi vắng họp vô lý do, thì hiện tượng trên phần nào cũng cho thấy chất lượng đại biểu của chúng ta có vấn đề từ khâu giới thiệu, bầu bán.

Mặt khác, việc quản lý đại biểu Quốc hội chưa thực sự chặt chẽ khiến không ít người coi nhẹ vấn đề hội họp. Điều này rất dễ làm phát sinh hội chứng “đại biểu đua nhau nghỉ”.

Theo ông, việc nhiều Đại biểu Quốc hội vắng mặt sẽ ảnh hưởng như thế nào tới chuyện "quốc kế dân sinh"?

Ông Lê Văn Cuông: Mỗi một ý kiến biểu quyết của đại biểu đều rất quan trọng, có tác động trực tiếp tới việc thông qua các quyết sách quan trọng của đất nước. Về lâu về dài sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của nhân dân…

Tôi cho rằng, “lá phiếu” của mỗi đại biểu có giá trị như nhau, nên không thể nói thiếu một vài người không quan trọng.

Xét trên cương vị Đại biểu Quốc hội thì họ chưa hoàn thành trách nhiệm với cử tri. Bởi nếu không dự họp làm sao người ta tiếp thu hết ý kiến truyền tải trong mỗi phiên họp. Họ sẽ ăn nói thế nào khi tiếp xúc cử tri?

Tôi cho rằng, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ cực kỳ nguy hiểm. Nó không những ảnh hưởng tới chất lượng kỳ họp mà còn khiến cử tri mất tín nhiệm vào vị đại biểu do mình bầu ra.

Do đó, đại biểu phải biết xấu hổ vì sự thiếu trách nhiệm của mình khi không hoàn thành trọng trách đã được cử tri giao phó.

Theo ông, có cần thiết áp dụng chế tài xử phạt các Đại biểu Quốc hội vô kỷ luật?

Ông Lê Văn Cuông: Về mặt lý thuyết, lẽ ra các Đại biểu Quốc hội phải ý thức được tránh nhiệm của mình khi được nhân dân tín nhiệm, giao phó trọng trách quan trọng.

Tuy nhiên, một khi Đại biểu Quốc hội chưa ý thức cao về vai trò và trách nhiệm của mình, cần thiết phải áp dụng các chế tài, biện pháp xử lý hành chính để chấn chỉnh tình trạng đại biểu vắng họp vì những lý do không chính đáng.

Do đó, để Quốc hội không phải than phiền vì số lượng đại biểu nghỉ quá nhiều trong mỗi phiên họp, nên áp dụng các biện pháp đánh giá, xếp loại đối với các trường hợp đại biểu nghỉ họp không chính đáng.

Thậm chí nếu nhắc nhở nhiều mà tình trạng này vẫn tái diễn thì nên điểm danh, công khai danh tính đại biểu vắng mặt vô lý do trước mỗi phiên họp để cảnh cáo...

XUÂN QUANG (GHI)