Gia đình người thương binh lam lũ vượt khó nuôi 6 con vào đại học

07/09/2018 06:48
An Phúc
(GDVN) - Để lo cho con cái có đủ điều kiện ăn học thành người, cả hai vợ chồng ông Niệm bà Năm ngày nào cũng phải thức khuya dậy sớm từ lúc gà chưa gáy.

Ở vùng đất quê nghèo thôn Phước Dương, xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, hầu như ai cũng biết đến gia đình vợ chồng ông Đinh Đức Niệm và bà Nguyễn Thị Năm bởi tinh thần chịu khó vươn lên, ngày đêm làm lụng vất vả để sinh sống, thoát nghèo và lam lũ nuôi 6 người con lần lượt vào các trường Đại học.

Sinh năm 1950, vốn xuất thân từ nông dân chân lấm tay bùn, không nghề nghiệp ổn định, bản thân ông Đinh Đức Niệm lại là Thương binh, mất sức lao động từ trẻ.

Bà Nguyễn Thị Năm thì bị địch bắt tù đày trong kháng chiến chống Mỹ nên sức khỏe cũng yếu và hay đau ốm.

Nguồn thu nhập chính của cả gia đình chỉ dựa chủ yếu vào mấy sào ruộng, vì vậy để lo cho con cái có đủ điều kiện ăn học thành người, cả hai vợ chồng ngày nào cũng phải thức khuya dậy sớm từ lúc gà chưa gáy.

Ngoài lo việc đồng áng, thời gian còn lại có ai thuê mướn gì cũng tranh thủ làm để kiếm được đủ tiền lo cho con cái ăn học.

Ông Đinh Đức Niệm chăm sóc vườn rau. Ảnh: An Phúc
Ông Đinh Đức Niệm chăm sóc vườn rau. Ảnh: An Phúc

Nhớ về thời còn trẻ, ông Niệm kể lại: ngày xưa do hoàn cảnh nghèo khó nên phải dở dang chuyện đèn sách và dù hai vợ chồng có nỗ lực làm lụng quanh năm, đầu tắt mặt tối song cũng chỉ vừa đủ ăn, do đó cả hai vợ chồng đều luôn nghĩ rằng:

Phải tìm cách vươn lên thoát nghèo để lo cho con cái học hành đường hoàng, cố gắng làm sao cho đời các con mình không chịu cảnh đeo bám vào những sào ruộng khô cằn, ở nơi mà người dân hay gọi là “cái đất chó ăn đá, gà ăn sỏi” này, nếu không học thì suốt đời không ngóc đầu lên nổi.

Gia đình người thương binh lam lũ vượt khó nuôi 6 con vào đại học   ảnh 2Những người mẹ "dầm mưa, dãi nắng" để con được tới trường

Với suy nghĩ đó, ngoài làm ruộng, hai vợ chồng đã từng phải bươn chải làm nhiều ngành nghề cơ cực khác nhau như: đãi vàng ở Phước Sơn, rà phế liệu, bốc vác cây gỗ, vật liệu xây dựng, phát rẫy rừng, cày ruộng, cuốc cỏ thuê…

Công việc nào cũng nặng nhọc, bấp bênh, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.

Đặc biệt, khi những người con lần lượt vào đại học, gánh nặng càng chồng chất lên vai, nhưng với sự cần cù, chịu thương, chịu khó của hai vợ chồng, sự nỗ lực vượt khó vừa làm thêm vừa học của các con, đến nay có bốn người con đã tốt nghiệp đại học và sau đại học các ngành: Luật, Sư phạm, Báo chí tại Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng và đã ra trường xin được việc làm; một người đang học năm 3 chuyên ngành Kế toán tại thành phố Đà Nẵng.

Mới đây nhất, vào đầu tháng 9 năm 2018, người con trai út cũng đã nhận được giấy báo trúng tuyển và làm thủ tục nhập học vào ngành Luật của Trường Đại học Nội vụ mang lại niềm vui cho gia đình, song vẫn còn đó những khó khăn phía trước...

An Phúc