Giám đốc Sở không có quyền phán xử, bất lực nhìn giáo viên bị đẩy ra đường

25/07/2017 07:53
THỤY DU - HỮU LÊ
(GDVN) - Ngành giáo dục Thanh Hóa nhiều năm qua hoàn toàn bị triệt tiêu “quyền phán xử” về vấn đề nhân sự. Họ bất lực trước cảnh giáo viên đứng đường là chuyện dễ hiểu.

Góp ý nhiều nhưng không ai nghe

Xét về bản chất, việc hàng nghìn giáo viên, nhân viên hành chính tại Thanh Hóa bị chấm dứt hợp đồng lao động thời gian vừa qua, không phải do bản thân người lao động không đáp ứng được yêu cầu công việc.

Nguyên nhân là do họ không thuộc diện biên chế chính thức như nhiều giáo viên, nhân viên khác.

Hay nói cách khác, thân phận của những giáo viên, nhân viên hành chính hợp đồng trong ngành Giáo dục không thể được đảm bảo một cách lâu dài nếu còn tư duy phân biệt biên chế và không biên chế.

Bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa trao đổi với phóng viên (ảnh: Thụy Du).
Bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa trao đổi với phóng viên (ảnh: Thụy Du).

Trở lại vấn đề Thanh Hóa chấm dứt hợp đồng nhiều lao động trong ngành Giáo dục thời gian vừa qua, hôm 21/7, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở Giáo dục và Thanh Hóa cho rằng, một số đơn vị thực hiện chủ trương, kế hoạch tinh giản biên chế theo chỉ đạo của tỉnh hết sức máy móc, chưa tuân thủ quy định.

“Có những huyện hợp đồng lao động vô tội vạ khi được giao quyền. Trong khi đó việc kiểm tra giám sát của các đơn vị có trách nhiệm còn nảy sinh nhiều vấn đề bất cập.

Có huyện đang đủ, hoặc thừa lao động nhưng vẫn ký tuyển dụng.

Có vị Chủ tịch huyện từng nói với tôi rằng, một trường tiểu học mà có tới 9 nhân viên hành chính thì rất không ổn. Tuyển thế này thì lấy ngân sách đâu để chi lương?

Việc tỉnh dừng hợp đồng lao động đối với giáo viên, nhân viên hành chính là chấp nhận phải đau một lần để lập lại kỷ cương, nề nếp trong tuyển dụng, trả lại ngân sách giáo dục theo đúng quy định, tránh việc lạm thu.

Ai làm sai, người đó phải chịu trách nhiệm.

Nhưng trước khi chấm dứt hợp đồng đối với hàng nghìn giáo viên, nhân viên, các đơn vị phải rà soát, sắp xếp, bố trí nhân sự cho phù hợp theo chỉ đạo của tỉnh tại kế hoạch 120.

Trong trường hợp lao động dôi dư không bố trí được thì mới tính tới chuyện chấm dứt hợp đồng.

Ví dụ, nếu huyện chấm dứt hợp đồng 500 giáo viên,

Giám đốc Sở không có quyền phán xử, bất lực nhìn giáo viên bị đẩy ra đường ảnh 2

Nếu không tận mắt thấy, chúng ta vĩnh viễn chỉ biết một nửa sự thật

nhân viên, nhưng thực tế đang thiếu 300, thì anh chỉ nên cắt 200 người thôi chứ!

Tất nhiên trong quá trình sắp xếp nhân sự cho phù hợp theo hướng dẫn của kế hoạch 120, đơn vị quản lý nhân sự phải đưa ra những tiêu chí xét tuyển cụ thể để giữ lại người đáp ứng được điều kiện,nhu cầu công việc.

Người nào không đáp ứng được nhu cầu thì chấm dứt hợp đồng, chứ không thể làm theo kiểu đang thiếu lại cắt hết đi rồi xin tuyển lại! Tất nhiên việc đồng ý cho tuyển lại hay không là do tỉnh.

Chuyện này tôi đã góp ý với một số lãnh đạo huyện rằng, việc làm như vậy là sai, nhưng không ai để ý, cho nên giáo viên, nhân viên hành chính bị chấm dứt hợp đồng người ta phản ứng là đúng thôi.

Để xảy ra những vấn đề nêu trên cũng do việc phối hợp chưa tốt giữa các ngành Nội vụ và ngành Giáo dục.

Việc phân cấp triệt để, giao cho huyện/thị xã/thành phố quyền tuyển dụng quá lớn, cộng với việc giám sát chưa tốt giữa các đơn vị trên là nguyên nhân của việc tuyển dụng tràn lan, gây hệ lụy và dư luận không tốt trong xã hội...”, bà Hằng thẳng thắn.

Giám đốc Sở đề nghị trao quyền nhiều hơn cho ngành giáo dục

Thực tế, cơ chế quản lý, giám sát (quyết định 685/2007/QĐ-UB ngày 2/3/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá về việc phân cấp quản lý bộ máy và cán bộ, công chức) đã bộ lộ nhiều điểm không còn phù hợp với thực tế.

Vấn đề trao quyền triệt để và việc trục lợi trong tuyển dụng cũng là một thách thức đặt ra, nhưng chưa có giải pháp xử lý triệt để.

Tình trạng một số huyện trong khi giáo viên biên chế vẫn còn thừa, nhiều môn học giáo viên dôi dư còn lớn nhưng vẫn tiếp tục hợp đồng tuyển dụng, gây khó khăn trong thực hiện chính sách giáo dục tạo khe hở, tiêu cực trong việc tuyển dụng hợp đồng lao động – đó là một thực tế không thể phủ nhận.

Rõ ràng, nếu chiếu theo các quy định phân cấp quản lý theo quyết định 685/2007/QĐ-UB, ngành Giáo dục Thanh Hóa hiện nay rất ít quyền, thậm chí bị triệt tiêu vai trò quản lý, giám sát nguồn nhân lực và tài chính...

"Vấn đề nhân sự do ngành Nội vụ nắm. Vấn đề tài chính thì do Sở Tài chính phụ trách, trong khi ngành Giáo dục thì phải chịu trách nhiệm về chất lượng.

Ngành Giáo dục nếu không kiểm soát được con người (tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ đủ tài, đủ đức), thì làm sao tạo nên chất lượng giáo dục tốt được?

Nhưng thực tế, ngay cả việc bổ nhiệm hiệu trưởng trường mầm non, tiểu học hay trung học cơ sở cũng do chủ tịch huyện, thị xã, thành phó bổ nhiệm; hoặc bổ nhiệm trưởng phòng giáo dục, nhưng Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng không biết, hoặc không có quyền can thiệp.

Hay câu chuyện giáo viên ở trường nọ sau một thời gian giảng dạy được thuyên chuyển sang trường khác nhưng phòng giáo dục tại đơn vị huyện đó hoàn toàn không biết gì?

Việc này do phòng Nội vụ tham mưu, trình Chủ tịch huyện ký…

Đây là chuyện không phải chỉ riêng ở Thanh Hóa mà rất nhiều địa phương trên cả nước đang gặp phải”, bà Hằng cho biết.

Nhiều giáo viên lâm vào tình cảnh thất nghiệp chỉ sau một đêm tỉnh dậy. Ảnh: Thụy Du.
Nhiều giáo viên lâm vào tình cảnh thất nghiệp chỉ sau một đêm tỉnh dậy. Ảnh: Thụy Du.

Vị Giám đốc Sở Giáo dục cho rằng, việc sắp xếp đội ngũ nhân lực trong ngành Giáo dục Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung cần phải có sự tham gia, góp ý kiến, giám sát của ngành này.

"Chỉ có người làm giáo dục mới hiểu hết được thực tế, chuyên môn. Ví dụ cơ cấu bộ môn thiếu thì cần tuyển những gì? Việc này hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của ngành Giáo dục.

Bây giờ, ngành Nội vụ chỉ giao biên chế một “cục” mà không kiểm soát được nhu cầu thừa chỗ này, thiếu chỗ khác thì không ổn.

Ví dụ, đối với ngành Giáo dục, thời gian gần đây chúng tôi đã tham mưu cho tỉnh các văn bản ban hành định mức học sinh/lớp, định mức giáo viên/lớp áp dụng cho từng vùng miền để giao chỉ tiêu biên chế. 

Việc giao chỉ tiêu biên chế phải phù hợp với từng năm chứ không phải năm trước anh giao cho tôi một “cục”, năm sau anh cũng giao y như thế. Giao biên chế theo kiểu cứng nhắc như vậy không được.

Ví dụ, lượng học sinh tăng phải có đủ giáo viên để dạy,

Giám đốc Sở không có quyền phán xử, bất lực nhìn giáo viên bị đẩy ra đường ảnh 4

Luật Giáo dục có 7 vấn đề cần chỉnh sửa, bổ sung

nhưng khi học sinh giảm thì nói cắt người ta đi được. Do đó, việc giao biên chế phải có sự linh hoạt, phù hợp.

Cũng theo bà Hằng, thực tế, ngành Giáo dục đang chịu sự kiểm soát của Thông tư 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục và Đào tạo và  Bộ Nội vụ ngày 29 tháng 05 năm 2015, trong đó, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Giáo dục và Đào tạo…

"Bất cập sẽ xảy ra nếu như huyện không thực hiện tốt chỉ đạo và không có giám sát của các cơ quan khác (ở đây muốn nói sự giám sát của ngành Giáo dục).

Thực tế, từ khi có các quy định nói trên, vai trò của ngành Giáo dục về vấn đề nhân sự, giám sát hầu như không có.

Chúng tôi đã đề xuất thay đổi và mở rộng quyền cho ngành Giáo dục trong việc tham gia vào công tác quản lý, giám sát nhân sự trong ngành Giáo dục, nhưng việc thực hiện chưa được như ý muốn.

Vấn đề đặt ra là, cơ quan có thẩm quyền cần bổ sung thêm quy định về chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, của các đơn vị có liên quan trong việc tổ chức thực hiện nhân sự trong ngành Giáo dục.

Trong trường hợp ngành giáo dục chưa được giao quyền về mặt quản lý nhân sự, thì việc tuyển dụng đều phải báo cáo cấp trên.

Tỉnh đồng ý kế hoạch tuyển dụng của huyện nhưng cần được sự đồng ý của sở Giáo dục và Đào tạo về việc thẩm định cơ cấu bộ môn, ví trí việc làm...

Chuyện này không thể mình bên ngành Nội vụ quyết là được. Việc thực hiện phải có sự giám sát lẫn nhau", bà Hằng đề nghị.

THỤY DU - HỮU LÊ