Nhật ký Pả Vi:

Gian nan “con chữ” dưới chân cổng trời Mã Pì Lèng (Pả Vi, Hà Giang)

11/02/2012 06:00
Hồng Minh
(GDVN) - Không chỉ đói nghèo, khắc nghiệt cản trở bước học trò tới trường mà còn bởi chính những hủ tục tảo hôn có từ ngàn đời ở nơi cao nguyên đá Hà Giang này.

“Học đến lớp 9 là nghỉ học lấy chồng thôi”

Tôi gặp cô bé Và Thị Tâm, người Mông, trong giờ ra chơi tại trường THCS Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang – ngôi trường được xây dựng theo Chương trình 135 của Chính phủ dưới chân đèo Mã Pì Lèng hùng vĩ.

Và Thị Tâm (áo xanh) lớp 8 nhỏ bé như một đứa trẻ lên 10 ở thành phố
Và Thị Tâm (áo xanh) lớp 8 nhỏ bé như một đứa trẻ lên 10 ở thành phố

Học lớp 8 nhưng trông em nhỏ bé như đứa trẻ lên 10. Phong phanh trong manh áo mỏng với chiếc khăn len giữa cái rét gần 10 độ của vùng núi cao, đôi dép tổ ong đã cũ nát cáu bẩn, Tâm vẫn cùng các bạn vui đùa và cười khúc khích khi thấy “cán bộ” của đoàn công tác từ thiện từ Hà Nội lên.

Nói tiếng Kinh còn chưa sõi, Tâm hồn nhiên kể, nhà em có 4 chị em, 3 chị gái đã lấy chồng hết rồi. Các chị của Tâm không học hết lớp 9, thế nên trong suy nghĩ của em và nhiều bạn nữ cùng lớp, học hết lớp 9 và đi lấy chồng là “nhiệm vụ” lớn lao mà cha mẹ các em giao phó.

Còn em Giàng Mí Thà, học lớp 5B kể, nhà có mỗi mình Thà thôi nhưng em chỉ có chiếc áo chàm, không biết đến áo len, giầy tất. Để đến trường, Thà phải một mình đi bộ qua 2 quả núi và “phải dậy trước cả ông mặt Trời, trước cả con gà”. Thà cho biết: “Bố mẹ cho học để biết đọc, biết đếm thôi, sau này phải ở nhà kiếm củi, làm nương giúp bố mẹ”.

Khi tôi hỏi: “Các em không muốn học được nhiều chữ hơn nữa để làm cô giáo hay cán bộ sao?”, Và Thị Tâm và các bạn cười bẽn lẽn: “Không được đâu. Ở đây tự nó thế mà”!.

“Tự nó thế mà!” – câu nói hồn nhiên, ngây thơ của các em nhỏ Pà Vi cứ ám ảnh tôi mãi. Các em đã tự “mặc định” cuộc sống của mình từ khi còn rất nhỏ, mà cho dù có muốn vươn lên, muốn có nhiều “cái chữ” hơn nữa thì ở phía trước các em vẫn còn muôn vàn khó khăn, trở ngại.  


Ngút ngàn đường tới lớp

Điểm trường Há Súng nằm chênh vênh dưới chân đèo Mã Pì Lèng, bốn bề gió thổi lạnh cóng. Đứng giữa sân trường, có thể nhìn thấy dòng Nho Quế như lằn chỉ xanh giữa bức tranh cao nguyên đá hùng vĩ. Thấp thoáng giữa lưng chừng núi là những ngôi nhà vách lá đơn sơ của người Mông.

Những đứa trẻ Pả Vi phải vượt hai, ba quả đồi để đến lớp
Những đứa trẻ Pả Vi phải vượt hai, ba quả đồi để đến lớp

Cô giáo Trần Thị Phương, từ miền trung du Phú Thọ, lên Pả Vi gắn bó với các em người Mông đã 15 năm nói với tôi rằng, đừng hỏi các em từ nhà tới trường mấy cây số, mà phải hỏi đi hết mấy tiếng đồng hồ, bởi các em không có khái niệm “cây số” khi con đường đến trường là phải trèo núi, lội suối như thế...

“Hầu như cha mẹ các em không biết tiếng Kinh, lại thất học nên việc vận động các em bám lớp ban đầu rất khó khăn. Song, các thầy cô giáo rất khâm phục ý chí học tập của các em nhỏ ở đây. Giá rét cắt da thịt như thế, với manh áo mỏng và đôi chân trần, các em phải dậy từ 3 giờ sáng, đi bộ 4 – 5 tiếng để tới lớp”, cô Phương tâm sự.

Để đem được “cái chữ” về bản, cô Phương cùng các thầy cô ở đây phải đến từng nhà vận động cha mẹ các em, cùng chính quyền địa phương ra “cam kết không cho con nghỉ, bỏ học”. Các thầy cô còn phải lặn lội đi “đòi” học sinh, vì giống như hoàn cảnh của gia đình Và Thị Tâm, nhiều em nhỏ 14, 15 tuổi đã bị bắt ở nhà đi lấy chồng, lấy vợ…

Dù không đủ áo ấm nhưng các em vẫn hồn nhiên vượt qua cái giá lạnh của mùa đông
Dù không đủ áo ấm nhưng các em vẫn hồn nhiên vượt qua cái giá lạnh của mùa đông

Cô Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng trường tiểu học Pả Vi kể: “Những ngày đầu chưa quen trèo núi, về đến nhà, đôi chân mình sưng vù, toàn thân đau nhức. Nhưng giờ thành người của bản rồi nên các thầy cô quen đường, thuộc từng mỏm đá, cành cây tới từng nhà các em. Thương các em nhỏ lắm, nhưng với đồng lương eo hẹp, các thầy cô chỉ biết giúp mua bút, vở phần nào cho các em. Hàng ngày được nhìn thấy các em ở lớp đã là niềm vui lớn lắm rồi”.

Cô Hương dẫn chúng tôi tới thăm gia đình anh Và Mía Cáng (31 tuổi), vợ là Sùng Thị Súa (30 tuổi), thuộc diện “nghèo có tiếng” ở Há Súng. “Trẻ” thế nhưng gia đình này đã có 5 con, đứa lớn học lớp 6.

“Căn nhà” được quây tạm bằng những tấm ván cũ kỹ, tài sản chỉ có mấy bắp khô treo lủng lẳng trên chiếc dây phơi có mớ quần áo nhàu nhĩ. Ở giữa nhà là nổi “tẩu chúa”, nấu bằng đậu nành – thực phẩm chính của cả 7 miệng ăn. Thông qua phiên dịch là cô giáo Hương, chị Súa phân trần: “Các con học được đến đâu thì đến thôi, vợ chồng tôi không biết đâu. Trước cái chữ không vào đầu mình rồi, học khó lắm”.

“Bọn trẻ nhà anh Cáng chăm đi học lắm, không bỏ ngày nào đâu, vì bố mẹ không có tiền nộp phạt. Nhưng chẳng biết tương lai các cháu sẽ thế nào…”, cô Hương ngậm ngùi.

Thứ 7, trường tiểu học Pả Vi lại vắng hoe. Cô Hương, cô Phương và các thầy cô ở đây lại đỏ mắt chờ đến sáng thứ 2 để “kiểm” học sinh của mình, xem có em nào “bỏ cuộc chơi” không?.

Những con chữ dưới chân Mã Pì Lèng là thế. Tôi thầm cảm phục những đôi chân trần bé nhỏ đang sưng lên vì giá rét…

Có thể bạn quan tâm
Nhật ký Pả Vi Nhật ký Lớp học Hy vọng
Nhật ký Kim Bon Hồ sơ HS Lớp học Hy vọng
"Bữa cơm có thịt" đến với Nậm Mười Chân dung GV tình nguyện Lớp học Hy vọng
Suối Giàng & "Bữa cơm có thịt" Phẫu thuật miễn phí
Bữa cơm có thịt  

Dự kiến cứ 2 - 3 tuần, Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức một chuyến đi thăm và tặng quà tới các em học sinh vùng cao. Báo rất mong  tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của quý bạn đọc trong thời gian tới.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về:

- Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn

Hồng Minh