Giao công an điều tra việc bao cao su xuất hiện nhiều trên Hồ Tây

26/09/2017 17:06
Như Hải
(GDVN) - Ủy ban nhân dân quận đã giao nhiệm vụ cho Công an quận Tây Hồ tổ chức điều tra làm rã làm sao lại có bao cao su lại ở Hồ Tây.

Tại buổi họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức vào chiều 26/9, Phó chủ tịch   Ủy ban Nhân dân Quận Tây Hồ - Nguyễn Lê Hoàng cho biết đã giao cho Công an quận vào cuộc điều tra làm rõ xử lý nghiêm và báo cáo Thành phố về việc bao cao su nổi trên Hồ Tây.

Trả lời câu hỏi của báo giới về hướng giải quyết về việc gần đây có nhiều bao cao su nổi trên hồ Tây, ông Hoàng cho biết: Quận Tây Hồ có hẳn 1 ban quản lý Hồ Tây để tổ chức triển khai bảo vệ vệ sinh môi trường, vệ sinh mặt nước đã giao cho Xí nghiệp môi trường Hồ Tây để quản lý.

Phó Chủ tịch quận Tây Hồ - ông Nguyễn Lê Hoàng (ảnh Như Hải).
Phó Chủ tịch quận Tây Hồ - ông Nguyễn Lê Hoàng (ảnh Như Hải).

Liên quan đến việc nhiều bao cao su nổi trên Hồ Tây, ông Hoàng nhấn mạnh: “Quận đã chỉ đạo các lực lượng vệ sinh ngay và trong vong 3 tiếng đã làm xong.

Đồng thời với việc đó, Ủy ban nhân dân quận đã giao nhiệm vụ cho Công an quận Tây Hồ tổ chức điều tra làm rã làm sao lại có bao cao su lại ở Hồ Tây.

Tất cả khu ống xả thải, quận đã xử lý không xả thải quận đã kiểm tra, xử lý và không thể có chuyện xả thải từ nhà hàng khách sạn ra khu vực Hồ Tây là không có, nên việc bao cao su đi theo đường ống không có, chắc chắn có việc đổ trộm bao cao su xuống Hồ Tây”- Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ thông tin.

 Phó Chủ tịch quận còn thông tin thêm: “Ủy ban nhân dân quận đã giao cho Công an quận vào cuộc điều tra làm rõ xử lý nghiêm và báo cáo Thành phố”.

Giao công an điều tra việc bao cao su xuất hiện nhiều trên Hồ Tây ảnh 2Hà Nội sẽ xây 4 cây cầu qua sông Hồng bằng nguồn vốn đổi đất lấy hạ tầng

Cũng liên quan đến Hồ Tây, hiện còn hai nhà nổi chưa di dời, ông Hoàng cho biết, quận đã báo cáo Ủy ban nhân dân, được biết Ủy ban nhân dân thành phố đã giao cho Sở Giao thông vận tải tham mưu về mặt pháp lý, tư vấn  khi nào giao cho Quận thì sẽ tiếp tục thực hiện công tác di dời.

Giải thích việc tại sao lại có sự “chậm chễ” trong việc di dời hai nhà nổi này, ông Hoàng cho biết: Căn cứ vào quy định việc tổ chức cưỡng chế đối với sàn nổi Quận đủ cơ sở pháp lý để thực hiện (thẩm quyền Quận thực hiện) còn di chuyển phương tiện nổi lại thuộc thẩm quyền của thành phố.

“Chính vì vậy, thời gian vùa qua Quận chủ yếu tuyên truyền để các doanh nghiệp tự di dời, hiện còn hai thuyền chưa di dời. Quận đã báo cáo thành phố. Hiện thành phố đã giao cho sở, khi nào Sở có đề xuất Quận sẽ thực hiện ngay.

Do hai thuyền này nằm đúng vào vị trí nạo vét, nếu tiến hành hai tàu sẽ chìm, đây cũng là nguyên nhân khiến tiến độ nạo vét Hồ Tây chậm so với kế hoạch.

Sau khi di chuyển xong hai thuyền chúng tôi tiến hành nạo vét thì sẽ hoàn thành”- ông Hoàng nói.

 Cũng theo ông Hoàng, việc nạo vét do Ban Quản lý thoát nước Hà Nội thực hiện, Quận chỉ là đơn vị phối hợp.

Đối với công tác xử lý vi phạm đất đai ở ngoài bãi Sông Hồng. Ông Hoàng thông tin, ngày nào các phường cũng tiến hành xử lý vi phạm.

“Tuy nhiên khi xử lý vấp phải sự chống đối quyết liệt của các hộ dân ở khu vực này. Cứ ra quân là thương binh chặn đầy khu vực đó, rất khó để xử lý”- ông Hoàng cho biết.

Theo báo cáo, trong 9 tháng đầu năm, Ủy ban nhân dân quận tiếp nhận 685 hồ sơ xin cấp phép xây dựng, đã cấp 598 giấy phép, 42 hồ sơ chưa đủ điều kiện cấp phép, 45 hồ sơ đang thụ lý. Tổng diện tích sàn được cấp: 193.095,4m2.

Cấp phép sử dụng tạm thời hè phố để ô tô, đào hè, đường thi công hạ tầng kỹ thuật đối với 14 trường hợp.

Trong 9 tháng, trên địa bàn quận có 488 trường hợp xây dựng. Cụ thể, xây dựng có phép: 460 trường hợp (trong đó xây dựng đúng phép 455 trường hợp, đạt tỷ lệ 98,9% tổng số công trình được cấp phép);

Xây dựng sai phép: 5 trường hợp tại phường Xuân La, Phú Thượng chiếm 1,1% tổng số công trình được cấp phép. Xây dựng không phép trên đất không đủ điều kiện cấp phép: 1 trường hợp tại phường Xuân La. Xây dựng trên đất nông nghiệp, đất lấn chiếm 27 trường hợp.

Như Hải