Giáo sư Võ Quý: Làm việc gì cũng phải nghĩ cho dân đầu tiên

01/07/2013 13:50
Theo petrotimes
Là chuyên gia hàng đầu với nhiều thành tựu lớn trong công tác nghiên cứu bảo vệ môi trường, GS Võ Quý từng được Tạp chí Time bình chọn là người hùng về môi trường. Ông còn là Nhà giáo nhân dân, lúc nào cũng đau đáu trăn trở về sự nghiệp trồng người. Giáo dục được ông xem là giải pháp đầu tiên để nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường sống đang ngày càng xuống cấp trầm trọng...
PV: Đã ở tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn còn lăn lộn với công việc, vì “vẫn còn nhiều việc phải làm lắm” như ông nói. Hiện tại, công việc nào được ông xem là quan trọng nhất, thưa ông?
GS Võ Quý: Một trong những việc quan trọng và thường xuyên hiện nay của tôi là tham gia nhóm đối thoại Việt - Mỹ về vấn đề chất độc da cam của Việt Nam. Là người nghiên cứu về môi trường và cũng có chút uy tín trên quốc tế nên tôi được mời tham gia nhóm đối thoại này từ lúc khởi đầu năm 2007 đến nay, cùng với những nhà khoa học, chính khách tên tuổi của cả hai phía.

Phía ta có bà Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; ông Bùi Thế Giang - Vụ trưởng Vụ Đối ngoại của Trung ương Đảng; Đại sứ Ngô Quang Xuân. Hiện nay, nhóm đối thoại phía ta có 5 người: Đại sứ Hà Huy Thông; ông Đỗ Hoàng Long - Vụ trưởng Vụ Đối ngoại của Trung ương Đảng; Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ; Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh và tôi.

Công việc của nhóm đối thoại là kêu gọi, vận động các chính phủ, các tổ chức xã hội và mọi người, nhất là chính phủ và các tổ chức Mỹ cùng hợp tác giải quyết hậu quả của chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam.
Ngoài việc tham gia đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ về môi trường, tôi cho rằng, công tác phổ biến khoa học cũng hết sức quan trọng, vì thế mà tôi tham gia công tác này một cách tích cực. Trước đây, trong 8 năm liên tục, tôi thường xuyên xuất hiện trong chương trình KCT hàng tuần của Đài Truyền hình Việt Nam để nói về môi trường.

Khi tham gia chương trình, tôi cũng không ngờ lại được mọi tầng lớp nhân dân quan tâm đến như vậy. Từ bác xe ôm đến đứa trẻ con ai cũng biết đến, đi đâu cũng bị nhận ra, không trốn được. Ở các thôn xóm xa xôi, trẻ em gặp tôi là đi theo rồi bảo: Cháu biết ông rồi, ông hay nói trên tivi, hôm qua cháu mới nghe ông nói về con ruồi. Tôi rất vui vì được mọi người đón nhận và hy vọng đã góp được chút hiểu biết cho họ về vấn đề môi trường…

Giáo sư Võ Quý
Giáo sư Võ Quý
PV: Chứng tỏ người dân quan tâm đến điều ông nói, đến môi trường. Nhưng thực tế thì ý thức bảo vệ môi trường của người Việt mình còn rất kém. Theo ông, đó có phải là nghịch lý không? Và nguyên nhân của tình trạng này là gì?
GS Võ Quý: Họ nghe, còn thấm đến đâu thì không biết. Kỳ thực, mỗi lần làm chương trình, tuy chỉ có hơn dăm phút nhưng tôi vẫn cố gắng đưa lên nhiều hình ảnh về các loài sinh vật và thiên nhiên. Mục tiêu của tôi là truyền cho người xem, người nghe tình yêu thiên nhiên. Tôi luôn nói về những cái đẹp, những điều bổ ích của thiên nhiên, của rừng núi, của các loài động vật đối với cuộc sống của con người.

 Tất cả nhằm mục đích giúp người nghe hiểu rằng thiên nhiên và các loài sinh vật rất có ích cho con người, cho sự phát triển của con người. Mỗi lần một chủ đề, chuẩn bị công phu, chọn lọc hình kỹ càng. Hình thì do quốc tế gửi tặng. Họ gửi về cho tôi rất nhiều phim.

Tôi chỉ cần chọn lọc hình ảnh, ghép thành phim minh họa cho câu chuyện mình đang muốn nói đến. Sau đó cố gắng trình bày thật dễ hiểu, sinh động để mọi người dễ tiếp nhận. Tôi cho rằng, không chỉ có nghiên cứu khoa học mà ngay cả phổ biến khoa học cũng phải luôn được chú ý.
PV: Thưa ông, cũng là con người, tại sao phương Tây họ yêu quý thiên nhiên hơn chúng ta?
GS Võ Quý: Họ được giáo dục từ lâu, họ đã biết việc đó từ lâu rồi. Trong quá trình dài hàng trăm năm, họ giáo dục con người họ tình yêu thiên nhiên. Còn ta thì đang trong quá trình xây dựng và phát triển, nhưng thiếu quy hoạch, thiếu hiểu biết, xem các loại tài nguyên là của chùa, mạnh ai người nấy khai thác, nên lợi thì ít mà hại thì nhiều, gây rất nhiều tổn thất cho đất nước, cho xã hội.
PV: Tôi nghĩ Việt Nam cũng có Luật Bảo vệ môi trường từ lâu rồi chứ?
GS Võ Quý: Luật có nhưng không thực hiện một cách nghiêm túc vì nhiều lý do khác nhau. Đây là điều lo lắng của tôi trong hàng chục năm nay. Tất nhiên, những nỗ lực của Nhà nước, của các nhà môi trường học ở Việt Nam cũng đã đạt được một số kết quả nào đó.

Bây giờ, nhiều cơ quan, nhiều cán bộ lãnh đạo đã nói khá nhiều về môi trường, về phát triển bền vững, nhưng rất tiếc là trong thực tế vẫn còn nhiều điều hết sức bê bối, bức xúc cần sớm được giải quyết.
PV: Thay đổi ý thức, tư duy của cả một cộng đồng là điều không dễ…
GS Võ Quý: Thay đổi ý thức là vấn đề lớn, cho một hai người thì dễ nhưng cho cả xã hội thì không dễ chút nào. Cũng giống như trồng cây, trồng một cây thì dù ở đâu, khó khăn mấy cũng có thể làm cho cây sống được. Nhưng trồng cả hàng ngàn hécta rừng thì không dễ chút nào.

Càng không có nghĩa là đã trồng được một cái cây thì có thể trồng được cả cánh rừng. Như giáo dục cũng vậy, có thể dạy bảo một người khá dễ dàng, nhưng cho cả hàng ngàn người thì không dễ. Đó là vấn đề hết sức phức tạp, phải huy động rất nhiều nguồn lực, phải có hiểu biết sâu rộng và cả kinh nghiệm thực tiễn.
PV: Dù khó nhưng đây thực sự là việc không thể không làm. Nếu là việc nhất định phải làm thì nên bắt đầu từ đâu, thưa ông?
GS Võ Quý: Có lẽ phải bắt đầu từ giáo dục.
PV: Nhưng bản thân ngành giáo dục cũng đang gặp phải vô số vấn đề bất cập, gần như đang không có lối thoát…
GS Võ Quý: Nhìn chung đúng là như thế. Riêng giáo dục, tôi đã có vinh dự được dạy các cấp từ thấp nhất đến đại học, cả bình dân học vụ, trường phổ thông lao động cho cán bộ cách mạng vào những năm đầu sau khi ta tuyên bố độc lập. Tôi thấy, ngày xưa, ở nước ta người thầy được kính trọng tuyệt đối. Dù tuổi thầy có thể kém hơn trò nhiều nhưng bao giờ trò cũng kính thầy, đã ngồi trong lớp là thưa thầy xưng con. Dạy những người như thế mình không dám lơ là, phải dạy hết mình.

Phụ huynh cũng thế, tình cờ gặp thầy dạy con mình, dù lớn tuổi hơn thầy rất nhiều nhưng lập tức cung kính cúi chào, thậm chí tiếp thầy ở nhà là cứ phải quần áo dài, khăn đóng đàng hoàng. Nhân dân đối với thầy như thế, làm sao thầy dám không tốt được? Xã hội xung quanh tôn trọng người thầy, xem người đi dạy đúng nghĩa là bậc thầy.

Nên người thầy phải là người có hiểu biết rộng, cả về những vấn đề xã hội để có cách ứng xử cho phải đạo. Người ta tôn trọng thầy là vì ông ấy có đạo đức, gương mẫu, là tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Bởi thế, người thầy phải luôn rèn luyện bản thân để có thể đáp ứng mong mỏi của xã hội.
PV: Nhưng muốn người dân tôn trọng thì trước hết người thầy phải tốt đã…
GS Võ Quý: Đúng là hai vế song song. Thầy mà bị coi thường, theo tôi, trước tiên là do thầy, không phải do xã hội. Thầy không tốt sao đòi hỏi xã hội tôn trọng?
PV: Đạo đức của thầy có “nội hàm” như thế nào, thưa ông? Hay nói cách khác, một người thầy như thế nào được xem là “có đạo đức”.
GS Võ Quý: Đạo đức của người thầy phải cao và có thể nói là không có giới hạn trên. Đạo đức càng cao, người thầy càng được tôn trọng. Để có thể trở thành một người thầy, điều tối thiểu phải có là không được vi phạm pháp luật, không có những hành động vi phạm phong tục tập quán địa phương, phải cố gắng là tấm gương cho học sinh và cho mọi người noi theo.

Ngoài việc rèn luyện đạo đức, người thầy phải luôn trau đồi chuyên môn để làm cho học trò say sưa với bài giảng của mình. Ngành giáo dục có lẽ cần phấn đấu để sớm đạt được những điều quan trọng đó: “thầy phải ra thầy…”.
PV: Nếu mỗi người thầy đều là gương sáng thì có thể thay đổi được đức tin của xã hội về giáo dục hiện nay không thưa ông?
GS Võ Quý: Vai trò của người thầy rất quan trọng nhưng không phải là tất cả. Có lẽ sự lãnh đạo, tổ chức của Nhà nước có vai trò quyết định. Về sự bê bối của giáo dục hiện nay, điều quan trọng là phải xem lại quan điểm giáo dục, xem lại cả hệ thống tổ chức và quản lý có sai sót gì để điều chỉnh cho phù hợp. Tuy tham gia công tác giáo dục đã lâu, nhưng tôi không nghiên cứu sâu về tổ chức giáo dục, nên cũng không dám đề xuất ý kiến to tát gì.

 Nhìn chung, chúng ta đang rất lúng túng về những điều bất cập về giáo dục, từ cấp phổ thông đến đại học. Theo tôi, chiến lược và mục tiêu của giáo dục nước ta hiện nay đã không còn phù hợp nữa, vì thế cải cách mãi mà vẫn không thành.

Nên xác định rõ mục tiêu giáo dục của nước ta là gì? Lấy ví dụ giáo dục phổ thông, cần phải tạo được con người như thế nào về kiến thức và về đạo đức để đáp ứng được nhu cầu xây dựng đất nước ta trong tình hình hiện tại.
Thế thì phải học cái gì? Và dạy như thế nào? Kiến thức của nhân loại ngày càng nhiều, vì thế phải chọn lọc một cách thận trọng những kiến thức cơ bản nhất, không ôm đồm, có thể đáp ứng được yêu cầu đã xác định, mà không quá nặng nề.

Đó là điều cần phải được làm sớm. Tiếp theo, tại cấp học phổ thông, phải rèn luyện cho học sinh đạt được những đạo đức cơ bản của một người công dân của một nước xã hội chủ nghĩa. Trong nhà trường luôn nói “tiên học lễ hậu học văn”, nhưng trên thực tế, còn lâu chúng ta mới đạt được yêu cầu đó.

Tôi có cảm giác con người sống trong xã hội ta hiện nay đang hoàn toàn vô cảm. Mọi hành động đều vì tiền là chính. Cải thiện được vấn đề này quả là điều hết sức khó khăn.

Giáo sư Võ Quý đi điền dã
Giáo sư Võ Quý đi điền dã

PV: Bậc làm cha làm mẹ bây giờ lo lắm, không biết dạy con thế nào, tương lai con sẽ thành người như thế nào…?
GS Võ Quý: Đạo đức của con người ngày càng sa sút. Đây là trách nhiệm của cả xã hội, nhưng nhà trường cũng có phần quan trọng. Nguyên do là mục tiêu của giáo dục phổ thông không rõ. Nếu không làm rõ thì dù cải cách mấy cũng khó đạt, càng cải cách càng rối, càng tốn tiền. Hơn nữa, lãnh đạo của ngành giáo dục lâu nay toàn chạy theo hình thức.

Thi đua cũng hình thức. Kết quả cũng hình thức. Tất cả mọi thứ khen thưởng đều hình thức. Nếu cứ chạy theo hình thức mãi thế thì giáo dục của chúng ta sẽ ngày càng tụt dốc. Lớp nào cũng phấn đấu 100% học trò giỏi. Làm gì có trong thực tế? Nếu đúng như thế thì nước ta đã nhất về giáo dục rồi.
Ở trường học hiện nay chỉ có hai thứ: điểm và thi cử. Cả thầy và trò phải làm thế nào để ai cũng phải đậu cả. Thế là học thêm, thế là mua điểm. Nhiều trường phổ thông và cả ở một số trường đại học, giống như một công trường thi cử. Ai cũng nháo nhào tìm cái bằng, còn cái bằng đó để làm gì thì không quan trọng, có dùng đến hay không cũng không quan trọng. Đó là điều rất tệ.
PV: Lại phải hỏi ông một câu cũ mèm: nên cải cách thế nào?
GS Võ Quý: Phê phán thì rất dễ, nhưng làm thì khó lắm. Tôi nói thật đấy. Hiện nay, mọi thứ đang rối, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện cải cách, nhưng xem ra kết quả không được khả quan. Có lẽ nên dừng lại một năm để xem lại tổng thể, rồi xây dựng một kế hoạch lâu dài, đồng bộ, lấy ý kiến của đội ngũ chuyên gia giỏi về giáo dục, trước lúc thực hiện.

 Có thể là một cuộc cách mạng về giáo dục. Đào tạo đội ngũ giáo viên cũng hết sức quan trọng. Nâng cao trình độ đào tạo của Trường ĐH Sư phạm, chọn học sinh giỏi có tâm vào học ngành sư phạm.
PV: Ông cũng là người đi nước ngoài nhiều, nhận nhiều giải thưởng danh giá bậc nhất của quốc tế, cá nhân ông thấy người Việt mình có gì thua kém “người ta”?
GS Võ Quý: Nếu chăm chỉ thì chúng ta không thua kém ai. Cố Tổng bí thư Lê Duẩn từng hỏi tôi: “Chúng ta có nhiều người giỏi như thế, tại sao không có nhà khoa học nào làm nên chuyện lớn?”. Tôi đáp: “Đồng chí không nên trách các nhà khoa học, vì dù có giỏi đến mấy thì mỗi cá nhân nhà khoa học riêng lẻ cũng không làm được việc gì lớn.

Muốn các nhà khoa học làm được các việc lớn thì phải có tổ chức, tạo điều kiện, trao trách nhiệm và tin tưởng vào họ. Đó là trách nhiệm của đồng chí vì đồng chí là Tổng bí thư”.
Chỉ còn gần chục năm nữa nước ta đã trở thành một nước công nghiệp tiên tiến, ai sẽ là người quản lý một đất nước công nghiệp, nếu không phải là các nhà khoa học? Phải nghĩ đến việc đào tạo đội ngũ các nhà khoa học giỏi ngay từ bây giờ, không thì không kịp. Tôi nói là đào tạo thật sự, chứ không phải kiểu hình thức thi đua đào tạo cho đủ mấy vạn tiến sĩ đâu...
PV: Quay lại với vấn đề môi trường, xin hỏi ông đúng bằng câu nói của chính ông: “Phải làm gì để không chỉ gìn giữ mà còn phát huy những điều kiện tốt đẹp của môi trường, đem lại nguồn lợi cho đất nước mình?”.
GS Võ Quý: Vừa rồi, Đảng có lấy ý kiến về dự thảo nghị quyết về biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Tôi có phát biểu là trong bản dự thảo nghị quyết này không hề nhắc đến nhân dân. Nhân dân chính là người phát hiện đề xuất các vấn đề về môi trường, cũng như những bức xúc, bất cập hiện tại. Nhân dân cũng là người trực tiếp chịu thiệt thòi về ô nhiễm môi trường, tài nguyên thất thoát, chất thải độc hại.

Nhân dân là ai? Còn là các nhà báo, những người lắng nghe ý kiến của dân, phát hiện ở đâu có sai phạm và tuyên truyền rộng rãi trong dư luận. Nhân dân là ai? Là các nhà khoa học, những người đề xuất giải pháp giải quyết. Thế mà trong dự thảo nghị quyết chẳng có câu nào, dòng nào nhắc đến họ.
Đến 2020, khi nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại, thế nào cũng sẽ có thêm nhà máy, nhà cao tầng, đường xá, để làm được việc đó chúng ta phải vay vốn, thuê chuyên gia quốc tế. Nhưng hãy nghĩ đến chuyện sau khi chuyên gia về thì ai sẽ quản lý?

Các nhà khoa học Việt Nam chứ còn ai? Cứ như bây giờ, nếu chúng ta vẫn còn coi thường các nhà khoa học, coi thường ý kiến của họ thì chắc chắn không bao giờ chúng ta trở thành một nước công nghiệp thực sự. Phải có những nhà khoa học của Việt Nam thì mới quản lý được.

Nói thật, đừng trông chờ vào mấy cụ đã nghỉ hưu như chúng tôi, chẳng còn sức làm gì đâu. Cần đào tạo đội ngũ trẻ, có kế hoạch đào tạo nghiêm túc, tin tưởng vào họ. Có thế thì chúng ta mới có đội ngũ các nhà khoa học đủ trình độ quản lý một đất nước công nghiệp trong tương lai.

PV: Xin cảm ơn giáo sư!

Giáo sư Võ Quý là người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng MIDORI về đa dạng sinh học
Giáo sư Võ Quý là người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng MIDORI về đa dạng sinh học

 Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Võ Quý là nhà giáo, nhà sinh học Việt Nam. Ông là người thứ hai của châu Á được trao giải thưởng Hành tinh xanh của tổ chức ASAHI, Nhật Bản năm 2003. Đây là một giải thưởng quốc tế lớn nhất về môi trường, có giá trị tương đương với giải thưởng Nobel (vì Nobel không có phần thưởng dành cho môi trường) được trao cho những cá nhân và tổ chức đã có thành tích nổi bật trong lĩnh vực này. Trị giá giải thưởng là 50 triệu yen, tương đương 6 tỉ đồng Việt Nam. Và ông đã dành tất cả số tiền đó cho việc bảo vệ môi trường…

Giáo sư Võ Quý đi điền dã
Giáo sư Võ Quý đi điền dã
Theo petrotimes