Giáo viên cắm bản bất an khi liên tục bị sàm sỡ

04/10/2011 15:11
Theo Tuổi trẻ
Khác với những năm trước, tuyến đường dẫn vào Lìa giờ đây đáng sợ hơn.
Cô Kim Anh, nạn nhân của một vụ chặn đường sàm sỡ - vẫn chưa hết bàng hoàng kể: “Tôi vào bản vận động học sinh đến lớp thì bị ba thanh niên chặn đường giở trò sàm sỡ. Dù van xin họ cũng không tha...".

Đoạn đường vắng vẻ này là nơi thường xuyên xảy ra các vụ trấn lột gây bất an cho giáo viên vùng Lìa thời gian qua
Đoạn đường vắng vẻ này là nơi thường xuyên xảy ra các vụ trấn lột gây bất an cho giáo viên vùng Lìa thời gian qua


Vùng Lìa gồm bảy xã vùng biên giới thuộc huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Thời gian gần đây, hàng chục giáo viên miền xuôi đang giảng dạy tại các trường ở vùng này phải đi dạy trong sự thấp thỏm lo âu bởi họ liên tục trở thành đối tượng của các vụ cướp, trấn lột, xin đểu, thậm chí sàm sỡ...

Khác với những năm trước, tuyến đường dẫn vào Lìa giờ đây đáng sợ hơn.

Một chiều chủ nhật của tháng 9, ngay tại ngã ba Tân Long - nơi bắt đầu tuyến đường này - chúng tôi bắt gặp một nhóm ba giáo viên nữ của Trường trung học cơ sở A Xing (xã A Xing) đứng chụm lại chần chừ chưa muốn tiến bước dù trời đã sập tối.

Cô giáo Lê Thị Tuệ nói trong thảng thốt: “Bữa trước thì vô tới rồi. Nhưng giờ không dám bởi vẫn còn ít người quá. Các thầy cô trong trường phải hẹn nhau chờ ở đây để đi thành nhóm mới dám vào trường”.
Đoạn đường vắng vẻ này là nơi thường xuyên xảy ra các vụ trấn lột gây bất an cho giáo viên vùng Lìa thời gian qua

Chúng tôi chậm rãi tiến sâu vào tuyến đường này. Ngoài lác đác mấy ngôi nhà của đồng bào dân tộc Pa Cô, còn lại là trùng điệp núi rừng. Thỉnh thoảng mới thấy người đi lại. Nhưng tất cả đều đi thành nhóm chứ ít khi thấy người đi đơn lẻ.

Cô Kim Anh - giáo viên Trường mầm non A Xing, nạn nhân của một vụ chặn đường sàm sỡ - vẫn chưa hết bàng hoàng kể: “Tôi vào bản vận động học sinh đến lớp thì bị ba thanh niên chặn đường giở trò sàm sỡ. Dù van xin họ cũng không tha. May lúc đó có một già làng đi làm rẫy về tôi mới được cứu. Giờ vẫn đi dạy nhưng tôi không dám vào bản vận động học sinh nữa”.

Còn cô Đỗ Thị Thùy Lĩnh, giáo viên Trường THCS A Dơi, cho biết hiện tại khi vào trường cô luôn phải có người đưa đón. Đầu tháng 8, cũng trên đường từ trường về nhà, qua đoạn đường vắng, cô bị hai đối tượng bịt mặt xông ra chặn đường cướp điện thoại và tiền. Anh Cương, cán bộ kế toán một trường mầm non trên địa bàn, cũng bị chặn đường trấn lột như trên...

Liên tục bị trấn lột, sàm sỡ, các thầy cô giáo phải tự chuẩn bị phương án đề phòng nhưng vẫn chưa hết bất an. Thầy Nguyễn Bá Tam, hiệu trưởng Trường THCS Pa Tầng (xã Pa Tầng), nói ngay cả thầy cũng từng bị thanh niên bản địa chặn đường khi vào bản vận động học sinh.

Trường đã khuyến cáo giáo viên thực hiện các biện pháp tự đề phòng như đầu tuần đi vào trường và cuối tuần về xuôi thì phải đi thành nhóm từ ba người trở lên; thay vì một tuần về nhà một lần thì chuyển thành hai tuần về một lần để bớt nguy hiểm; người đi nhận lương cho giáo viên cũng phải cử hai ba giáo viên khác đi kèm để đề phòng bất trắc...

“Tuy là có thể đề phòng nhưng nhiều giáo viên vẫn vô cùng bất an khi đi dạy. Tối về giáo viên không còn dám vào bản chơi như trước. Họ không còn yên tâm giảng dạy như trước nữa”, thầy Tam nói.

Trung tá Phan Thanh Minh - đồn trưởng đồn biên phòng 617, phụ trách bốn xã A Xing, A Túc, Xi, Thanh - khẳng định đúng là tình hình an ninh trên tuyến đường Lìa thời gian gần đây có nhiều bất ổn mà nạn nhân chính thường là các giáo viên miền xuôi.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là các nạn nhân thường không chủ động đến khai báo với đồn biên phòng và công an xã mà hầu hết do đồn biên phòng tự nắm thông tin nên khó khăn trong việc điều tra. “Chúng tôi đã thực hiện tuần tra thường xuyên hơn trên tuyến đường này.

Đã có hai trong số các đối tượng thực hiện các vụ trấn lột vừa qua bị bắt giữ nên tình hình có chiều hướng ổn định hơn”, ông Minh nói.
Theo Tuổi trẻ