Hà Nội: Nhiều lò gạch thủ công “hun” dân suốt 10 năm

10/04/2012 19:30
Cao Nguyên - Kiều Linh
(GDVN) - Gần 10 năm nay, nhiều người dân ở thôn An Hòa, xã An Thượng, Hoài Đức “sống dở chết dở” vì khói gạch hoành hành.
Trắng tay vì lò gạch

Theo phản ánh của người dân nơi đây, từ năm 2002, nhiều lò gạch liên tục xuất hiện và ngày đêm hoạt động hết công suất. Những ống khói trông như đầu thuốc lá khổng lồ đua nhau nhả khói đen kín mịt bầu trời, mùi than bốc lên nồng nặc, không khí ngột ngạt, khó thở khiến nhiều người dân trong làng không chỉ thường xuyên đau ốm, bệnh tật mà còn điêu đứng vì mùa màng thất thu.
Là chủ trang trại bị thiệt hại nặng nhất, anh Hoàng Văn Trịnh (50 tuổi) ở thôn An Hạ, xã An Thượng, Hoài Đức – Hà Nội cho biết: "Từ khi lò gạch được xây dựng, cây cối hoa màu mất mùa triền miên thậm chí có những năm, hàng chục hecta lúa cũng bị đốt cháy.
Theo lời kể của anh Trịnh, trước kia, toàn bộ trang trại trồng cam, quất, đào cảnh… nhưng do nhiễm khói độc từ lò gạch khiến cây cối chết hết. Sau đó, anh cùng với hai người nữa là anh Hoàng Văn Thông và anh Nguyễn Văn Nam đều ở thôn An Hạ, xã An Thượng chung vốn mua nhãn và bưởi Diễn về trồng. Tính đến thời điểm hiện tại, trong vườn có khoảng 600 cây bưởi Diễn, 400 cây nhãn muộn và hàng trăm gia cầm như gà, vịt, ngỗng…

Theo anh Hoàng Văn Trình, cây cối cứ ra hoa là bị héo, không lớn lên được và dần sẽ bị chết mòn bởi khói của lò gạch.
Theo anh Hoàng Văn Trình, cây cối cứ ra hoa là bị héo, không lớn lên được và dần sẽ bị chết mòn bởi khói của lò gạch.
Ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, những lò gạch này cách trang trại chưa đến 300m. Mặc dù đã có nhiều biện pháp phòng tránh nhưng mỗi lần đốt lò, lượng khói tỏa ra từ lò gạch bốc lên cuồn cuộn khiến gần 600 cây bưởi đang kì trổ hoa của nhà anh Trịnh có những biểu hiện lạ như lá héo úa, thân cây còi cọc, hoa rụng...  Nhiều cây khác như chuối, nhãn, đu đủ…cũng đang “chết mòn”, thậm chí  gà vịt cũng bị mắc bệnh hen rồi chết. 
Anh Trịnh bức xúc nói: “Chúng tôi có gọi chủ lò nhưng họ không đến, nhiều lần đàm phán không được dẫn đến cãi nhau, thậm chí gần đánh nhau.  Chúng tôi cũng đã nhờ UBND xã can thiệp nhưng mọi việc chưa bao giờ được giải quyết thỏa đáng".
Trong Quyết định 115/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có đề cập đến việc tổ chức lại sản xuất kinh doanh vật liệu xây thủ công ở các địa phương, nhằm giảm tối đa việc sự dụng đất canh tác và xây dựng các lò gạch thủ công không theo quy hoạch gây ô nhiễm tại các vùng ven đô thị, thành phố, thị xã, thị trấn. Từng bước phát triển sản phẩm gạch không nung ở những vùng không có nguyên liệu nung, tiến tới xóa bỏ việc sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công ở ven các đô thị trước năm 2005 và các khu vực khác trước năm 2010.
Với tổng diện tích 20.000m2, ước tính mỗi năm thu hoạch hàng trăm triệu đồng nhưng 7 năm trở lại đây, năm nào cây trái cũng mất mùa dẫn đến kinh tế tổn hại nặng nề. Năm 2011, vào đúng mùa hoa bưởi nhưng khói độc khiến hoa rụng hết, không kết trái. Trắng tay, anh Trịnh có yêu cầu nhà lò đền bù thiệt hại là 50 triệu đồng mỗi người, tuy nhiên, họ chỉ đền 50 triệu đồng/3 người, tính ra mỗi người chưa được 17 triệu đồng.  
Không giấu nổi lo lắng, anh Trịnh thành khẩn: “Khoản bồi thường của nhà lò so với  chi phí bỏ ra để mua giống cây trồng, phân bón, tiền thuê diện tích…là không thỏa đáng. Chúng tôi chỉ biết nhờ chính quyền địa phương, các cơ quan báo chí lên tiếng, làm sáng tỏ để dân làng chúng tôi được thỏa đáng làm ăn, chứ năm nào cũng thất thu thế này thì thiệt thòi lắm”. 
Cùng chung cảnh mất mùa, anh Hoàng Văn Thông cho biết: Trước kia, đây là khu lò từng  bị phá nhưng hơn 10 năm nay, ông Phạm Đình T (quê  gốc ở Đại Yên, hiện đang ở cầu Diễn) đã thầu lại để đốt lò. Tận dụng triệt để phần đất còn lại, có những hố đất chỉ được phép khai thác tối đa 3m nhưng nay đã bị nhà lò đào sâu thêm 8, 9m. Ngoài ra, nhiều xe công nông còn khai thác trái phép mặt bằng sản xuất của địa phương để lấy đất bán cho lò sản xuất. Sự xuất hiện của các lò gạch này khiến cho nhiều hộ gia đình xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cần có giải pháp mạnh từ chính quyền

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch xã An Thượng, ông Nguyễn Trí Lương cho biết: "Kế hoạch để giải phóng lò thủ công trên địa bàn xã An Thượng chỉ còn ở thôn An Hạ. Khu vực này do ông Phạm Đình Thân (quê ở Đại Yên) được UBND huyện Hoài Đức cấp giấy phép cho tận dụng hun đốt gạch.
Những lò gạch đang hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm là mối nguy hại đến hoa màu, lúa... của nhiều người dân thôn An Hạ.
Những lò gạch đang hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm là mối nguy hại đến hoa màu, lúa... của nhiều người dân thôn An Hạ.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm từ lò gạch cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe, hoa màu của người dân, năm 2002, UBND xã An Thượng đã yêu cầu chủ lò xây ống khói cao từ 20m trở lên. Về thiệt hại, hàng năm, UBND xã cũng đề nghị các chủ lò gạch, chủ bãi hỗ trợ và đền bù cho người dân". 
Ông Lương cũng cho biết, UBND đã mời họp để thông báo thời gian và trách nhiệm của ông Thân đối với người dân bị thiệt hại. Nếu hết thời hạn, ông Thân không chủ động giải tỏa thì UBND xã sẽ phối hợp với UBND huyện tổ chức cưỡng chế,  lập hồ sơ vi phạm chuyển lên cấp trên để giải quyết.
Được biết, tháng 11 năm 2011, hợp đồng thuê đất hết thời hạn, UBND xã đã có văn bản yêu cầu đình chỉ việc thuê đất nhưng ông Thân đã xin thêm thời gian, theo đó chậm nhất là đến hết quý 2, năm 2012. 
Cao Nguyên - Kiều Linh