Hà Nội: Trình phương án xây cầu vượt chạy qua Đàn xã Tắc

27/03/2013 07:15
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Nguyễn Sĩ Bảo – Giám đốc Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội cho biết, Hội Kiến trúc sư thành phố Hà Nội đã thông qua phương án xây cầu vượt chạy qua Đàn xã Tắc và đang chờ UBND TP xem xét quyết định.

Ông Bảo cho hay khu vực di tích này có hình ngũ giác và khi triển khai dự án thì các cơ quan chuyên môn đã phối hợp với nhau rất cẩn thận để đảm bảo không xâm phạm tới di tích. Phía Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cũng đã nhiều lần có văn bản nêu quan điểm bảo tồn các giá trị của Đàn Xã Tắc.

Công trình cầu vượt này này thuộc dự án nút giao thông Ô chợ Dừa với tổng mức đầu tư dự kiến là 766 tỷ đồng, khởi công năm 2013 và hoàn thành vào 2015.

“Chúng tôi làm việc với đơn vị tư vấn đề có hơn 10 phương án, đã lựa chọn 3 phương án trình với UBND TP và các sở ngành, trong đó tập trung vào phương án làm cầu vượt để không làm ảnh hưởng tới Đàn Xã Tắc. Những phương án chúng tôi trình đã được Hội đồng kiến trúc sư thành phố thông qua, ngay cả với phương án làm cầu vượt thì các mố cầu cũng nằm ngoài phạm vi Đàn Xã Tắc. Đồng chí Chủ tịch thành phố luôn nhắc chúng tôi với quan điểm là phải đảm bảo sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển”, ông Bảo nói.

Cho tới thời điểm hiện tại, phương án kiến trúc lựa chọn cho cây cầu này có mặt cắt 14,5m với 4 làn xe (mỗi làn rộng 3,5m).

Việc cải tạo nút giao thông Ô Chợ Dừa sẽ góp phần cải thiện tình trạng ùn tắc kéo dài giờ cao điểm.
Việc cải tạo nút giao thông Ô Chợ Dừa sẽ góp phần cải thiện tình trạng ùn tắc kéo dài giờ cao điểm.

Trong số các công trình trọng điểm đang được TP triển khai thì công trình này đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, do được triển khai ở khu vực Đàn Xã Tắc. Theo nhà Hà nội học Nguyễn Vinh Phúc thì Đàn Xã Tắc là một trong những di tích quan trọng bậc nhất của Thăng Long xưa, được lập từ thời Vua Lý Thái Tông (năm 1048), tới thời Vua Lê Chiêu Thống (năm 1788) thì mất dấu. Di tích này được tình cờ phát hiện khi thực hiện dự án đường vành đai 1.

Vị Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình trọng điểm của TP cũng cho biết, trong số 37 danh mục các công trình trọng điểm, đáng chú ý có 4 dự án lớn có tổng mức đầu tư 9.222 tỷ đồng.

Cụ thể, với dự án đường vành đai 1 (đoạn Ô chợ Dừa – Hoàng Cầu) được thực hiện theo quyết định số 1273/QĐ-UBND ngày 7/4/2008, tổng mức đầu tư 624 tỷ đồng, trong đó GPMB 527 tỷ đồng và xây lắp 50 tỷ đồng.

Tuyến đường này dài 547m, rộng 50m và trên thực tế tới 28/12/2012 giá đã đội thêm hơn 100 tỷ đồng (743,5 tỷ đồng). Và cho tới 25/2/2013 vừa qua, UBND TP lại có quyết định phê duyệt điều chỉnh chi phí GPMB và tái định cư là 800 tỷ đồng.

“Dự án này đã có 400/477 hộ dân nhận tiền đền bù, 77 hộ dân còn lại đã nhiều lần được mời nhận tiền nhưng chưa đồng thuận và có kiến nghị về nguồn gốc đất, nhân hộ khẩu, tái định cư… trong thời gian tới Ban quản lý dự án sẽ tiếp tục vận động các hộ dân nhận tiền và dời đến nơi tái định cư. Trong trường hợp các hộ dân tiếp tục không hợp tác, chúng tôi cũng phải có đề xuất với các cấp quản lý để có biện pháp xử lý kịp thời, tuy nhiên tới nay Chủ tịch UBND thành phố vẫn đang chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục vận động, giải thích cho bà con”, ông Bảo chia sẻ.

Ngoài ra, còn hàng loạt các công trình lớn đang được TP Hà Nội khẩn trương chiển khai như: đường vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng) với tổng đầu tư 2560 tỷ đồng 9 (trong đó GPMB hết 2022 tỷ đồng); Dự án xây dựng nút giao thông đô thị Bắc Thăng Long – Vân Trì với tuyến đường sắt Bắc Hồng – Văn Điển với tổng đầu tư (khái toán) là 861,7 tỷ đồng (dự án không phải GPMB thu hồi đất).

Thực hiện nhiệm vụ của TP, các địa phương cũng đã khảo sát lựa chọn các vị trí phù hợp xây dựng 8 cầu bộ hành mới trên đường Huỳnh Thúc Kháng, ngã ba Nguyễn Văn Huyên – Bảo tàng Dân tộc học, Hoàng Quốc Việt (thực hiện năm 2014); các cầu còn lại thành phố tiếp tục phê duyệt triển khai giai đoạn 2013 – 2015.

Ngọc Quang