Hà Nội sẽ kẹt xe cả ngày lẫn đêm nếu không hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân

04/10/2016 06:29
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - TS.Khuất Việt Hùng: "Trong đề án này giải pháp số 1 là nâng cao năng lực vận tải công cộng, vậy thì tại sao mọi người lại cứ nói vào chuyện cấm xe máy?".

Sau 2 tuần công khai để lấy ý kiến, đề án nâng cao năng lực vận tải công cộng và hạn chế xe cá nhân tại Hà Nội đã nhận được hàng nghìn ý kiến khác nhau.

Chia sẻ với độc giả Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, TS.Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, đây là một đề án khả thi, hết sức cần thiết đối với hệ thống giao thông Thủ đô.

- Ông có nhận định gì về đề án nâng cao năng lực phương tiện vận tải công cộng và hạn chế phương tiện cá nhân mà Sở GTVT Hà Nội đang lấy ý kiến?

TS.Khuất Việt Hùng: Quan điểm của tôi bây giờ Hà Nội mới làm đề án này là hơi chậm, lẽ ra phải thực hiện từ năm 2014 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Về nội dung đề án, tôi cho rằng chủ trương là rất tốt vì đã thể hiện rõ hai nhóm nhiệm vụ cần thực hiện: Một là phát triển phương tiện vận tải công cộng, hai là hạn chế xe cá nhân.

Tôi đánh giá cao ý tưởng của Sở GTVT Hà Nội, bởi vì người ta đưa ra sớm để tiếp thu hoàn thiện, giải pháp nào kỹ thuật không chính xác thì điều chỉnh, giải pháp nào về mặt xã hội gây bức xúc thì phải bỏ.

Trong quá trình đưa ra thảo luận để tiếp thu các luồng ý kiến thì đương nhiên sẽ có nhiều tư tưởng khác nhau, nhiều cách góp ý khác nhau.

Tuy vậy cái đích cuối cùng của thành phố Hà Nội vẫn phải bằng mọi giải pháp phát triển hợp lý các phương tiện vận tải công cộng, giúp cho người dân có nhiều lựa chọn hợp lý khi di chuyển, kết hợp với các biện pháp kỹ thuật để hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân.

- Theo ông, Hà Nội đưa ra lộ trình tới 2020 cấm xe máy thì có khả thi không?

TS.Khuất Việt Hùng: Trong quản lý giao thông đô thị có rất nhiều giải pháp, vì thế nếu cứ nhăm nhăm nói về cấm xe máy thì sẽ rất phản cảm.

Ngay cả hạn chế thì cũng phải nói chính xác là ‘hạn chế mức độ sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân’, bởi vì phương tiện cá nhân bao gồm cả xe đạp. Đồng thời cũng tránh gây hiểu lầm là cấm người dân sở hữu phương tiện cá nhân.

Theo tôi, nếu đưa thông tin không đầy đủ thì nhiều người chỉ chú ý vào một chi tiết, một giải pháp kỹ thuật (cấm xe máy) thì sẽ che phủ hết các giải pháp lớn hướng đến mục tiêu tốt đẹp.

Trong đề án này giải pháp số 1 là nâng cao năng lực vận tải công cộng, vậy thì tại sao mọi người lại cứ nói vào chuyện cấm xe máy?

TS.Khuất Việt Hùng đánh giá, nâng cao năng lực vận tải công cộng kết hợp với hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân là yêu cầu hết sức bức thiết với Hà Nội vào lúc này. ảnh: Ngọc Quang.
TS.Khuất Việt Hùng đánh giá, nâng cao năng lực vận tải công cộng kết hợp với hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân là yêu cầu hết sức bức thiết với Hà Nội vào lúc này. ảnh: Ngọc Quang.

Thực tế, Hà Nội đã thực hiện lộ trình quản lý phương tiện cơ giới cá nhân nhiều năm nay chứ không phải bây giờ mới bắt đầu thực hiện.

Tôi lấy thí dụ, ở phố Hàng Bông đoạn từ ngã tư Cửa Nam vào, xe máy đi được 2 chiều, còn chiều vào chỉ có xe buýt được hoạt động. Chiều ra từ phía Hồ Gươm mới cho ô tô cá nhân lưu thông.

Hà Nội cũng đã thực hiện xe nào được vào phố nào, xe nào bị cấm; rồi cấm taxi theo giờ, cấm xe tải theo giờ... đó đều là những giải pháp hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân.

Bên cạnh đó, chúng ta thấy rằng phố đi bộ thực hiện mấy năm nay rồi, và bây giờ đã mở rộng 3 ngày cuối tuần quanh khu vực Hồ Gươm.

Hà Nội sẽ kẹt xe cả ngày lẫn đêm nếu không hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân ảnh 2

Tầm nhìn lãnh đạo chưa dài dẫn tới 7 yếu kém của giao thông Hà Nội

Vấn đề là khi thực hiện ý tưởng này thì phải có đầy đủ các giải pháp để khi ưu tiên cho một nhóm đối tượng tham gia giao thông thì cũng phải tạo thuận lợi cho nhu cầu đi lại của nhóm đối tượng khác.

Từ đó có những câu hỏi đặt ra như: Bố trí bãi đỗ xe thế nào? Phân luồng thế nào? Kết nối các phương tiện công cộng ra sao?

Vậy hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân, cụ thể là đối với xe máy có thực hiện được không? Tôi khẳng định là thực hiện được!

Không chỉ hạn chế với xe máy mà cả với ô tô cá nhân, bởi vì phải chia trung bình, loại phương tiện nào chiếm nhiều diện tích đường chắc chắn là đối tượng cần quan tâm.

Nếu chỉ quan tâm hạn chế xe máy thì người dân sẽ cho rằng không công bằng bởi vì ô tô cá nhân cũng chiếm nhiều diện tích đường.

Đây mới là một đề án chung, và để thành công thì cần rất nhiều các đề án nhỏ. Thí dụ chỉ riêng nâng cao năng lực vận tải công cộng thì thêm bao nhiêu xe buýt, quản lý vận tải thế nào, vé thông minh hay vẫn vé tay...đó là một đề án riêng, thì mới ra.

Phải có kế hoạch chi tiết từng hạng mục cần phải làm, thời gian thực hiện và thiết kế cụ thể.

Rút kinh nghiệm từ việc triển khai các tuyến phố đi bộ quanh khu vực Hồ Gươm vừa qua, thành phố cần tính tới sự thay đổi hoạt động sử dụng đất, có nhiều hộ kinh doanh gặp khó khăn với các mặt hàng họ vẫn đang bán.

Vì vậy, cần phải trao đổi trước với người dân để họ tham khảo các loại hình kinh doanh và chuyển đổi phù hợp, thậm chí trong một số trường hợp thì thành phố cần hỗ trợ cho họ.

Ngoài ra, trong đề án này tôi thấy thiếu một vấn đề, đó là vận tải hành khách công cộng liên tỉnh. Cần phải tính tới vấn đề này, để làm thế nào xe vận tải liên tỉnh chạy đều 10 – 15 phút/ 1 chuyến trong phạm vi 100km.

Như vậy, người dân thấy được có sự kết nối tốt sẽ đi phương tiện công cộng, thuận tiện, giá cả hợp lý và tốt cho sức khỏe, an toàn hơn khi di chuyển. Thế là giảm được sự di chuyển bằng phương tiện cá nhân.

Sự phát triển quá nhanh các khu chung cư trong 10 năm qua, nhưng lại đầu tư quá ít cho hạ tầng dẫn tới tình trạng ùn tác trầm trọng tại Hà Nội. ảnh: Tiền phong.
Sự phát triển quá nhanh các khu chung cư trong 10 năm qua, nhưng lại đầu tư quá ít cho hạ tầng dẫn tới tình trạng ùn tác trầm trọng tại Hà Nội. ảnh: Tiền phong.

- Thưa ông, có một vấn đề hết sức quan trọng đó là quy hoạch chung của thành phố vẫn tiếp diễn tình trạng hạ tầng chạy theo đô thị thì sẽ không bao giờ ngăn chặn được nạn ùn tắc?

TS.Khuất Việt Hùng: Các đồ án quy hoạch giao thông của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng chưa có mô hình nào đầy đủ, đảm bảo chất lượng, dẫn tới sự phát triển hoàn toàn dựa trên quy hoạch tĩnh, thiếu dòng giao thông chạy trên đó.

Quy hoạch chung của đô thị Hà Nội thì rất lớn, nhưng điều tiết nhịp điệu thì rất kém, dẫn tới lạc điệu.

Thường thường ở Việt Nam đô thị đi trước và hạ tầng phát triển sau, dẫn tới tình trạng hiện nay là các khu chung cư để ở thì dày đặc, nhưng kết cấu hạ tầng không theo kịp.

Thí dụ như khu đô thị Linh Đàm xây dựng rất dày nhưng hạ tầng thì lại không tương xứng, quá kém.

Thí dụ như khu Royal City hoàn thành thì cầu vượt Ngã Tư Sở trở nên quá bé. Và bây giờ kể cả khi hoàn thành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông thì dân trong khu đô thị này đã hình thành thói quen đi lại bằng phương tiện cá nhân mất rồi.

Không chỉ có đường xá không đáp ứng nổi mà một loạt các vấn đề khác nảy sinh ở nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, điện, nước, môi trường đô thị... đều bị quá tải.

Ở nhiều nước có quy định rất rõ ràng là các công trình có 5000m2 sàn trở lên bắt buộc phải đánh giá tác động giao thông.

Công trình này có thể là chung cư, trường học, bệnh viên... phải làm rõ có gây áp lực, làm ùn tắc giao thông không. Nếu có thì phải dừng cho đến khi giải quyết được. Hoặc phải giảm quy mô, thậm chí dừng hẳn không cho phép xây.

Còn ở ta quản lý quy hoạch không tốt dẫn tới phát triển đô thị quá nóng, còn hạ tầng thì cứ chạy theo sau, trong khi theo logic thì hạ tầng phải đi trước, hoặc tối thiểu cũng phải phát triển song trùng.

Ngọc Quang (Thực hiện)