Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Hai Bộ lại “chỏi” nhau về xăng dầu

07/09/2012 06:30
Điều này cho thấy công tác quản lý hoạt động nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu còn nhiều bất cập.

Ngay khi Tổng cục Hải quan công bố danh sách doanh nghiệp (DN) đầu mối nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu không thực hiện đúng quy định của pháp luật về tạm nhập tái xuất, chiếm dụng vốn thông qua nợ thuế, cả DN và Bộ Công Thương đều đã có phản ứng.

Theo Bộ Tài chính, số lượng xăng dầu tạm nhập nhưng không tái xuất của 13 DN đầu mối trong năm 2011 là 580.000 tấn, của 6 tháng đầu năm 2012 là 544.900 tấn. Ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho rằng vì không quy định tạm nhập lô hàng nào phải tái xuất chính lô hàng đấy nên các DN tạm nhập nhưng không tái xuất để trốn thuế. Ví dụ tại thời điểm này, DN tạm nhập xăng dầu thì thuế suất là 12% nhưng do chưa thanh khoản các lô hàng trước ở thời điểm thuế suất bằng 0% hoặc 5% nên khi chuyển lượng xăng dầu chưa tái xuất sang tiêu thụ nội địa sẽ được hưởng lợi từ chênh lệch thuế suất giữa 12% (lô hàng thực nhập) và thuế suất 0% hoặc 5%, tức là trốn thuế 12% hoặc 7%. Vì vậy, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nếu cho tạm nhập tái xuất xăng dầu thì phải còn nguyên tàu, nguyên chủng loại, phải được kẹp chì, được giám sát về kỹ thuật thì mới cho xuất.

Tuy nhiên, với chức năng quản lý thị trường, Bộ Công Thương lại công bố số liệu cho thấy lượng xăng dầu chưa tái xuất không đến mức “khủng” như số liệu của Bộ Tài chính. Theo đó, trong năm 2011, lượng xăng dầu tạm nhập nhưng không tái xuất của 13 DN thấp hơn nhiều so với con số 580.000 tấn mà Bộ Tài chính công bố. Còn 6 tháng đầu năm, chỉ có 310.000 tấn so với 544.900 tấn mà Bộ Tài chính đưa ra. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú khẳng định trong số này có một lượng lớn là hàng đang trong giai đoạn chờ tái xuất nên không phải toàn bộ số lượng vênh nhau giữa tạm nhập tái xuất là chuyển bán nội địa. Ông Tú cũng cho rằng không loại trừ khả năng DN lợi dụng chính sách để hưởng lợi về thuế nhưng không thể nói DN trốn thuế thông qua số liệu công bố nợ thuế của Tổng cục Hải quan.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng dù sao thì những công bố của Tổng cục Hải quan cũng đã cảnh báo tình trạng gian lận thương mại nguy hiểm. Vì bằng cách trốn thuế, lách thuế, DN xăng dầu tạo lợi thế bất bình đẳng trong kinh doanh. Nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng này, lợi nhuận sẽ chảy vào túi DN, có hại cho ngân sách, thị trường thì bị phá hoại. Từ trước đến nay, dư luận vẫn nghi ngờ về tính công khai, minh bạch của các DN xăng dầu và thực trạng này cho thấy mối quan ngại đó là có cơ sở.

Ngoài ra, việc 2 cơ quan quản lý xăng dầu là Bộ Tài chính và Bộ Công Thương một lần nữa “chỏi” nhau về số liệu cho thấy công tác quản lý hoạt động nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu còn nhiều bất cập.

Petrolimex không nợ thuế?

Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), tỏ ra bức xúc khi “tự nhiên” bị Tổng cục Hải quan quy kết hành vi gian lận, chiếm dụng vốn thông qua việc tạm nhập không tái xuất và nợ thuế. “Chúng tôi đã kiểm tra lại số liệu thì thấy sự thực không như Tổng cục Hải quan công bố. Petrolimex không nợ thuế. Ngay cả khi có nợ thuế thì hải quan phải gửi thông báo đích danh về lô hàng, tờ khai, cảng nhập khẩu, không thể tự ý công bố làm ảnh hưởng đến uy tín DN” - ông Năm nói.


Tô Hà