Hành trình tìm “kho vàng 4.000 tấn”: Người Nhật trở lại

25/10/2011 07:55
Quế Hà - Minh Nam/Thanh niên
Cụ Trần Văn Tiệp tỏ ra lo lắng trước những thông tin cho rằng người Nhật đang tìm mọi cách trở lại núi Tàu để tìm lại “kho vàng”.
Trong những lần tiếp xúc với PV, cụ Trần Văn Tiệp đều tỏ ra lo lắng trước những thông tin cho rằng người Nhật đang tìm mọi cách trở lại núi Tàu để tìm lại “kho vàng”.

Những người khách bí ẩn

Theo tài liệu thu thập của cụ Trần Văn Tiệp, ngày 31.12.1999, có 2 chiếc tàu của Malaysia xâm phạm vùng biển xã Phước Thể, H.Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, nhưng đã bị cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, bắt giữ. Sau đó, 2 chiếc tàu này bị UBND tỉnh Bình Thuận xử phạt 70 triệu đồng. Cùng thời điểm ấy, có một công ty ở nước ngoài có tên là TOMTEC đã đứng ra nộp phạt thay. “Còn hai tàu này đến vùng biển sát với núi Tàu làm gì thì không ai được biết. Chắc chắn họ không phải đến đây để đánh bắt cá!” - ông Tiệp ngờ vực.

Đầu năm 2010, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Huỳnh Tấn Thành cấp phép cho Công ty vật liệu và khoáng sản Bình Thuận đến khai thác đá xây dựng ở núi Tàu. Việc làm này đã bị cụ Tiệp phản ứng gay gắt, vì cho rằng đây là công trình ông đang tìm vàng chưa hoàn tất và “mọi hoạt động khai thác đá tại khu vực này đều có ý định chiếm đoạt kho vàng”. Cụ Tiệp còn có thư gửi lãnh đạo ngành công an cho rằng “đang có nhiều người có ý định chiếm đoạt kho vàng mà ông là người đầu tiên phát hiện”.

Ngày 15.1.1995, một người Nhật tên là Hakamura đã đến Cù Lao Câu (một hòn đảo nhỏ ở xã Vĩnh Tân, H.Tuy Phong, cách núi Tàu chừng 10 km) để khảo sát. “Ông này đến đây không nhằm mục đích nào khác ngoài thăm dò kho vàng tại núi Tàu!”, cụ Tiệp nói như đinh đóng cột. Theo lời cụ, thấy hành tung bí ẩn của vị khách kia, người dân địa phương đã báo cơ quan chức năng và từ đó người khách ngoại quốc này đã không quay lại nữa.

Theo tư liệu trong đoạn video clip mà cụ Tiệp cung cấp cho PV Thanh Niên, ngày 20.6.1995, một người bạn của cụ (ngụ ở TP.HCM) gửi một bản fax sang Tokyo cho ông Ichiro Hakamura (không rõ nội dung gì). Ngày hôm sau, một bản fax từ Tokyo chuyển về TP.HCM với nội dung được dịch từ tiếng Anh với đại ý: “Tôi rất lấy làm chú ý những thông tin mà ông gửi cho tôi”.

Một thông tin khác mà tài liệu của cụ Tiệp cung cấp, vào năm 1999, Báo Bình Thuận có đưa tin về việc thành lập một doanh nghiệp được UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép đầu tư vào ngày 23.7.1999. Lãnh đạo công ty gồm ông Minora Hamaka làm chủ tịch hội đồng quản trị; ông Ken Wakisaka làm tổng giám đốc; ông Tadshi Tamuara giữ vị trí giám đốc và ông Tetsuya Kato làm kế toán trưởng. Tất cả đều mang quốc tịch Nhật. Điều lạ là công ty vừa thành lập lại mang quốc tịch Singapore sang liên doanh làm ăn với một doanh nghiệp Việt Nam. Công ty hoạt động trong lĩnh vực nuôi tôm và chế biến thức ăn gia súc tại huyện Tuy Phong (theo điều tra của chúng tôi thì công ty này đã rút khỏi Việt Nam từ năm 2004).

Một tài liệu khác cho biết cũng năm 1999, một phụ nữ Nhật từng có cuộc gặp riêng với nhà ngoại cảm ở tỉnh Phú Thọ (người có tham gia vào việc tìm kiếm kho vàng) tại một khách sạn ở Hà Nội. Nội dung cuộc gặp cho thấy họ muốn “ký hợp đồng làm ăn với Nhật” (lời ông Tiệp). Bản hợp đồng sau này được phát hiện “có giá trị 200 triệu USD”. Chính nhà ngoại cảm đã lén ghi hình người phụ nữ Nhật này đem về TP.HCM báo lại với cụ Tiệp và sau đó được cụ báo cáo toàn bộ sự việc này với cơ quan công an.

Xâu chuỗi những vụ việc, tình tiết trên, cụ Tiệp khẳng định rằng “người Nhật đã có ý định quay lại núi Tàu” để tìm lại của cải mà họ chôn giấu năm xưa.

Ông Tiệp và ông Tám Hiền (mặc áo trắng) trên núi Tàu năm 1994 (ảnh chụp lại từ video)
Ông Tiệp và ông Tám Hiền (mặc áo trắng) trên núi Tàu năm 1994 (ảnh chụp lại từ video)

Tư tưởng lớn gặp nhau

Trong lúc nóng lòng khai quật kho vàng, cụ Tiệp tình cờ làm quen một vị cán bộ lãnh đạo tỉnh, đồng thời cũng có chung niềm tin về sự hiện diện của “kho vàng” tại núi Tàu. Đó là ông Tám Hiền (Lê Văn Hiền, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thuận Hải - nay là tỉnh Bình Thuận và đã mất năm 2009 - PV).

Mới gặp nhau vào khoảng năm 1990, nhưng cụ Tiệp và ông Tám Hiền lại có một ý nghĩ giống nhau đến kỳ lạ: “lấy bằng được vàng từ núi Tàu”.

Trao đổi với PV Thanh Niên, cả 2 cán bộ nguyên là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận (ông Đặng Văn Hải và ông Trần Khán), từng ký cấp phép cho cụ Tiệp thăm dò kho vàng tại núi Tàu, đều khẳng định: “Sở dĩ UBND tỉnh ký cấp phép cho ông Tiệp được thăm dò kho vàng khi ấy là do có ý kiến của ông Tám Hiền”.

Không chỉ tiếp sức cho cụ Tiệp bằng ý chí, bằng nghị lực mà ông Tám Hiền còn là người trực tiếp giúp cụ lên tận núi Tàu chỉ huy tìm kiếm kho vàng suốt mấy năm trời.

Ngày 26.11.2002, cụ Tiệp có giấy ủy quyền giao toàn bộ việc chỉ huy tìm kiếm cho ông Tám Hiền. Trong quá trình tìm kiếm, dân địa phương không được đến gần, thậm chí không được chăn thả trâu bò tại đây.

Đoạn video mà Báo Thanh Niên có được đã ghi lại hình ảnh ông Tám Hiền trực tiếp chỉ huy việc tìm kho vàng vào những năm đầu thập  niên 1990. Ông Tám Hiền từng thổ lộ với các cộng sự: “Với phương pháp hiện đại, nhất định sẽ tìm được kho vàng!”. Niềm tin của ông Tám Hiền vào kho vàng núi Tàu cũng mãnh liệt không kém cụ Tiệp.

Ông Tám Hiền nói trong video rằng ông từng gặp lãnh đạo Văn phòng Chính phủ thời đó xin hỗ trợ về mặt phương tiện kỹ thuật để tìm kiếm kho vàng ở núi Tàu. “Vào thời điểm ấy, nếu không có ông Tám Hiền thì ông Tiệp không thể thực hiện được việc thăm dò, tìm kiếm”, một cán bộ tỉnh Bình Thuận từng tham mưu cho UBND tỉnh việc cấp phép lúc bấy giờ khẳng định.

Bây giờ mỗi lần nhắc lại người bạn già cùng chí hướng, cụ Tiệp ngậm ngùi: “Anh Tám Hiền đã khuất núi. Tôi tìm kho vàng núi Tàu không chỉ vì ngân khố quốc gia, mà còn vì ước nguyện suốt đời của người bạn già Tám Hiền. Nếu tìm thấy thì không chỉ là ước nguyện của tôi, mà ở dưới suối vàng anh Tám Hiền cũng sẽ mỉm cười”.


Quế Hà - Minh Nam/Thanh niên