Hé lộ nguyên nhân Chủ tịch Tập đoàn Bảo Long Nguyễn Hữu Khai bị bắt

17/06/2013 07:04
Hoàng Lực
(GDVN) - Liên quan đến việc ông Nguyễn Hữu Khai do nhiều lần chiếm giữ, sử dụng trái phép các tài sản mà Tập đoàn Bảo Long đã bán cho Tập đoàn Bảo Sơn. Tìm hiểu trong câu chuyện “lùng nhùng” giữa hai tập đoàn đã dần hiện ra chân tướng sự việc.
Cơ quan điều tra Công an Hà Nội tống đạt lệnh bắt ông Nguyễn Hữu Khai
Cơ quan điều tra Công an Hà Nội tống đạt lệnh bắt ông Nguyễn Hữu Khai

Như báo Giáo dục Việt Nam đã đưa tin: liên quan đến vụ việc vào chiều ngày 15.6, Cơ quan An ninh điều tra – Công an TP. Hà Nội đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với ông Nguyễn Hữu Khai. Việc tống đạt quyết định được cơ quan điều tra thực hiện tại trụ sở Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long ở xã Xuân Thới, huyên Hóc Môn, TP.HCM. Ông Khai bị tạm giam để điều tra về hành vi sử dụng tài sản trái phép.

Quay ngược lại thời gian, sau hơn 20 năm từ một xí nghiệp bào chế, sản xuất dược phẩm đông y, Bảo Long đã vươn mình trở thành một tập đoàn kinh doanh đa ngành, đa nghề có uy tín, thương hiệu mạnh ở Việt Nam. Do đó, vị thế cũng từ đó uy tín của người đứng đầu Bảo Long ông Nguyễn Hữu Khai được dư luận xã hội đánh giá rất cao.


Tuy nhiên đạt được khá nhiều thành công, được giới truyền thông ca ngợi, nhưng theo nhiều ý kiến cho rằng sự nổi tiếng đó bởi một phần do vị “thuyền trưởng” Bảo Long rất khéo léo trong việc PR cho mình? Rất nhiều hoàn cảnh khốn khó, éo le được báo chí phản ánh dư luận quan tâm thì ngay lập tức ông Khai và Bảo Long nhảy vào với vai trò Mạnh Thường Quân cứu vớt. Tuy nhiên đằng sau đó không ít những câu chuyện chỉ người trong cuộc với biết.

Chiều ngày 15/6/2013, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã thực hiện lệnh bắt tạm giam với ông Nguyễn Hữu Khai – Chủ tịch Tập đoàn Bảo Long.
Chiều ngày 15/6/2013, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã thực hiện lệnh bắt tạm giam với ông Nguyễn Hữu Khai – Chủ tịch Tập đoàn Bảo Long.


Những câu chuyện của Bảo Long khiến báo chí tốn giấy mực
Cách đây ông Nguyễn Hữu Khai với uy tín Bảo Long đã mở ra một cơ sở để sản xuất, điều chế dược liệu ở Sìn Hồ, Lai Châu. Đi cùng với đó ông Khai xuất hiện trên báo chí nói về ưu điểm của mô hình sản xuất táo bạo về tương lai tươi sáng, sự đổi đời cho vùng núi heo hút. 
Tuy nhiên nhà văn Nguyễn Như Phong, lúc đó còn là Phó tổng biên tập Báo An ninh Thế giới có dịp lên Sìn Hồ, qua thông tin ban đầu ông định sẽ tìm hiểu và sẽ viết bài ký để ca ngợi mô hình kinh tế táo bạo và mang tính nhân văn của ông Nguyễn Hữu Khai.
Hàng trăm bao thuốc đã qua sơ chế của Bảo Long để mốc tại nhà kho (ảnh báo Lai Châu)
Hàng trăm bao thuốc đã qua sơ chế của Bảo Long để mốc tại nhà kho (ảnh báo Lai Châu)
Tuy nhiên, khi đến Sìn Hồ hỏi về mô hình của ông Khai thì ở đâu nhà văn Nguyễn Như Phong cũng thấy những lời ca thán của người dân thậm chí cả chính quyền huyện đại ý: Ông Khai xin đất dự án, làm được vài cái xưởng rồi để đấy. Khám bệnh cho dân cũng chỉ được vài bữa gọi rồi giải tán đâu hết. Rượu thuốc mang tiếng là sản xuất ở Sìn Hồ nhưng lại là rượu được nấu từ dưới xuôi mang lên…
Ông Nguyễn Hữu Khai là người khá nổi tiếng. Ông chính là nhân vật nguyên mẫu trong tiểu thuyết Nợ đời của nhà văn Hoàng Dự, được chuyển thể thành phim truyền hình dài tập Đường đời, đã phát sóng trên VTV.
Hay như câu chuyện của đô vật Lê Thị Huệ vận động viên thuộc đội tuyển Vật quốc gia. Sau khi báo chí lên tiếng vụ việc vận động viên Lê Thị Huệ bị chấn thương nặng do luyện tập chuyển bị thi đấu ở SEA Game 22 khiến vận động viên này có nguy cơ liệt giường suốt đời làm dấy lên vấn đề chế độ hậu đãi với vận động viên dành được sự quan tâm của dư luận. Ngay lập tức Bảo Long xuất hiện đảm nhiệm vai vị “cứu tinh” bằng việc hỗ trợ điều trị cho Huệ và nhận chị gái Huệ vào làm việc tại Bảo Long.Đầu tư dàn trải dẫn đến nợ nần?
Không chỉ xây dựng phát triển từ lĩnh vực y dược, Tập đoàn Bảo Long của ông Nguyễn Hữu Khai đã dần trở thành tập đoàn phát triển đa ngành đa nghề. Từ chỗ bào chế thuốc, bào chế dược phẩm, Bảo Long đã mở rộng đầu tư vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục…
Năm 2005, Bảo Long thành lập Bệnh viện Đa khoa Bảo Long, tuyển mộ đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, vào làm việc. Bệnh viện Bảo Long được giới thiệt là mô hình mới với sự kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại, ngoài việc bắt mạch, kê đơn theo phương pháp cổ truyền, chữa trị hiệu quả các chứng bại liệt do tai biến, viêm đa khớp mãn tính, thoái hóa cột sống, thiểu năng tuần hoàn não, u nang, gan, thận, buồng trứng, tử cung… cùng nhiều chứng bệnh nan y. Tiếp đó năm 2007, được sự ủng hộ của Ủy ban Thể dục – Thể thao và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), từ môn phái “Bảo Long Y Võ” trước đó được ông Khai sáng lập, Bảo Long đã xin cấp phép thành công và xây dựng trường phổ thông võ thuật với quy mô đa cấp (tiểu học, phổ thông cơ sở, trung học phổ thông). Cũng ngay sau đó, được sự giúp đỡ và tạo điều kiện của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Bảo Long lại thành lập trường Trung cấp Y dược. Tuy nhiên, sự mở rộng tràn lan các ngành nghê kinh doanh thiếu đi chiến lược có tính chiều sâu của Nguyễn Hữu Khai đã khiến Bảo Long ngày càng sa vào cảnh nợ nần do đầu tư dàn trải, ôm đồm. Sự sụp đổ của mô hình kinh tế kiểu Bảo Long cũng bắt đầu từ đây. Theo báo cáo tổng hợp vốn và lãi vay Tập đoàn Y dược Bảo Long thì tính đến ngày 31/1/2011: Bảo Long đã vay tổng số gần 83 tỉ đồng từ các ngân hàng; hơn 117 tỉ đồng từ 618 cá nhân ở khu vực Hà Nội; vay vốn từ các cổ đông là 86,786 tỉ đồng. Đáng chú ý, trong các khoản vay từ cá nhân, có rất nhiều khoản vay Bảo Long phải chấp nhận lãi suất lên tới 18-21%/tháng. Tổng số tiền nợ của Bảo Long tính đến hết tháng 1/2011 là 286,785 tỉ đồng và mỗi tháng, tổng cộng tiền lãi mà Bảo Long phải trả lên tới 10,961 tỉ đồng. Mặc dù phải gánh trên vai một món nợ khổng lồ như vậy nhưng theo báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Bảo Long lại không mấy khả quan. Ví dụ, trong tháng 4/2011, tổng lợi nhuận sau thuế của 3 đơn vị kể trên chỉ là 544,041 triệu đồng (tức chưa bằng con số lẻ mà Bảo Long phải trả lãi cho các khoản vay). Câu chuyện “lùng nhùng” giữa Bảo Sơn và Bảo Long Trước hoàn cảnh khó khăn Tập đoàn Đông Nam Dược Bảo Long đã phải tìm kiếm đối tác đầu tư để tăng khả năng cạnh tranh, ổn định, phát triển sản xuất và đã tìm được đối tác đó là Bảo Sơn. Ngày 3/3/2011, sau khi được sự thống nhất của Bảo Sơn và Bảo Long, tại trụ sở của Bảo Long (xã Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội), ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Bảo Sơn và ông Nguyễn Hữu Khai, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Bảo Long và các cổ đông đã ký bản Hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần và tài sản doanh nghiệp cùng bản quyền thương hiệu sản phẩm số 01/CNVCP&TS/BL-BS. Theo đó, được biết, Bảo Sơn cam kết sẽ đầu tư nâng câp Bệnh viện đa khoa Bảo Long, nâng cấp xưởng sản xuất Đông Dược Bảo Long, phát triển trường phổ thông Võ thuật Bảo Long…Tổng giá trị chuyển nhượng là 227,5 tỷ đồng. Trong đơn thư gửi đi các nơi ông Nguyễn Hữu Khai cho rằng Bảo Sơn còn nợ Bảo Long là 125 tỷ đồng. Nguyên nhân vì với số tiền 227,5 tỷ đồng đầu tư của Bảo Sơn thì chỉ gồm giá trị toàn bộ diện tích đất là 53.382,7m2 là 163.991.980.000 đồng cộng giá trị công trình xây dựng trên đất là 63.521.194.701 đồng.  Các giá trị còn lại như: 100% vốn cổ phần của các cổ đông, phần vốn góp bổ sung của các cổ đông, hạ tầng kỹ thuật, vườn hoa cây cảnh và thương hiệu của của 3 đơn vị (Dược Bảo Long, Bệnh viện Bảo Long và trường võ Bảo Long) Tập đoàn Bảo Sơn chưa thanh toán cho Bảo Long.
Bản hợp đồng chuyển nhượng có đóng dấu, chữ ký của các thành viên trong hội đồng quản trị Tập đoàn Bảo Long cho Bảo Sơn
Bản hợp đồng chuyển nhượng có đóng dấu, chữ ký của các thành viên trong hội đồng quản trị Tập đoàn Bảo Long cho Bảo Sơn
Tuy nhiên ngay sau thông tin trong đơn thư gửi đi của ông Khai ông Nguyễn Trường Sơn, chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn khẳng định Tập đoàn Bảo Sơn khẳng định không hề thêm bớt trong việc giúp đỡ Tập đoàn Bảo Long (đang nợ nần chồng chất) bằng cách mua 100% vốn cổ đông của 3 công ty nói trên theo giá mà Bảo Long đề nghị : 227,5 tỷ đồng. Nhưng sau khi thanh toán 100% giá trị hợp đồng chuyển nhượng là 227 tỷ đồng, Tập đoàn Bảo Sơn tiếp tục cho Bảo Long vay bằng 2 hợp đồng khoán kinh doanh, đầu tư kinh doanh đảm bảo sản xuất với tổng giá trị 10 tỷ đồng. Lúc này, so với báo cáo ban đầu của Bảo Long là 286 tỷ thì số tiền vay mà Bảo Long còn phải trả là 286-237 tỷ = 49 tỷ đồng. Ngày 4/5/2011 Tập đoàn Bảo Sơn lại nhận được một báo cáo tiếp theo của Bảo Long với số tiền vay tại thời điểm đó lên đến 145,7 tỷ đồng. Như vậy, so với báo cáo ban đầu nợ gốc đã tăng lên tới 141,7 tỷ- 49 tỷ = 96,7 tỷ đồng. Tập đoàn Bảo Sơn lại ký tiếp 02 hợp đồng vay vốn cho Bảo Long vay 4,5 tỷ đồng và 80 tỷ đồng đã giải ngân được 41,8 tỷ đồng. Sau đó Bảo Sơn không tiếp tục giải ngân vì cho rằng Bảo Long không có khả năng trả nợ. Câu chuyên giữa Bảo Sơn và Bảo Long không dừng lại ở đó, ông Nguyễn Trường Sơn Tổng Giám đốc Công ty Bảo Sơn đã có đơn thư gửi Thanh tra Hà Nội tố cáo ông Nguyễn Hữu Khai không trả tiền gốc và lãi theo các hợp đồng khoán kinh doanh, không trả gốc và lãi theo hợp đồng vay vốn để trả nợ ngân hàng, không bàn giao mặt bằng cho ông Sơn và Công ty Bảo Sơn. Bên cạnh đó ông Sơn cũng tố cáo ông Nguyễn Hữu Khai về hành vi thuê côn đồ nhắn tin, gọi điện dọa giết ông Sơn và các hành vi kinh doanh trái phép, trốn thuế… Mọi chuyện bẵng đi một thời gian cho đến sau khi Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã thực hiện lệnh bắt tạm giam với ông Nguyễn Hữu Khai – Chủ tịch Tập đoàn Bảo Long vào chiều ngày 15/6/2013 người ta mới rõ nguyên nhân ông Khai bị tạm giam vì liên quan đến việc chiếm giữ, sử dụng trái phép các tài sản mà Tập đoàn Bảo Long đã bán cho Tập đoàn Bảo Sơn tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Chắc chắn những uẩn khúc và những “lùng nhùng” sau giữa Bảo Long và Bảo Sơn sẽ được làm sáng tỏ trong thời gian tới.
Hoàng Lực